Theo đuổi sản phẩm từ thời phổ thông
Trần Đăng Khoa, trưởng nhóm đã có thời gian hơn 2 năm trời nghiên cứu và nhiều lần cải tiến sản phẩm này. Chiếc mũ bảo hiểm thông minh phiên bản đầu tiên được Khoa giới thiệu khi mới là học sinh (HS) lớp 12, Trường THPT Phú Bài, Thừa Thiên - Huế.
Khoa chia sẻ, nhiều lần xem tivi và những lần đi học chứng kiến những vụ tai nạn thương tâm làm Khoa không khỏi day dứt. Khoa nhận thấy, đa số các vụ tai nạn giao thông đến từ xe máy, vì Việt Nam là một quốc gia sử dụng rất nhiều xe máy và chiếm tỉ lệ tối đa trong tổng số vụ tai nạn giao thông. Đặc biệt, các vụ tai nạn giao thông liên quan đến việc uống rượu bia chiếm tỉ lệ lớn, đến 40%. Tuy nhiên, trong thực tế, hầu hết những hệ thống bảo vệ và phòng tránh tai nạn giao thông thông minh chỉ được tích hợp trên ô tô và ít được tích hợp trên xe máy.
“Em đã chọn mũ bảo hiểm, vật dụng gắn liền với những người đi xe máy và có chức năng bảo vệ họ để tạo ra một hệ thống mới và xây dựng trên hệ thống đó những chức năng thông minh để có thể giảm thiểu các nguyên nhân gây tai nạn giao thông”- Khoa nói.
Trần Đăng Khoa đã phát triển sản phẩm mũ bảo hiểm thông minh từ khi còn là HS lớp 12 |
Khoa đã bắt tay vào thực hiện sản phẩm bằng cách lên Youtube và các trang mạng để tìm một số thiết bị làm giảm tai nạn giao thông do bia rượu, cùng với việc quan sát máy đo nồng độ cồn của cảnh sát giao thông. Đối với những kiến thức mà bản thân không am tường, Khoa đã nhờ thầy giáo Mai Khắc Dũng (giáo viên dạy môn Vật lí tại Trường THPT Phú Bài) giúp đỡ, hướng dẫn trong việc tạo ra bảng mạch kết nối từ bộ cảm biến nồng độ cồn, công tắc, mic, camera với bộ nguồn.
Từ những giúp đỡ của thầy, Khoa ngày đêm mày mò, tìm hiểu các bộ mạch tương tự trên mạng và ghép nối. Dù rất nhiều lần thiết bị chập điện, cháy nổ nhưng Khoa không nản chí. Khoa tiếp tục nhờ thêm sự giúp đỡ của anh trai hiện đang học Điện tử viễn thông (ĐH Khoa học Huế) chỉ thêm một số cách liên kết các con chíp điện tử với nhau.
Ông Trần Sỹ Nam, cha của Khoa, cho biết, thời điểm làm sản phẩm cũng là lúc Khoa phải chuẩn bị cho kì thi đại học. Vì thế gia đình cũng nhiều lần khuyên Khoa tạm gác để lo chuyện học hành. Nhưng thấy Khoa đam mê quá, lại tự liên hệ để làm ra chiếc mũ bảo hiểm đó, nên gia đình cũng nhắc nhở Khoa nên phân bố thời gian giữa học và nghiên cứu, ủng hộ cho Khoa về mặt kinh tế để Khoa thực hiện ước mơ của mình.
Sau hơn 2 tháng miệt mài thiết kế, Khoa cho ra đời chiếc mũ bảo hiểm thông minh, giúp phòng tránh tai nạn giao thông. Theo đó, mũ bảo hiểm sẽ có cảm biến để phát hiện người lái xe có đội mũ bảo hiểm vào hay không.
Mũ sẽ báo hiệu bắt buộc người lái xe phải đội mũ bảo hiểm vào thì thiết bị mới hoạt động. Khi người lái xe đội vào thì thiết bị sẽ kiểm tra nồng độ cồn, nếu phát hiện có cồn thì sẽ nhắc nhở người lái xe, định vị vị trí và liên hệ với người nhà cũng như hỗ trợ gọi cho ứng dụng taxi công nghệ một cách đơn giản nhất.
Biến sản phẩm thành mô hình kinh doanh
Khi là SV năm 2 Trường ĐH Công nghiệp TPHCM, Khoa đã nẩy ý biến mũ bảo hiểm thông minh thành một dạng mô hình kinh doanh với mong muốn sản phẩm có thể đến với nhiều người hơn. Khoa đã thảo luận với người bạn của mình là Nguyễn Thành Đạt để xây dựng một mô hình kinh doanh hoàn chỉnh.
Đạt chia sẻ, mũ bảo hiểm thông minh sẽ phân phối theo hai kênh chính là bán cho cá nhân và các nhà hàng có sử dụng rượu, bia. Với kênh bán hàng cá nhân, nhóm sẽ bán mũ bảo hiểm với chức năng báo nồng độ cồn, chống mất cắp, báo sự cố về người thân, nhắc bật đèn chiếu sáng... Với kênh bán hàng dành cho các nhà hàng, nhóm sẽ bán một gói dịch vụ gồm các chức năng đo nồng độ cồn, nếu nồng độ cồn vượt quá quy định, khách hàng chỉ cần nhấn nút trên hệ thống có kết nối với ứng dụng taxi công nghệ sẽ đến và đón về an toàn. “Hiện nay dự án đang tiến hành hoàn thành các phần còn lại để có thể tung ra thị trường trong thời gian ngắn nhất” - Nguyễn Thành Đạt, thành viên nhóm nói.
Bên trong mũ bảo hiểm thông minh gắn nhiều thiết bị điện tử để hỗ trợ người đi đường |
Đạt chia sẻ thêm, mũ bảo hiểm thông minh cam kết độ tin cậy, an toàn, độ bền của sản phẩm. Hiện nay dự án cũng đang thực hiện phần chịu lực và chống nước để người dùng có thể sử dụng một cách thoải mái nhất.
Để có những đánh giá thị trường, nhóm đã tiến hành khảo sát và nhận thấy dự án nhận được những con số rất khách quan, đại đa số người dân khi được hỏi đều chọn phương án mua sản phẩm. TS Ngô Thanh Quyền, Trưởng bộ môn Tự động hóa, Khoa điện, Trường ĐH Công nghiệp TPHCM nhìn nhận, đây là một dự án có tính thực tế và hoàn toàn có thể thương mại hóa sản phẩm. Tuy nhiên, TS Quyền cũng nhắn nhủ nhóm dự án cần chú ý đến vấn đề giá cả cũng như trải nghiệm người dùng để sản phẩm được tối ưu nhất. Vì hiện nay, chiếc mũ bảo hiểm gần như là vật dụng không thể tách rời khi tham gia giao thông bằng xe máy.
Với chiếc mũ bảo hiểm thông minh mang lại lợi ích cho cộng đồng, Trần Đăng Khoa đã nhận được Bằng khen của Trung ương Đoàn TNCSHCM và giấy khen của Quỹ Hỗ trợ sáng tạo khoa học Việt Nam cùng nhiều giấy khen khác. Mới đây nhất, sản phẩm của Khoa và Đạt đã xuất sắc giành giải Cộng đồng và giải ba Cuộc thi Ý tưởng khởi nghiệp CiC do ĐH Quốc gia TPHCM tổ chức.