Nhóm sinh viên dùng vi khuẩn chữa bệnh xơ đen cho mít

GD&TĐ - Xơ đen trong quả mít khiến nhà vườn thiệt hại nặng nề, sản phẩm khó bán ra thị trường do chất lượng xấu.

Nhóm sinh viên đề xuất dùng vi khuẩn chữa bệnh xơ đen trong mít Thái.
Nhóm sinh viên đề xuất dùng vi khuẩn chữa bệnh xơ đen trong mít Thái.

Nhóm sinh viên Trường Đại học Công nghiệp TPHCM tìm ra vi khuẩn Alcaligenes sp. LH8 để ức chế xơ đen cho mít.

Dùng vi khuẩn thay thế thuốc hóa học

Cây mít Thái siêu sớm thường mắc chứng bệnh khiến người nông dân đau đầu, đó là bệnh xơ đen. Hiện tượng xơ đen làm cho trái mít bị méo mó, làm giảm chất lượng và độ ngọt, gây thiệt hại nặng nề cho nhà vườn, thường xuất hiện vào mùa mưa, tương đối ít vào mùa khô.

Mít ra hoa vào tháng 5 âm lịch trở đi có nguy cơ cao mắc bệnh xơ đen. Những trái mít xơ đen không đạt chất lượng, thương lái không thu mua, gây thiệt hại không hề nhỏ cho nhà vườn.

Sinh viên Hoàng Đình Huy, thành viên nhóm nghiên cứu cho biết, do bệnh xơ đen không biểu hiện ra bên ngoài trái mít, gây khó khăn trong việc kiểm soát bệnh.

Nông dân chủ yếu dùng phương pháp cắt một góc đầu quả mít để quan sát phần ruột bên trong, phát hiện xơ đen là loại bỏ. Nhiều hộ dùng thuốc bảo vệ thực vật hóa học để phòng ngừa trước khi thụ phấn, hoặc thuốc trừ sâu diệt vật trung gian mang bệnh.

Từ đầu năm 2022 Huy cùng với Nguyễn Thị Yến Vân, Nguyễn Thị Mỹ Nguyệt thực hiện nghiên cứu với mong muốn giúp nông dân có thêm giải pháp phòng ngừa bệnh xơ đen trên mít.

Theo nghiên cứu, tác nhân chính gây bệnh mít xơ đen là vi khuẩn Pantoea Stewartii. Vi khuẩn này cũng được tìm thấy trên mít có hiện tượng xơ đen ở Malaysia và Mexico.

Ở Việt Nam, vi khuẩn này còn gây bệnh héo vi khuẩn và bệnh bạc lá trên bắp. Vi khuẩn Pantoea Stewartii gây bệnh xơ đen xâm nhập vào trái mít theo nước mưa bằng hai con đường: Qua bướm hoa cái mở ra nhận phấn và khoảng hở giữa trái đơn.

Theo nhóm sinh viên, vi khuẩn này có thể bị ức chế bởi Alcaligenes sp. LH8. Thực hiện nghiên cứu trong phòng thí nghiệm, nhóm tiến hành nuôi cấy, trộn hai vi khuẩn Pantoea stewartii và Alcaligenes sp. LH8 cho sống chung.

Sau một thời gian xảy ra quá trình tiếp xúc tế bào, vi khuẩn Alcaligenes sp. LH8 phát triển mạnh còn tác nhân gây bệnh mít xơ đen Pantoea stewartii phát triển chậm.

Điều này thể hiện qua đường kính vòng kháng khuẩn chủng vi khuẩn Alcaligenes sp. LH8 ức chế tác nhân gây bệnh mít xơ đen trên 16 mm. Đây là vi khuẩn kích thước lớn nhất nên khả năng gây ức chế chủng gây bệnh tốt nhất.

“Điều đáng tiếc là nghiên cứu này mới dừng lại ở phòng thí nghiệm, chưa có điều kiện đánh giá trên thực tế nhà vườn nên chưa có cơ sở để nói về tiềm năng. Song chúng em hy vọng sẽ sớm bắt tay được với nhà vườn để thử nghiệm”, sinh viên Hoàng Đình Huy nói.

Cần kiểm tra độ an toàn của chủng vi khuẩn

Nhóm sinh viên cho biết, từ nghiên cứu có thể thu nhận tế bào của các chủng có khả năng đối kháng dùng làm chế phẩm vi sinh phun, xịt, tưới gốc hoặc trộn với phân, bón cho cây trước quá trình thụ phấn để phòng ngừa bệnh. Tuy nhiên, để làm việc này phải có nhiều thí nghiệm kiểm tra độ an toàn của các chủng vi khuẩn.

Theo TS Nguyễn Thị Kiều, Giám đốc Trung tâm Thông tin và Ứng dụng khoa học công nghệ tỉnh Hậu Giang, trước khi có chế phẩm đặc trị, người nông dân nên tránh những khuyến cáo phòng trị không đúng.

Như việc bón vôi, bón phân hữu cơ vào đất là rất tốt trong canh tác, nhưng lại không có tác dụng với bệnh xơ đen do vi khuẩn gây ra. Thay vào đó, người trồng mít nên chú ý một số vấn đề quan trọng trong canh tác.

Về thời vụ, do vi khuẩn phát triển mạnh trong những tháng mưa nhiều như tháng 7, 8, 9, 10 hàng năm, nên nhà vườn cần hạn chế để trái trong thời gian này. Khi xử lý ra hoa, người trồng nên tỉa bớt các cành tăm để tạo độ thông thoáng cho cây.

Ngoài ra, nên tuyển lựa những trái hình trụ, gai đều, cuống mập và tỉa bớt những trái méo mó, có cuống dị dạng, vì những trái này cho năng suất thấp và có nguy cơ nhiễm bệnh cao.

Nông dân có thể phun một số loại thuốc phòng ngừa vi khuẩn vào toàn cây, đặc biệt vào cuống và mầu trái, phun ít nhất 3 lần vào các thời điểm có cựa gà, trước và sau khi ra trái.

Dùng vi khuẩn ức chế bệnh mít xơ đen là một hướng nghiên cứu khá mới, chưa có nhiều công trình trong nước thực hiện. Một số nước như Malaysia, Indonesia... đã có nhiều nghiên cứu về lĩnh vực này, tuy nhiên sử dụng những chủng vi khuẩn khác. Việc thử nghiệm hiệu quả cần làm ở cây mít sống. Do chu kỳ phát triển trái mít khá dài nên cần nhiều thời gian để đánh giá mức độ an toàn.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Thực phẩm đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển não bộ ở trẻ. Ảnh minh họa: INT

Thực phẩm ảnh hưởng tới trí nhớ

GD&TĐ - Chế độ ăn thực phẩm nhiều dầu mỡ và chiên rán, nhiều đường làm giảm khả năng học tập và trí nhớ, cũng như tăng nguy cơ viêm nhiễm.