Kết thúc cuộc thi Khám phá khoa học số ASEAN 2019, 3 giải cao nhất đã thuộc về 3 đội sinh viên đến từ Việt Nam, Singapore và Thái Lan dựa trên khả năng phân tích và các ý tưởng sáng tạo nhằm giải quyết các vấn đề xã hội trong khu vực ASEAN.
Đích thân bà Kasama Kongsmak, Phó Chủ tịch cao cấp Depa chủ trì lễ trao giải cho những đội thắng cuộc, bao gồm: Đội AWM đến từ Việt Nam với 2 thành viên là Vũ Hoàng Trung và Vũ Mạnh Hà (ĐH RMIT Việt Nam) đã giành giải Nhất với dự án nâng cao năng lực cho những nhóm dân tộc thiểu số, và coi đó như một động lực phát triển kinh tế tiềm năng tại các quốc gia ASEAN.
Bài trình bày chỉ ra rằng, giáo dục và đẩy mạnh giáo dục bằng công nghệ sẽ là phương thức hỗ trợ hợp lý để cải thiện kinh tế cho các nhóm thiểu số.
Đội AWM Việt Nam trình bày dự án tại vòng chung kết khu vực ASEAN DSE 2019. |
“Với hy vọng hỗ trợ các nhóm thiểu số phát huy hết tiềm năng của mình, chúng tôi đưa ra phân tích theo góc nhìn hoàn toàn mới nhằm kêu gọi các quốc gia hãy hỗ trợ những nhóm này phát triển”, bạn Vũ Hoàng Trung cho biết.
Giải nhì thuộc về đội Re:volution đến từ Singapore với hai thành viên là Shi Xuan Teng và Egwin Fan đến từ trường Đại học Công nghệ Nanyang (NTU). Dự án của đội đại diện Singapore tập trung giải quyết vấn đề quản lý chất thải ở ASEAN.
Trong khi đó, đại diện Thái Lan - đội NT đến từ Đại học Thammasat với 2 thành viên là Noppawan Rakthinkumnerd và Ngô Lê Bảo Trân - một du học sinh người Việt – đã giành giải ba cho dự án về bất bình đẳng giới trong lực lượng lao động ASEAN.
Đội NT (Thái Lan) giành giải 3 chung cuộc ASEANDSE 2019. Đứng bên trái là bạn Ngô Lê Bảo Trân, du học sinh người Việt. |
Vòng chung kết khu vực ASEAN DSE 2019 đánh dấu hành trình kéo dài một năm bao gồm một chuỗi hoạt động bổ trợ. Theo đó, gần 500 nhà giáo dục và 3.000 sinh viên đã được đào tạo về nền tảng SAP Analytics Cloud.
Cuộc thi ASEANDSE 2019 đã thu hút 1.341 thí sinh tham gia các vòng chung kết quốc gia được tổ chức tại 10 quốc gia thành viên ASEAN, tăng 70% so với cùng kỳ năm ngoái.
Các nhà vô địch quốc gia đã giành quyền tham dự vòng thi chung kết khu vực được tổ chức tại Bangkok, Thái Lan.
Ba đội chiến thắng đã được Ban giám khảo lựa chọn dựa trên khả năng phát triển, phân tích dữ liệu và trình bày các giải pháp thuộc sáu mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc, bao gồm (1) chăm sóc y tế và phúc lợi tốt, (2) giáo dục chất lượng, (3) bình đẳng giới, (4) đảm bảo việc làm và tăng trưởng kinh tế, (5) công nghiệp, sáng tạo & cơ sở hạ tầng và (6) các cộng đồng và đô thị phát triển bền vững.
Phát biểu ngay sau khi đăng quang, bạn Vũ Hoàng Trung, thành viên Đội AWM chia sẻ: “Chúng tôi rất vui mừng khi các ý tưởng và giải pháp của chúng tôi được ghi nhận bởi ASEAN, LHQ và các cơ quan chính phủ khác, giúp biến tầm nhìn của chúng tôi thành hiện thực.
Thông qua cuộc thi, chúng tôi cũng đã có cơ hội tiếp xúc với những nền văn hóa đa dạng và kết bạn với các sinh viên từ những quốc gia khác trong ASEAN. Chúng tôi có thể học hỏi lẫn nhau và chia sẻ kiến thức cũng như những quan điểm khác nhau.
Trong số 6 bạn trẻ ASEAN được giải, có tới 3 bạn là người Việt Nam. |
Tôi tin rằng sự đa dạng là rất quan trọng đối với những người muốn trở thành công dân toàn cầu như tôi cũng như rất nhiều sinh viên khác”.
Bà Elaine Tan, Giám đốc điều hành Quỹ ASEAN cho biết: “Quỹ ASEAN rất tự hào và vinh dự được hợp tác với SAP trong suốt 3 năm vừa qua. SAP đóng vai trò vô cùng quan trọng trong sáng kiến chung này, để cùng thực hiện định hướng phát triển thanh niên ASEAN hậu-2020 - đó là tập trung hỗ trợ giới trẻ ASEAN chuẩn bị sẵn sàng cho tương lai thông qua việc phát triển kỹ năng số.
Sáng kiến đã góp phần nâng cao năng lực cho giới trẻ ASEAN, giúp họ nắm bắt những cơ hội rộng lớn phía trước, đồng thời trang bị cho giới trẻ ASEAN các kỹ năng số cần thiết để giải quyết các thách thức của CMCN 4.0”.
Ông Eugene Ho, Giám đốc quan hệ công chúng SAP Đông Nam Á cho biết: “Chúng tôi nhận thấy rằng khoảng cách kỹ năng số đang trở thành một thách thức trong rất nhiều ngành và lĩnh vực trong ASEAN.
Sự hợp tác với Quỹ ASEAN đã giúp chúng tôi tập trung phát triển nguồn nhân lực để đảm bảo tất cả các công dân trẻ ASEAN sẽ có được các kỹ năng cần thiết để thành công trong nền kinh tế số. Thông qua chương trình Khám phá Khoa học Số ASEAN, chúng tôi hy vọng sẽ lấp đầy khoảng trống kỹ năng số trong khu vực”.