Sinh động giáo dục đạo đức, lối sống từ mỗi giờ Sinh hoạt dưới cờ

GD&TĐ - Một trong những biện pháp giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh được các cơ sở giáo dục thực hiện rất hiệu quả là thông qua giờ Sinh hoạt dưới cờ mỗi đầu tuần.

Một buổi sinh hoạt dưới cờ tại Trường THCS Tân Phương (huyện Thanh Thủy, Phú Thọ).
Một buổi sinh hoạt dưới cờ tại Trường THCS Tân Phương (huyện Thanh Thủy, Phú Thọ).

Mỗi tuần một cuốn sách hay, một câu chuyện đẹp

Tại Trường THCS Tân Phương (huyện Thanh Thủy, Phú Thọ), công tác giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh được lồng ghép trong tất cả các hoạt động giáo dục của nhà trường, đặc biệt là trong giờ sinh hoạt dưới cờ.

Cô Hiệu trưởng Lê Thị Thu Thảo cho biết, trong các giờ sinh hoạt dưới cờ, nhà trường đã xây dựng nội dung "Mỗi tuần một cuốn sách hay, một câu chuyện đẹp". Vào các giờ sinh hoạt, đội tuyên truyền măng non của Liên đội, hoặc đại diện các lớp sẽ giới thiệu một cuốn sách hay, như: "Những câu chuyện về Bác Hồ", "Nhật ký Đặng Thuỳ Trâm"… Hoặc những câu chuyện về tấm gương người tốt việc tốt được giơi thiệu như: Anh Nguyễn Ngọc Mạnh cứu em bé 3 tuổi rơi từ tầng 12; tấm gương các bác sĩ trong công tác phòng chống dịch Covid-19... Từ những câu chuyện trên, học sinh được bộc lộ những suy nghĩ, tình cảm của mình.

Nội dung các giờ sinh hoạt dưới cờ gắn liền với những ngày lễ lớn, hay những sự kiện quan trọng của đất nước với nhiều hình thức phong phú. Có thể là biểu diễn văn nghệ, sáng tác, tiểu phẩm, chiếu phóng sự, phim tài liệu... Vào một số ngày lễ, như 20/10, 8/3…, học sinh được bày tỏ những cảm xúc, tình cảm của mình về mẹ, về cô qua các bài viết của mình.

Bên cạnh đó, nhà trường cũng mời các lực lượng bên ngoài nhà trường tham gia công tác giáo dục đạo đức lối sống cho học sinh, như: Mời các bác cựu chiến binh nói chuyện nhân ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam; mời ban công xã tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật, giao lưu với trẻ em khuyết tật…

“Thông qua các hoạt động trên, học sinh không còn cảm thấy áp lực, không nhàm chán. Các giờ sinh hoạt dưới cờ đã thực sự tạo được hứng thú với học sinh. Qua các hoạt động này, các em được giáo dục lý tưởng cách mạng, được bồi đắp tình yêu quê hương, đất nước, hình thành ý thức trách nhiệm với bản thân, gia đình và xã hội, biết yêu thương, đoàn kết.” - cô Lê Thị Thu Thảo chia sẻ.

Đại tá Đỗ Anh Dũng nói chuyện với học sinh Trường THCS Tân Phương nhân dịp kỷ niệm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam.
Đại tá Đỗ Anh Dũng nói chuyện với học sinh Trường THCS Tân Phương nhân dịp kỷ niệm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam.

Hiệu trưởng giữ vai trò nòng cốt

Một trong những biện pháp giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh được các nhà trường trên địa bàn quận Hai Bà Trưng (Hà Nội) thực hiện rất hiệu quả là thông qua tiết chào cờ đầu tuần.

Ông Cấn Văn Đa, Trưởng phòng GD&ĐT quận Hai Bà Trưng cho biết: Chào cờ đầu tuần vô cùng thiêng liêng. Đối với học sinh, tiết chào cờ đầu tuần góp phần quan trọng giúp các em rèn luyện nhân cách, từ những việc nhỏ như ham học, ham làm, siêng năng, cần kiệm..., đến những việc lớn như hun đúc tinh thần dân tộc, lòng yêu nước ở mỗi người.

Tiết chào cờ mỗi sáng thứ Hai trở thành những tiết học thú vị thì đó cũng chính là động lực giúp học sinh hào hứng bước vào tuần học mới. Vì vậy, giờ chào cờ, hát Quốc ca vào sáng thứ Hai hằng tuần đã trở thành nền nếp trong các trường học.

Theo ông Cấn Văn Đa, các nhà trường đã xây dựng lồng ghép những bài học kỹ năng sống, lịch sử, đạo đức ngay trong tiết chào cờ bằng các hình thức phong phú như hoạt cảnh, chương trình văn nghệ, cuộc thi vấn đáp, diễn đàn trao đổi, thu hút đông đảo học sinh tham gia. Giáo dục đạo đức, nhân cách, kỹ năng sống thông qua hoạt động này sẽ giúp các em trưởng thành nhanh chóng so với những hình thức khác.

Ban giám hiệu, Ban Thanh/thiếu niên của mỗi nhà trường có thể phối hợp các lực lượng giáo dục khác ngoài nhà trường, như: Công an, Hội Liên hiệp phụ nữ, Hội Cựu chiến binh… xây dựng kế hoạch tổ chức các buổi hội thảo, giao lưu, toạ đàm…

“Thực tế cho thấy, học sinh rất mong chờ tham gia giờ chào cờ với các hoạt cảnh, câu chuyện ngắn, chương trình văn nghệ, sinh hoạt chuyên môn dưới cờ cùng những món quà nhỏ thật sự sinh động và bổ ích.

Sinh hoạt dưới cờ là một diễn đàn để Hiệu trưởng thực hiện nhiệm vụ giáo dục đạo đức học sinh. Muốn vậy, các buổi sinh hoạt dưới cờ cần có sự thay đổi về cả nội dung và hình thức sinh hoạt, cần đa dạng phong phú về hình thức và có sự mở rộng, phối hợp chặt chẽ với nhiều cấp, nhiều bộ phận trong và ngoài nhà trường” - ông Cần Văn Đa chia sẻ.

Nhấn mạnh vai trò nòng cốt của Hiệu trưởng nhà trường, ông Cấn Văn Đa cho rằng, để có được những buổi chào cờ thành công, trước hết Hiệu trưởng nhà trường phải luôn có ý tưởng mới, thay đổi hình thức và nội dung các buổi sinh hoạt mang tính giáo dục cao này. Khi diễn thuyết, Hiệu trưởng ngoài trang phục gọn gàng, chỉnh tề phải có cử chỉ hành động, lời nói thật mô phạm nhưng thật sự hấp dẫn, thu hút người nghe.

Ngoài ra, có thể phối hợp thường xuyên các buổi sinh hoạt dưới cờ với các buổi sinh hoạt lớp, tọa đàm, trao đổi thẳng thắn, cởi mở trong các tiết học kỹ năng sống, văn minh thanh lịch... để nâng cao hiệu quả công tác giáo dục đạo đức học sinh.

“Giáo dục đạo đức, nhân cách học sinh muốn đạt hiệu quả cao cần sự tham gia phối hợp trách nhiệm của gia đình, nhà trường và toàn thể xã hội. Các địa phương cần tiếp tục hướng dẫn các cơ sở giáo dục phối hợp chặt chẽ với Ban đại diện cha mẹ học sinh thực hiện cam kết với cơ sở giáo dục về thực hiện đầy đủ nghĩa vụ chăm sóc, giáo dục và tạo môi trường tốt nhất, góp phần hướng dẫn, quản lý con em học tập, rèn luyện; tăng cường trách nhiệm của chính quyền địa phương và các tổ chức đoàn thể.” - ông Cấn Văn Đa trao đổi thêm.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

'Nỗi ám ảnh' của ông Trump

GD&TĐ - Một trong những quốc gia được nhắc nhiều và chịu ảnh hưởng ngay trong ngày nhậm chức của Tổng thống Mỹ Donald Trump là Mexico.