Trên Freedom 251 chỉ có vài ứng dụng đơn giản.
BBC cho biết khi cầm trên tay, sản phẩm này đem đến cảm giác khá giống với iPhone 5. Dù giá siêu rẻ, máy có cấu hình ấn tượng với camera ở cả mặt trước và sau, màn hình 4 inch, RAM 1 GB, bộ nhớ trong 8 GB cùng khe cắm thẻ nhớ mở rộng lên 32 GB, chip lõi tứ...
Máy có hai màu trắng và đen, hoạt động như một chiếc smartphone cơ bản. Tuy nhiên, chưa thể đánh giá nhiều về Freedom do máy chỉ cài rất ít ứng dụng, như ứng dụng tính toán, nghe nhạc, trình duyệt web và e-mail.
Đầu tuần này, nhà sản xuất Ringing Bells khẳng định sẽ phân phối sản phẩm tới tay người mua vào ngày 30/6, nhưng hiện đã lùi sang 7/7. Trong khi đó, trang BGR cho hay, Ringing Bells sẽ xuất xưởng khoảng 200.000 máy dù số lượng đặt hàng lên tới 70 triệu lượt, có nghĩa cứ 350 người mua thì chỉ có một người nhận được máy.
Camera phía sau có đèn flash.
Ra mắt từ giữa tháng 2/2016 và sau nhiều lần trì hoãn, Freedom 251 vẫn chưa thực sự có mặt trên thị trường, khiến không ít người cho rằng đây chỉ là chiêu quảng cáo của Ringing Bells. Chỉ tính riêng linh kiện sản xuất, chi phí cho chiếc điện thoại thông minh này đã tầm 50 USD. Kirit Somaiya, một thành viên Quốc hội Ấn Độ, khẳng định đây là "vụ lừa đảo thế kỷ" trong khi người đứng đầu Hiệp hội di động Ấn Độ nhận định Freedom 251 giống như "một trò đùa".
Mohit Goel, sáng lập Ringing Bells, phủ nhận mọi cáo buộc, Gia đình ông kinh doanh hoa quả khô hàng thập kỷ qua và ông muốn tham gia vào việc hiện thực hóa giấc mơ số của Ấn Độ. Nhu cầu sở hữu smartphone giá rẻ ở quốc gia đông dân thứ hai thế giới rất lớn, thúc đẩy ông cho ra đời Freedom 251. Tuy nhiên, rõ ràng việc bán điện thoại như vậy với giá 3,6 USD vẫn là "không thể tin nổi".
Goel cho hay công ty nhập khẩu linh kiện từ Đài Loan và lắp ráp tại Haridwar ở bắc Ấn Độ. Sau này nếu kiếm đủ tiền, họ sẽ tự sản xuất các bộ phận. Ringing Bells cũng đang lên kế hoạch cho ra đời sản phẩm giá cao hơn, tầm 100 USD.