Giáo dục đạo đức lối sống cho học sinh từ cảm nhận thực tế, khách quan

GD&TĐ - Nhằm giáo dục đạo đức, lối sống, bồi đắp tình yêu quê hương, đất nước và tăng cường kiến thức thực tế cho học sinh, nhiều trường học tại Hải Phòng đã linh hoạt cách tổ chức mang lại nhiều hoạt động bổ ích.

Hoạt động trải nghiệm của học sinh Trường THPT Trần Nguyên Hãn tại Trung tâm Giáo dục và Lao động Gia Minh.
Hoạt động trải nghiệm của học sinh Trường THPT Trần Nguyên Hãn tại Trung tâm Giáo dục và Lao động Gia Minh.

Đổi mới hình thức giáo dục

Ngày 17/5 vừa qua, Trường THPT Trần Nguyên Hãn, quận Lê Chân, TP Hải Phòng tổ chức cho hơn 600 học sinh lớp 10 đi trải nghiệm tại Khu di tích Bạch Đằng Giang, Trung tâm Giáo dục và Lao động Gia Minh, huyện Thủy Nguyên và Nhà máy nước An Dương, quận Lê Chân.

Tại nhà máy nước An Dương, các em được thăm quan toàn bộ khuôn viên, khu vực làm việc của cán bộ, công nhân viên và nghe các cô chú cán bộ giới thiệu về hoạt động chung của nhà máy.

Học sinh Lê Như Quỳnh- Lớp 10C3 cho hay: Trường học gần nhà máy nước nhưng em chưa bao giờ được đến thăm. Hiểu được công việc vất vả của các cô chú cán bộ nhà máy nước hàng ngày điều hành, sản xuất ra nguồn nước sạch cho nhân dân thành phố em thêm trân trọng sức lao động và có ý thức tiết kiệm nước sạch, bảo vệ môi trường.

Học sinh được nghe cán bộ tuyên tuyền về các chất gây nghiện và cách phòng, tránh.
Học sinh được nghe cán bộ tuyên tuyền về các chất gây nghiện và cách phòng, tránh.

Khu di tích Bạch Đằng Giang các em được thăm quan, tìm hiểu về di tích lịch sử gắn liền với những chiến công hiển hách của cha ông. Qua đó, bồi đắp lòng yêu nước và tự hào dân tộc, ý thức công dân cho học sinh đối với Tổ quốc.

Tại Trung tâm Giáo dục và Lao động Gia Minh học sinh được tọa đàm tìm hiểu về các chất gây nghiện, tác hại của ma tuý và trò chuyện cùng các học viên trong Trung tâm. Các em được thăm khu cắt cơn, khu gốm thủ công mĩ nghệ và các mô hình vườn, ao, chuồng do các tổ, đội học viên trong Trung tâm lao động, sản xuất.

Em Phạm Quang Tiến- học sinh lớp 10C 6 chia sẻ: E thấy xúc động nhất giây phút cùng trò chuyện với các học viên cai nghiện. Bình thường em chỉ nghe bố mẹ, thầy cô nói về ma tuý và các chất gây nghiện, chưa từng nghe các học viên trò chuyện như này. Qua câu chuyện về con đường đến với ma tuý của các học viên, em thấy tác hại của chất gây nghiện. Em cũng trang bị cho mình các biện pháp phòng chống khi nghe cán bộ trung tâm tuyên truyền, chia sẻ.

Các em được trải nghiệm nghề nghiệp ở phân xưởng Gốm thủ công mỹ nghệ tại Trung tâm Gia Minh.
Các em được trải nghiệm nghề nghiệp ở phân xưởng Gốm thủ công mỹ nghệ tại Trung tâm Gia Minh.

Thầy Nguyễn Minh Quý- Hiệu trưởng Trường THPT Trần Nguyên Hãn cho hay: Để hình thành phát triển nhân cách học sinh thì một trong những căn cốt quan trọng nhất là phải tổ chức các hoạt động. Việc tổ chức các hoạt động trong đó hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp được nhiều nhà trường chú trọng.

Các hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp sẽ tạo cảm hứng học tập cho học sinh khi được tiếp xúc với môi trường ngoài trường học, lớp học. Khi đến những nơi sản xuất, địa chỉ đỏ, học sinh được tận mắt chứng kiến, có cảm nhận thực tế, khách quan.

Khi hoạt động trải nghiệm được chuẩn bị chu đáo, khoa học có kế hoạch, định hướng và kiểm tra đánh giá thì sẽ giúp học sinh hình thành năng lực quan sát, phân tích, tổng hợp. Các em sẽ được rèn kĩ năng làm việc nhóm, phỏng vấn và các kĩ năng mềm khác...

Học sinh Trường THPT Trần Nguyên Hãn được đến thăm các học viên trong Trung tâm.
Học sinh Trường THPT Trần Nguyên Hãn được đến thăm các học viên trong Trung tâm.

Theo Thượng tá Nguyễn Hải Hưng- Giám đốc Trung tâm Giáo dục và Lao động Gia Minh hàng năm Trung tâm đón 20- 30 nghìn học sinh đến thăm quan, trải nghiệm. Tại đây các em có điều kiện giao lưu với học viên, được gặp trực tiếp các cán bộ làm công tác cai nghiện nghe tuyên truyền về tác hại ma tuý.  Chứng kiến cảnh tượng thực tế các em nhận biết được tác hại của ma tuý, có kĩ năng phòng chốngl; nhìn cảnh lao động của các học viên các em thêm yêu và quý giá trị lao động..

Sân chơi lành mạnh

Chuyên đề Tự hào Việt Nam - Chủ đề: “Thái úy Lý Thường Kiệt - Danh tướng ngàn năm” được  Trường THPT Lý Thường Kiệt  (huyện Thuỷ Nguyên, TP Hải Phòng) tổ chức vào ngày 19/5 là sân chơi lành mạnh, bổ ích cho đoàn viên, học sinh nhà trường. Hoạt động nhằm khơi dậy tinh thần ham mê tìm hiểu, nghiên cứu lịch sử, văn hóa dân tộc, bồi đắp lòng yêu nước, tự hào dân tộc cho học sinh.

Đây cũng là dịp thầy trò nhà trường thể hiện sự hiểu biết sâu sắc về anh hùng dân tộc Lý Thường Kiệt.

Các hoạt cảnh, chương trình văn nghệ xoay quanh Chủ đề: “Thái úy Lý Thường Kiệt - Danh tướng ngàn năm” được các em học sinh, cựu học sinh nhà trường thể hiện sôi động, sâu lắng, giàu cảm xúc.

Bản hùng ca Nam quốc sơn hà đã tái hiện khái quát về cuộc đời của Thái úy Lý Thường Kiệt và sự ra đời của bài thơ Thần Nam quốc sơn hà. 

Hoạt cảnh văn nghệ sinh động tái hiện lại cuộc đời và sự nghiệp anh hùng Lý Thường Kiệt của học sinh THPT Lý Thường Kiệt, huyện Thuỷ Nguyên, TP Hải Phòng.
Hoạt cảnh văn nghệ sinh động tái hiện lại cuộc đời và sự nghiệp anh hùng Lý Thường Kiệt của học sinh THPT Lý Thường Kiệt, huyện Thuỷ Nguyên, TP Hải Phòng.

Bài thơ “Nam Quốc Sơn Hà” được coi là bản Tuyên ngôn độc lập đầu tiên của nước ta, lần đầu tiên có một bài thơ khẳng định hùng hồn và đanh thép về chủ quyền bỡ cõi và độc lập của dân tộc ta. Hoạt cảnh do đội văn nghệ xung kích của nhà trường biểu diễn để lại ấn tượng trong chuyên đề khi khơi dậy được niềm tự hào dân tộc, bồi đắp tình yêu quê hương đất nước cho các bạn học sinh.

Tại chuyên đề, học sinh Trường THPT Lý Thường Kiệt còn được thể hiện vốn kiến thức về cuộc đời và sự nghiệp của danh tướng Lý Thường Kiệt, phần thi trắc nghiệm. 

Cô giáo Trịnh Thị Huyền- Bí thư Đoàn trường, Trường THPT Lý Thường Kiệt chia sẻ: Qua chuyên đề, các đoàn viên thanh niên trong trường được giáo dục về đạo đức, lý tưởng sống. Hiểu về lịch sử dân tộc, về người anh hùng mà nhà trường vinh dự được mang tên các em thêm tự hào, thêm yêu quê hương, đất nước, từ đó có ý thức bảo vệ và xây dựng đất nước trong tương lai.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ