Sinh viên vơi bớt gánh lo “nơi ăn, chốn ở”

GD&TĐ - Dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, khó lường nên trước khi vào năm học mới, nhiều cơ sở giáo dục đại học đã hỗ trợ sinh viên ổn định “nơi ăn, chốn ở” bằng nhiều hình thức khác nhau...

Sinh viên Nguyễn Thị Thanh Thủy học trực tuyến tại nhà trọ. Ảnh: NVCC
Sinh viên Nguyễn Thị Thanh Thủy học trực tuyến tại nhà trọ. Ảnh: NVCC

Những hỗ trợ thiết thực

Một mình bám trụ tại TP Hồ Chí Minh, dịch bệnh Covid-19 bùng phát khiến Nguyễn Thị Thanh Thủy – sinh viên hệ đào tạo từ xa của Trường ĐH Mở Hà Nội “không kịp trở tay”, về quê cũng không được, mà ở lại thì khó khăn đủ đường; trong đó tiền thuê nhà trọ cũng là vấn đề nan giải. “Bản thân em thu nhập không ổn định nhưng vẫn cố gắng dành dụm gửi tiền về cho gia đình, vì ở nhà mẹ em bị bệnh nặng nhiều năm, gần đây bố cũng ốm liên miên, em út đang học lớp 8 nên chưa phụ giúp được nhiều cho gia đình” - Thanh Thủy bộc bạch.

Nhiều lúc khó khăn với các khoản tiền thuê nhà trọ, tiền chi tiêu, sinh hoạt hàng ngày khiến Thủy có ý định bán chiếc máy tính đang là công cụ học tập để có tiền trang trải cuộc sống. “Nhưng rồi em lại nghĩ, việc học là đầu tư cho tương lai nên cố gắng tiết kiệm hết mức có thể. Trong lúc khó khăn, may mắn em được nhà trường hỗ trợ 1 triệu đồng. Số tiền tuy không nhiều, nhưng giúp em trang trải được nhiều việc, ít nhất là tiền thuê nhà trọ. “Một miếng khi đói, bằng một gói khi no”, với em đó là nguồn động viên tinh thần lớn, em sẽ cố gắng không bỏ dở việc học hành” – Thủy tâm sự và mong các bạn sinh viên có hoàn cảnh thực sự khó khăn sẽ được nhà trường hỗ trợ.

ThS Lương Tuấn Long – Trưởng phòng Công tác Chính trị và Sinh viên (Trường ĐH Mở Hà Nội) khẳng định: Nhà trường xác định việc hỗ trợ sinh viên khó khăn do dịch bệnh Covid-19 là cấp thiết. Việc rà soát đúng đối tượng khó khăn để kịp thời hỗ trợ, được các đơn vị trong trường triển khai nghiêm túc, bài bản, hiệu quả.

Theo ThS Lương Tuấn Long, thời gian qua, gần 500 sinh viên khó khăn được hỗ trợ với các mức: 50% học phí; 1 triệu đồng tiền mặt và nhu yếu phẩm. Tổng số tiền hỗ trợ sinh viên từ khi có dịch

Covid-19 khoảng 1,5 tỉ đồng. Sắp tới, Trường ĐH Mở Hà Nội tiếp tục rà soát các trường hợp sinh viên có hoàn cảnh khó khăn và sẽ có gói hỗ trợ, kịp thời động viên về vật chất và tinh thần, giúp sinh viên và gia đình ổn định cuộc sống, vượt qua đại dịch.

Ngoài ra, nhà trường đã phối hợp Đảng ủy Khối đại học, cao đẳng và TP Hà Nội dành 100 chỗ ở tại ký túc xá Mỹ Đình cho sinh viên; trước mắt là miễn phí cho các em để ổn định cuộc sống; từ đó chuyên tâm học tập và sớm vượt qua đại dịch.

Ký túc xá Học viện Nông nghiệp Việt Nam sẵn sàng tiếp nhận sinh viên. Ảnh: NTCC
Ký túc xá Học viện Nông nghiệp Việt Nam sẵn sàng tiếp nhận sinh viên. Ảnh: NTCC

Dành ký túc xá giá rẻ cho sinh viên

TS Nguyễn Tất Thắng - Trưởng ban Công tác chính trị và Công tác sinh viên (Học viện Nông nghiệp Việt Nam), cho hay: Năm 2021, học viện dành 1.500 chỗ ở nội trú cho sinh viên K66. Các phòng ở đều khép kín, bảo đảm an ninh trật tự với chi phí từ 110.000 - 150.000 đồng/sinh viên/tháng. Trước mắt, học viện ưu tiên chỗ ở nội trú cho sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, sinh viên thuộc diện ưu tiên tuyển sinh và sinh viên nhập học sớm. Với khẩu hiệu “Ký túc xá là nhà, sinh viên là chủ”, ký túc xá Học viện Nông nghiệp Việt Nam không chỉ là nơi ở, mà còn là nơi học tập, rèn luyện của sinh viên.

Thời gian qua, Học viện Nông nghiệp Việt Nam đã dành hai tòa ký túc xá C4 và C5 để thành phố Hà Nội làm khu cách ly tập trung. Đây là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị trong công tác phòng, chống dịch bệnh. Khu cách ly được thiết lập, vận hành một cách chặt chẽ, bảo đảm đầy đủ các yêu cầu về dịch tễ, không làm ảnh hưởng đến sinh hoạt, học tập của sinh viên khu nội trú.

TS Mai Đức Toàn - Trưởng phòng Tuyển sinh Truyền thông, Trường ĐH Gia Định (TP Hồ Chí Minh) cho hay: Từ ngày 6 - 13/8, nhà trường tổ chức nhập học đợt 1 cho sinh viên trúng tuyển bằng phương thức tuyển sinh riêng. Nhà trường tổ chức cho sinh viên khai báo hồ sơ, thủ tục nhập học bằng hình thức trực tuyến để xác nhận nhập học, giúp sinh viên ở xa xác nhận nhập học không bị muộn, lỡ.

“Chúng tôi đã khảo sát và thu thập được 800 địa chỉ nhà trọ, ký túc xá giá rẻ, an toàn gần trường và khu vực lân cận để giới thiệu cho tân sinh viên, hỗ trợ cấp thẻ sinh viên tạm thời để sử dụng các dịch vụ xe buýt; đồng thời hướng dẫn sinh viên sử dụng app điện thoại trong cuộc sống như: Xe buýt, ngân hàng, giao thức ăn….” - TS Mai Đức Toàn chia sẻ, đồng thời cho biết: Năm học 2021 - 2022, Trường ĐH Gia Định dành nhiều chương trình học bổng cho tân sinh viên, trong đó có học bổng tài năng, học bổng thủ khoa với tổng giá trị 8 tỉ đồng.

Ngoài ra, sinh viên cũng được hỗ trợ photo giấy tờ miễn phí, giới thiệu các loại học bổng; việc làm thêm cho những sinh viên có nhu cầu, giới thiệu chính sách hỗ trợ của nhà trường dành cho sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, sinh viên có nhu cầu đặc biệt. Sinh viên còn được giới thiệu về các hoạt động ngoại khóa, kiến tập doanh nghiệp của trường và hướng dẫn đăng ký tham gia vào các CLB sinh viên.

“Nhà trường cũng tạo ra cộng đồng sinh viên là nơi để sinh viên cũ và mới hoặc các bạn đang tìm hiểu thông tin về trường có điều kiện giao lưu, trao đổi, tìm hiểu ngành học, cách thức đào tạo, cơ hội việc làm và những nét đặc trưng của trường trong việc triển khai học 3 năm (8 kỳ học) để tốt nghiệp” - TS Mai Đức Toàn trao đổi.

TS Nguyễn Văn Khả - Phó Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và Truyền thông, Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TP Hồ Chí Minh, cho biết: Năm học mới nhà trường dành hơn 40 tỉ để hỗ trợ cho sinh viên. Ngoài ra, nhà trường còn hỗ trợ sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, đang ở trọ tại TP Hồ Chí Minh, có khoảng cách xa trường và đi lại khó khăn – mỗi em 300 nghìn đồng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tiết mục rap hề chèo mới lạ và thú vị tại sự kiện 'Phi hề bất thành chèo'. Ảnh: Bình Thanh

Khi hề chèo mời gọi...

GD&TĐ - Dù trời tối và mưa, nhưng rạp Kim Mã (Hà Nội) vẫn gần như kín chỗ khi mở cửa đón khách tới sự kiện 'Phi hề bất thành chèo'.