Sinh viên không lo thất nghiệp với sáng kiến từ các Đại học ở New Zealand

GD&TĐ - Ngoài chương trình học cập nhật, chú trọng cả lý thuyết lẫn ứng dụng thực tế, các trường Đại học (ĐH) ở New Zealand còn có nhiều dự án thiết thực để giúp sinh viên phát huy tối đa tiềm năng của bản thân, tăng khả năng thành công sau khi tốt nghiệp.

Shaun Tan (đứng giữa) là một trong những nhà “phát minh” tài năng của chương trình Velocity.
Shaun Tan (đứng giữa) là một trong những nhà “phát minh” tài năng của chương trình Velocity.

Alumni As Mentors, ĐH Victoria Wellington

Alumni As Mentors là chương trình do ĐH Victoria Wellington (VUW) thiết kế nhằm kết nối một sinh viên đang theo học tại ĐH VUW (gọi là mentee) và một cựu sinh viên ĐH VUW hiện đang làm việc và đạt được những thành công nhất định trong sự nghiệp (gọi là mentor).

Alumni As Mentors là cầu nối để các mentee có thể làm quen với những người đi trước và học hỏi kinh nghiệm từ họ, cũng như để mentor có thể chia sẻ những trải nghiệm thực tế mà họ đã tích lũy được, cả trong học tập lẫn trong công việc sau khi tốt nghiệp. Alumni As Mentors đã được ĐH VUW mở rộng dành cho cả sinh viên quốc tế, những bạn trẻ có “nguy cơ” sốc tâm lý sau khi tốt nghiệp và quay về nước.

Một trong những tiêu chí quan trọng để “mai mối” mentor và mentee là cả hai phải cùng chuyên ngành, cùng quốc gia, và một số tiêu chí về tính cách cũng như định hướng nghề nghiệp khác.

Tham gia chương trình này, các mentor và mentee có thời gian sáu tháng để làm quen, trao đổi, trò chuyện với nhau thông qua email, skype, facebook, vv. Yêu cầu bắt buộc là trong thời gian 6 tháng, mentor và mentee phải dành thời gian cho nhau tối thiểu từ 8 đến 10 tiếng. Tất cả những hoạt động còn lại chủ yếu do mentee và mentor chủ động sắp xếp.

Minh Trang - cựu sinh viên ngành Thương mại của ĐH VUW là một mentee trong chương trình này. Trang cho biết đặc điểm chung của nhiều du học sinh sau khi về nước là bị áp lực bởi kỳ vọng của gia đình và người thân, nhất là về công việc và mức lương khởi điểm.

Một áp lực khác cũng không kém phần quan trọng là khi mới tốt nghiệp trở về nước, nhiều du học sinh còn phải cần thời gian để “hòa nhập ngược” với văn hóa và cuộc sống ở quê hương. Nói về mentor của mình, Trang cho biết nhiều lời khuyên của mentor dành cho bạn giống như chiếc la bàn vậy, bởi bạn có mục tiêu, có đích đến nhưng chưa biết đi làm sao và Mentor là người đã giúp bạn vạch ra hướng và cách đi hiệu quả nhất.

Hầu hết mentor tham gia chương trình đều là những người đã đạt được thành công nhất định trong sự nghiệp và họ cũng trở thành cầu nối giúp các mentee mở rộng mối quan hệ, tăng khả năng tìm kiếm công việc phù hợp.

Velocity - ĐH Auckland

Năm 2014, một nghiên cứu toàn cầu của MIT đã xếp ĐH Auckland vào top 5 cái nôi của những nhà lãnh đạo tài năng của thế giới trong lĩnh vực kinh doanh, đưa New Zealand trở thành quốc gia dẫn đầu về sự đổi mới, sáng tạo.

Yếu tố quan trọng nhất góp phần mang đến thành quả này chính là Velocity, một sáng kiến của ĐH Auckland từ năm 2003 nhằm khuyến khích sinh viên đưa ra những ý tưởng kinh doanh độc đáo, đồng thời Velocity cũng chọn lọc những dự án nổi trội để cấp vốn, giúp sinh viên hiện thực hóa các ý tưởng.

Velocity thường xuyên tổ chức các hội thảo chuyên đề với sự tham gia của những doanh nhân nổi tiếng tại New Zealand, giúp sinh viên nắm được các kỹ năng cơ bản về cách hình thành ý tưởng kinh doanh, cách thiết kế mô hình hoạt động của một doanh nghiệp và cách thức vận hành doanh nghiệp.

Ngoài ra, còn có nhiều cuộc thi nhằm truyền cho sinh viên nguồn cảm hứng trong việc học tập và sáng tạo. Có thể kể đến cuộc thi lập kế hoạch kinh doanh với quy mô cả nước.

Sinh viên tham gia cuộc thi này sẽ có cơ hội học tập 7 tuần với các doanh nhân thành đạt trong nước và quốc tế, ngoài ra mỗi đội còn có một cố vấn chuyên môn hỗ trợ, giúp đỡ và đồng hành trong suốt quá trình diễn ra cuộc thi. Đặc biệt, đội thắng cuộc sẽ nhận được giải thưởng 100.000 đô la để hiện thực hóa ý tưởng kinh doanh của mình.

Shaun Tan, cựu nghiên cứu sinh tại ĐH Auckland, người từng chiến thắng giải thưởng 100.000 đô la với dự án chế tạo sợi thủy tinh sinh học thân thiện với môi trường, ứng dụng trong sản xuất thiết bị thể thao, nội thất xe hơi vv, đã chia sẻ: “Velocity đã cho tôi những hỗ trợ tuyệt vời để tôi có thật nhiều động lực và kỹ năng biến ý tưởng của tôi thành sự thật. Có thể nói, thời gian trải nghiệm ở Velocity đã giúp tôi thay đổi bản thân một cách bất ngờ.”

Không chỉ có Shaun Tan, hàng trăm nhà khởi nghiệp xuất sắc đã đồng hành với Velocity tạo ra hơn 120 dự án hữu ích và thu hút vốn đầu tư gần 200 triệu USD. Không dừng lại ở đó, các sản phẩm cũng như dịch vụ của họ còn được phổ biến rộng rãi ở hơn 35 quốc gia.

Ngoài Alumni As Mentors và Velocity, các trường ĐH và Học viện ở New Zealand còn có rất nhiều dự án thiết thực nhằm trang bị cho sinh viên những kỹ năng cần thiết nhằm tăng cơ hội tiếp cận các công việc phù hợp.

Đây cũng chính là một trong những lý do giúp 77% sinh viên tốt nghiệp tại New Zealand tìm được việc làm đúng chuyên ngành ngay khi ra trường (số liệu năm 2013), giúp New Zealand vươn lên vị trí một trong những cường quốc thế giới về giáo dục, thu hút sinh viên từ khắp nơi trên thế giới.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Văn khấn rằm tháng 11 âm lịch năm 2024

Văn khấn rằm tháng 11 âm lịch năm 2024

GD&TĐ - Theo truyền thống, vào ngày 15/11 âm lịch, các gia đình thường chuẩn bị lễ cúng gia tiên cùng bài văn khấn để nguyện cầu sức khỏe, bình an.