Sinh viên Trường ĐH FPT TP.HCM chế tạo sản phẩm hỗ trợ người khiếm thị

GD&TĐ - Thấu hiểu những khó khăn của người khiếm thị, nhóm sinh viên trường Đại học FPT TP.HCM đã chế tạo thiết bị nhận dạng hình ảnh thông qua giọng nói.

Nhóm sinh viên lắng nghe nhận xét đánh giá của Hội đồng chấm đồ án.
Nhóm sinh viên lắng nghe nhận xét đánh giá của Hội đồng chấm đồ án.

Đây là một trong những sản phẩm được Hội đồng đánh giá cao tại buổi bảo vệ đồ án tốt nghiệp diễn ra mới đây.

Với ý tưởng giúp đỡ những người khiếm thị có thể sinh hoạt dễ dàng, Phan Trung Thành, Nguyễn Vũ Hoàng Sơn, Võ Hà Quân và Nguyễn Cao Duy bắt đầu tìm hiểu và lập trình ứng dụng Automatic Alternative Image Recognition to Voice (Nhận dạng hình ảnh hỗ trợ người mù giao tiếp). Vừa là đồ án tốt nghiệp nhưng đây cũng là một ứng dụng ấp ủ mong muốn hỗ trợ cộng đồng của những bạn trẻ.

Chia sẻ về đồ án, sinh viên Phan Trung Thành nói: “Điểm thú vị ở đồ án này là tính ứng dụng khá cao và để làm được đồ án này phải tìm hiểu công nghệ trí tuệ nhân tạo(AI)”. Với Thành và các bạn trong nhóm, điều này là thách thức cũng là cơ hội.

Công nghệ ngày càng phát triển, bộ vi xử lý của máy tính ngày càng xử lý được nhiều dữ liệu. Do đó, công nghệ nhận diện hình ảnh ngày nay có độ chính xác khá cao. Sử dụng công nghệ nhận dạng hình ảnh để giúp người khiếm thị đã được một số quốc gia trên thế giới thử nghiệm. Các tính năng như nhận diện con người, vật thể vẫn chưa thể đáp ứng đủ nhu cầu của người khiếm thị.

Trên nền tảng công nghệ thông tin tích lũy trong các năm học, trải nghiệm thực tập doanh nghiệp và sự hướng dẫn của giảng viên Kiều Trọng Khánh, nhóm sinh viên đã tìm hiểu thêm về việc thiết kế UX/UI để triển khai đồ án Automatic Alternative Image Recognition to Voice (Nhận dạng hình ảnh hỗ trợ người mù giao tiếp).

Ứng dụng giúp người khiếm thị tương tác với ứng dụng thông qua giọng nói; hỗ trợ nhận diện con người, đồ vật với độ chính xác cao. Theo đó, ứng dụng sẽ được cài lên các điện thoại chạy hệ điều hành Android, hình ảnh sẽ được ghi nhận vào camera của điện thoại và ứng dụng phân tích hình dạng, màu sắc để đọc kết quả.

Trong tương lai, nhóm sinh viên có ý định sẽ phát triển nhận diện khuôn mặt người thân. Bộ nhớ sẽ ghi nhận hình ảnh của 5 người quen thuộc nhất; đồng thời, hướng đến tính phổ biến và tiện lợi, ứng dụng sẽ được nghiên cứu để đưa vào hoạt động offline. Những nơi không có internet, người khiếm thị vẫn có thể sử dụng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ