Nhóm sinh viên Bách khoa chế tạo găng tay phục hồi chức năng

GD&TĐ - Găng gồm năm ngón tay mềm cố định giúp bệnh nhân tập các bài co, duỗi nhờ bơm hút khí.

Nhóm sinh viên chế tạo sản phẩm găng tay phục hồi chức năng cho bệnh nhân đột quỵ.
Nhóm sinh viên chế tạo sản phẩm găng tay phục hồi chức năng cho bệnh nhân đột quỵ.

Tận dụng thời gian vàng

Sản phẩm găng tay phục hồi chức năng của nhóm Rehab Tech, Đại học Bách khoa Đà Nẵng. Lê Nhất Chính, trưởng nhóm cho biết, găng tay phục hồi chức năng được nhóm bắt đầu thực hiện từ tháng 5/2021.

Trước khi thực hiện nghiên cứu, nhóm tiến hành khảo sát nắm bắt nhu cầu của người bệnh. Sau 2 tháng khảo sát, ghi chép tỉ mỉ, nhóm thu thập được thông tin từ các bệnh nhân mắc Covid-19, tai nạn, tai biến.

Có lập trình viên rất trẻ, sau khi bị đột quỵ phải bỏ công việc mình yêu thích. Có trường hợp bác sĩ sớm giã từ việc phẫu thuật khi không còn khả năng cầm dao mổ… Những trường hợp này đều rất đáng tiếc, nếu phục hồi được cử động tay sau đột quỵ sẽ có ý nghĩa rất lớn.

Nghiên cứu sâu, những con số ám ảnh tại Việt Nam như thúc giục các bạn trẻ dốc sức tìm giải pháp. Có trên 200.000 ca đột quỵ mới/năm thì 86% người bị liệt bàn tay. Ở TP Đà Nẵng, bệnh viện thường xuyên quá tải, mỗi bệnh nhân chỉ có 40 phút/lần tập luyện tất cả các bài tập từ đầu, vai, tay, chân.

Bệnh nhân chịu sự đau đớn kéo dài do co cơ không kiểm soát. Trong khi đó, 6 tháng đầu sau đột quỵ là thời gian vàng luyện tập phục hồi, sau thời gian này nếu bỏ lỡ gần 100% bệnh nhân liệt vĩnh viễn.

Nhóm RehabTech gồm 7 sinh viên ngành cơ điện tử, chế tạo máy, điều khiển, tự động hóa… cùng bắt tay làm găng tay hỗ trợ phục hồi chức năng. Găng tay sử dụng bộ truyền động đàn hồi mềm dựa trên kỹ thuật PneuNet tích hợp vào găng tay vải.

Thiết bị nhỏ gọn nhưng đầy sức mạnh gồm năm ngón tay mềm cố định đeo tay giúp bệnh nhân tập các bài tập co, duỗi nhờ tính chất co lại khi bơm khí vào và duỗi thẳng khi hút khí ra.

Thiết bị gồm năm ngón tay mềm được làm từ vật liệu silicon và hoạt động dựa trên lực khí nén. Khi bơm, khí hoạt động làm áp suất trong các ngón tay tăng lên, ngón tay mềm co lại, từ đó tạo nên chuyển động nắm cho người bệnh.

Găng tay còn được thiết kế hở lòng bàn tay để khi tập, các đầu ngón tay có thể chạm vào phần da của lòng bàn tay nhằm kích thích xúc giác, giúp bệnh nhân sớm lấy lại cảm giác.

Ngoài ra, sản phẩm có thiết bị điều khiển, người dùng có thể tự thao tác chọn các chế độ tập và cường độ tùy vào nhu cầu sử dụng. Hiện có 3 bài tập được tích hợp sẵn trong sản phẩm.

Ngón tay mềm RehabTech chế tạo bằng phương pháp đúc với vật liệu silicon. Khuôn chế tạo bằng phương pháp in 3D FDM bằng nhựa PLA, tiết kiệm đáng kể chi phí và thời gian. Đặc biệt, người dùng có thể tự thao tác chọn chế độ tập và cường độ tập tùy nhu cầu nhờ thiết bị điều khiển thông minh. Toàn bộ linh kiện điện tử lắp đặt tách biệt nhằm đảm bảo an toàn cho người sử dụng.

Trái ngọt sau nhiều lần thất bại

“Lúc mang phiên bản thứ nhất, thứ hai tới… chị kỹ thuật viên ở Bệnh viện Đa khoa Đà Nẵng rất chê. Ngón tay mềm dài quá không đủ lực co lại cũng không có chức năng duỗi. Trong khi bệnh nhân sau đột quỵ phục hồi chức năng duỗi quan trọng và khó hơn nhiều”, Chính kể.

Nhóm vật lộn nhiều tuần với thiết kế, hình dáng sản phẩm thay đổi nhằm tích hợp thêm chức năng duỗi. Khoang khí từ hình vuông chuyển đổi qua tam giác, giữ nguyên phần lập trình. Các bạn trẻ hăng hái mang phiên bản 2 găng tay phục hồi chức năng chuyển cho bệnh nhân và kỹ thuật viên Bệnh viện Đa khoa Đà Nẵng sử dụng thử nghiệm. Trong đó, một bệnh nhân tự tập trị liệu tại nhà.

Sau Tết 2022, phiên bản thiết kế thứ ba bàn tay, ngón đã thẩm mỹ hơn. Nhóm đưa đến kỹ thuật viên phục hồi chức năng một lần nữa và nhận phản hồi ngón tay mềm đáp ứng 70% bài tập co, 90% bài tập duỗi…

Chi phí chế tạo sản phẩm trong giai đoạn thiết kế khoảng 4,5 - 5 triệu đồng, thấp hơn các sản phẩm nhập ngoại tương tự trên thị trường. Trong thời gian tới, nhóm sẽ tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện để giảm giá thành, cải thiện chất lượng, tiện ích, thẩm mỹ như giảm kích thước hộp điều khiển để thuận tiện mang theo sử dụng… thông qua cọ xát, tham gia một số cuộc thi khởi nghiệp sáng tạo để có thể phát triển thành sản phẩm thương mại, sinh viên Lê Nhất Chính chia sẻ.

Thầy Phạm Anh Đức, giảng viên hướng dẫn đề tài, cho biết, RehaTech thực hiện tốt công đoạn nhận định dự án, xác định sự khả thi, xác định công năng thật sự cần cho đối tượng liên quan. Sản phẩm tiết kiệm 30% thời gian điều trị, người lớn tuổi có thể sử dụng thiết bị độc lập. Từ đây mở ra cơ hội bệnh nhân tự tập luyện, giảm bớt quá tải cho bệnh viện.

Hiện trên thị trường, các sản phẩm tính năng tương tự nhưng không có chức năng phục hồi động tác duỗi. Cơ cấu phức tạp, khó bảo trì, chi phí sửa chữa cao và giao diện chưa thân thiện. Trong khi sản phẩm của nhóm RahabTech khắc chế hầu hết khuyết điểm của sản phẩm trên thị trường.

Ước tính tại TP Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam, khoảng 5.300 người/ năm bị đột quỵ trong đó 2.200 người/năm có nhu cầu phục hồi chức năng. Đi thị trường ngách, nhóm hi vọng cùng với những cải tiến thẩm mỹ cho công nghiệp hơn, cải tiến bộ điều khiển đỡ cồng kềnh, sản phẩm sẽ có ngày được ứng dụng trong bệnh viện.

Găng tay phục hồi chức năng ứng dụng robot mềm đã đoạt giải Nhì Báo cáo Nghiên cứu khoa học do Đại học Bách khoa - Đại học Đà Nẵng tổ chức; giải Nhất cuộc thi Dự án Kỹ thuật phục vụ cộng đồng do Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tài trợ, triển khai bởi Đại học Bang Arizona và Chương trình STEM của Dow Việt Nam cùng phối hợp các trường Đại học tại Việt Nam; và mới đây xuất sắc vượt qua nhiều ứng viên giành giải Nhì cuộc thi Sinh viên khởi nghiệp công nghệ năm 2022 Đà Nẵng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ