Nhóm sinh viên Đà Nẵng chế tạo bồn vệ sinh di động thông minh

GD&TĐ -Bồn vệ sinh di động thông minh có tích hợp cảm biến theo dõi sức khỏe người dùng khi sử dụng là sản phẩm của nhóm sinh viên Đại học Sư phạm Kỹ thuật Đà Nẵng.

Mô hình 3D sản phẩm bồn vệ sinh thông minh của nhóm sinh viên.
Mô hình 3D sản phẩm bồn vệ sinh thông minh của nhóm sinh viên.

Rẻ bằng một nửa sản phẩm trên thị trường

Sản phẩm do Trần Văn Phúc và Cao Thị Thúy Hằng, sinh viên ngành Điện - Điện tử thực hiện với mong muốn giúp cho người già, người bệnh đi vệ sinh an toàn hơn.

Phúc cho biết, em có ý tưởng làm sản phẩm này khi chứng kiến sự khó khăn của bố bị bệnh gout mãn tính, đi lại khó khăn, nhất là những khi vệ sinh cá nhân. Nhiều khi, ông phải cắn răng chịu đau để đi vệ sinh, rất vất vả.

Tìm hiểu trên mạng, trên các trang bán hàng trực tuyến, sản phẩm bồn vệ sinh di động được bán khá nhiều nhưng giá thành cao, không phù hợp với điều kiện kinh tế của gia đình.

Mong muốn làm chiếc bồn vệ sinh thông minh, vừa tiện dụng để người dùng không phải di chuyển, vừa giảm mùi được cậu học trò quê Quảng Trị, ấp ủ ý tưởng khi còn học cấp 3.

Thế nhưng đến khi vào đại học có thêm vốn kiến thức chuyên ngành Phúc mới bắt tay thực hiện. Những hôm không có giờ lên lớp, Phúc dành thời gian thiết kế bồn vệ sinh trên máy tính, lập trình tích hợp các tính năng thông minh. Sau khoảng 4 tháng, sản phẩm được nhóm thiết kế thành công.

Sản phẩm được thiết kế với chất liệu bằng nhựa, trọng lượng dưới 1 kg, dễ dàng xách và di chuyển. Phía đáy bồn được bố trí túi chứa làm bằng nhựa dễ phân hủy. Đèn UV được lắp đặt phía nắp bồn có tác dụng diệt khuẩn phát sinh trên bề mặt, giảm mùi trong quá trình sử dụng. Tia UV được điều chỉnh giảm công suất để không ảnh hưởng đến da người. Cảm biến hồng ngoại cũng được thiết kế để khi mở nắp đèn tự tắt và đóng nắp thì đèn hoạt động trở lại.

Để tăng tính thông minh cho sản phẩm, Phúc thiết kế các cảm biến nhịp tim, nhiệt độ, chỉ số oxy trong máu ở khu vực nắp bồn. Các cảm biến sẽ lấy các chỉ số sức khỏe truyền dữ liệu về điện thoại thông qua ứng dụng miễn phí để người nhà nắm được tình trạng sức khỏe của người thân. Các thông số có độ chính xác cao, quản lý dễ dàng trên điện thoại nên dễ cập nhật thông tin.

Nói về sự khác biệt sản phẩm, Cao Thị Thúy Hằng, thành viên nhóm chia sẻ, hiện có nhiều sản phẩm cùng loại trên thị trường có giá từ 250.000 đến 2,5 triệu đồng.

Tuy nhiên, đa số sản phẩm không có tính năng theo dõi sức khỏe và chưa thiết kế hệ thống đèn UV diệt khuẩn, giảm mùi. Sản phẩm hữu dụng với những người già, người bệnh có thể đi lại, còn người nằm liệt giường, không tự vệ sinh cá nhân thì cần có người hỗ trợ.

Trong khi sản phẩm của nhóm có giá thành rẻ hơn một nửa, chi phí dự kiến để sản xuất một bồn thông minh theo dõi sức khỏe vào khoảng một triệu đồng, phù hợp với đại bộ phận người dân. “Với mức chi phí này, chúng em hy vọng sản phẩm sẽ trợ giúp người già, bệnh nặng… trong sinh hoạt hàng ngày”, Hằng chia sẻ.

Muốn đưa vào viện dưỡng lão chăm sóc người già

Để đánh giá cảm nhận của người dùng, nhóm đã thử nghiệm trên chính người thân trong gia đình. Sản phẩm không phát sinh mùi, rất tiện lợi, được đánh giá cao do người nằm một chỗ cũng có thể tự vệ sinh, không phiền phức đến người phục vụ.

Phúc cho biết, nhóm nghiên cứu cơ cấu tự động đóng bao chất thải để tạo thuận tiện cho người nhà trong việc vệ sinh bồn. Dự kiến, sau khi hoàn thiện công nghệ, nhóm sẽ liên hệ với các bệnh viện, viện dưỡng lão thử nghiệm ở nhiều người hơn để đánh giá tính hiệu quả và điều chỉnh cho phù hợp với nhu cầu.

“Trong các viện dưỡng lão, nhu cầu về sản phẩm rất lớn do đối tượng người già bị mắc các bệnh về vận động rất nhiều. Em hy vọng sản phẩm có thể là người bạn, giúp sinh hoạt của người già bệnh trở nên dễ dàng, sạch sẽ, nâng cao chất lượng sống”, sinh viên Trần Văn Phúc kỳ vọng.

ThS Vũ Tuấn Anh, Phó Tổng Giám đốc Công ty Tư vấn tái cấu trúc và chuyển đổi số Dr.SME cho rằng, sản phẩm bồn vệ sinh thông minh là dự án tiềm năng do có thể sản xuất trong nước dễ dàng với thiết kế chế tạo từ vỏ nhựa, tích hợp các cảm biến và các cụm phần cứng để phát triển và bổ sung làm tăng tính năng sản phẩm.

Tuy nhiên, để sản phẩm ra được thị trường, nhóm cần xây dựng giải pháp phần mềm có khả năng phân tích dữ liệu về sức khỏe, tự động đưa ra cảnh báo cho người nhà. Ngoài ra, dự án cần có doanh nghiệp đối tác cung cấp giải pháp phần cứng và hỗ trợ sản xuất bồn vệ sinh thông minh để có hình thức đẹp hơn nữa.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ