Đơn giản, hiệu quả cao
“Thiết bị thu gom rác nổi tự động” do nhóm sinh viên của 5 sinh viên gồm: Phạm Thị Phương, Đỗ Đăng Hiếu, Trịnh Văn Huy, Nguyễn Hồ Quốc Bảo và Phan Văn Đà, Trường Đại học Sư phạm (Đại học Đà Nẵng) chế tạo dưới sự hướng dẫn của giảng viên Thạc sĩ Trần Ngọc Sơn.
Chia sẻ về đề tài của mình, sinh viên Phạm Thị Phương, lớp cao học K40 Quản lý Tài nguyên - Môi trường, đồng thời là nhóm trưởng cho hay, ô nhiễm rác thải nhựa là đề tài khá nóng, không chỉ ở Việt Nam mà còn trên toàn thế giới. Sau mỗi trận mưa hoặc lũ lớn, lượng rác thải bị nước cuốn đi mọi nơi, đặc biệt là rác thải nhựa.
Để thu gom lượng lớn rác thải này, trên khắp các ao hồ, sông, suối, bờ biển hay các âu thuyền và cảng cá là điều hết sức khó khăn, bởi vì nguồn nhân lực bị thiếu và trang thiết bị chủ yếu là thủ công. Chính vì thế, việc sáng chế ra thiết bị này có thể cơ bản giải quyết được những vấn đề đặt ra. Nhất là giảm thiểu tối đa lượng rác trôi nổi trên mặt nước, từng bước giảm ô nhiễm môi trường, đặc biệt là với môi trường nước.
Về cấu tạo của thiết bị, sinh viên Phan Văn Đà - lớp 18 Quản lý Tài nguyên và Môi trường cho hay, hệ thống gồm hố thu, mô-tơ đặt bên dưới để tạo lực hút nước mặt vào hố thu kéo theo rác thải vào. Bên trong thiết bị có một giỏ rác, sau khi hút nước và rác vào phần rác sẽ đọng lại ở giỏ và nước sẽ trở lại môi trường.
Đề tài của nhóm sinh viên đạt giải Nhất cuộc thi tìm kiếm “Ý tưởng sáng tạo vì một đại dương không nhựa” do Tổ chức Văn hóa, Khoa học và Giáo dục Liên Hợp Quốc (UNESCO) tổ chức. Ảnh: NVCC |
Để thực nghiệm, nhóm sinh viên đã đem thiết bị đi đến âu thuyền và cảng cá Thọ Quang thử nghiệm. Kết quả bước đầu cho thấy máy hoạt động tốt và hiệu quả trong việc thu gom rác nơi đây.
Thạc sĩ Trần Ngọc Sơn - giảng viên hướng dẫn đề tài cho biết, hiện nay, việc thu gom rác thải trôi nổi trên bề mặt nước rất khó khăn. Có thể sử dụng máy thu gom nhập khẩu thì chi phí mua sắm cao và đòi nhiều về kỹ thuật để vận hành thiết bị.
“Nhóm cũng đã trao đổi với các dự án thu gom rác ở một số nước khác, nhưng việc chuyển giao đòi hỏi một kinh phí rất cao. Vì thế, thiết bị thu gom rác nổi tự động của nhóm sinh viên của trường với thiết kế nhỏ gọn, dễ vận hành và hiệu quả cao. Đặc biệt chi phí thấp sẽ là lựa chọn đáng tin cậy để bảo vệ môi trường”, Thạc sĩ Sơn nói.
Thiết bị thu gom rác nổi tự động. Ảnh: NVCC |
Sản phẩm để khởi nghiệp
Để có được thiết bị thu gom rác trên mặt nước ra đời, nhóm sinh viên phải mất khá nhiều thời gian. Trong đó, phải sắp xếp hợp lý giờ học trên trường và học nhóm.
Cùng với đó, việc thử nghiệm thiết bị đôi lúc cũng gặp rất nhiều khó khăn, có đôi lúc thiết bị lắp ráp xong phải tháo ra làm lại như từ đầu vì thiếu một chi tiết nhỏ. Thế nhưng, khó khăn không làm các sinh viên trẻ chùn bước, cộng với đó, sự hỗ trợ của giảng viên trong trường và giảng viên khoa Vật lý, đề tài đã dần dần hoàn thiện những khâu cuối cùng.
Tại cuộc thi tìm kiếm “Ý tưởng sáng tạo vì một đại dương không nhựa” do Tổ chức Văn hóa, Khoa học và Giáo dục Liên Hợp Quốc (UNESCO) tổ chức vào tháng 4/2023 vừa qua, đề tài “Thiết bị thu gom rác nổi tự động” đã xuất sắc vượt qua hàng chục đề tài khác để giành giải Nhất tại cuộc thi. Điều đặc biệt là cùng với giá trị giải thưởng là 80 triệu đồng, thiết bị dự kiến sẽ được chạy thử nghiệm tại đảo Cát Bà (TP Hải Phòng). Đây là “quả ngọt” của sự cố gắng mà tất cả các sinh viên trong nhóm và giảng viên đã tâm huyết dành cho đề tài.
Sinh viên Phạm Thị Phương cho biết, “kim chỉ nam” của nhóm chính là chung tay bảo vệ môi trường sống. Không những vậy, sản phẩm của nhóm là một ý tưởng để khởi nghiệp trong tương lai. Để khởi nghiệp, nhóm sẽ cải tiến sản phẩm nhiều hơn để có cơ hội về đầu tư về kinh phí và một số điều kiện khách quan, để từ đó tạo đà cho việc đưa sản phẩm ra thị trường.
“Nhóm chúng em sẽ tập trung vào việc cải tiến sản phẩm, trong đó cải tiến một số vật liệu inox đang sử dụng thay thế vào đó là sản phẩm bằng nhựa để giảm giá thành mà vẫn chịu được độ ăn mòn của muối biển. Cùng với đó, có thể kết hợp thêm một số tính năng khác vào thiết bị”, trưởng nhóm Phạm Thị Phương cho hay.
“Máy có thể đặt ở các điểm như sông, hồ, các cảng cá và bãi biển, có công suất 15m3 nước/giờ. Ngoài ra, sản phẩm này được thiết kế gọn, dễ vận hành cùng với đó hiệu quả cao và chi phí sản xuất thấp”, sinh viên Phan Văn Đà thông tin.