Giáo dục đạo đức qua sinh hoạt dưới cờ đầu tuần: Thẩm thấu đến từng học sinh

GD&TĐ - Giáo dục đạo đức không hoàn toàn giống với dạy học các bộ môn. Giáo dục đạo đức không có giáo án, không đứng độc lập mà được lồng ghép vào từng bài giảng, hoạt động, thấm sâu vào học sinh mỗi ngày.

Đa dạng, thiết thực hình thức sinh hoạt dưới cờ tại Trường Tiểu học Lê Văn Tám.
Đa dạng, thiết thực hình thức sinh hoạt dưới cờ tại Trường Tiểu học Lê Văn Tám.

Do vậy, sinh hoạt dưới cờ đầu tuần là một trong những “kênh” hiệu quả để trường học giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh. Vấn đề đặt ra là kênh giáo dục này cần được tổ chức thế nào cho thiết thực, phù hợp, không rơi vào hình thức, thành tích.

Nhận diện thực trạng

Qua thực tế chỉ đạo công tác dạy và học của các nhà trường trên địa bàn, ngành Giáo dục quận Hai Bà Trưng (Hà Nội) nhận định, hiện nay, các nhà trường đều rất quan tâm tới việc giáo dục đạo đức cho học sinh nhưng hiệu quả của công tác này chưa cao. Mặt trái của cuộc sống và môi trường xã hội với những tác động tiêu cực đã dẫn đến một số sai phạm đáng tiếc như: học sinh đánh nhau, vô lễ với thầy cô giáo, ý thức phấn đấu kém...

Thực trạng chính có thể thấy nổi cộm ở hai mặt là đạo đức và lối sống. Trong đó, đạo đức giới trẻ, đặc biệt là trẻ em đang ở độ tuổi tới trường, độ tuổi học sinh cuối bậc Tiểu học và THCS đang có nhiều vấn đề nảy sinh. Bên cạnh những học sinh ngoan, nền nếp thì vẫn còn tồn tại một bộ phận không nhỏ những học sinh có hoàn cảnh đặc biệt, khiến các em có hành vi chưa chuẩn mực. Từ hành vi ứng xử chưa chuẩn mà dẫn tới có lời nói và thái độ chưa đúng đắn, thậm chí là lệch lạc.

Học sinh là chủ thể trong các hoạt động giáo dục đạo đức, lối sống ở Trường THCS Ngô Gia Tự.

Học sinh là chủ thể trong các hoạt động giáo dục đạo đức, lối sống ở Trường THCS Ngô Gia Tự.

Theo đại diện ngành Giáo dục quận, trách nhiệm giáo dục đạo đức, lối sống cho thế hệ trẻ thuộc về nhiều ngành, nhưng trước hết đó là trách nhiệm của nhà trường – nơi giáo dục đạo đức con người từ khi mới cắp sách đi học đến lúc bước chân vào đời. Bên cạnh đó, địa bàn nơi học sinh học tập và sinh sống cũng là một trong những yếu tố tác động đến việc giáo dục đạo đức học sinh. Chỉ cần một phút buông lỏng quản lý và phối hợp chưa chặt chẽ giữa các cấp sẽ dẫn đến những tác động tiêu cực vào học sinh.

Ở một góc độ khác, nhiều phụ huynh có tư tưởng khoán trắng cho nhà trường hoặc quá nuông chiều con dẫn đến việc họ tự đề ra các yêu cầu trái ngược với mục tiêu giáo dục.

Cùng với đó, học sinh Tiểu học, THCS là đối tượng bắt đầu có nhiều thay đổi về tâm sinh lý nên có một bộ phận học sinh chưa phân biệt được đúng - sai, tốt - xấu... Nhận thức còn sai lầm dẫn đến hành vi chưa đúng mực. Đáng lo ngại, một số ít giáo viên chưa có sự phối hợp chặt chẽ với nhà trường, với phụ huynh để kịp thời nắm bắt và điều chỉnh tâm lý của học sinh.

“Kênh” giáo dục đạo đức, lối sống hiệu quả

Qua thực tế hoạt động, các trường trên địa bàn quận Hai Bà Trưng đã tiến hành nhiều biện pháp giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh. Một trong những biện pháp mang lại hiệu quả thiết thực nhất là thông qua tiết chào cờ đầu tuần.

Cô, trò Trường Tiểu học Lê Văn Tám hòa mình vào các hoạt động sáng tạo, đổi mới.
Cô, trò Trường Tiểu học Lê Văn Tám hòa mình vào các hoạt động sáng tạo, đổi mới.

Với học sinh, tiết chào cờ đầu tuần góp phần quan trọng trong việc giúp các em rèn luyện nhân cách, từ những việc nhỏ như: ham học, ham làm, siêng năng, cần kiệm... đến những việc lớn như hun đúc tinh thần dân tộc, lòng yêu nước ở mỗi người.

Việc xây dựng lồng ghép những bài học kỹ năng sống, lịch sử, đạo đức ngay trong tiết chào cờ bằng các hình thức phong phú như hoạt cảnh, chương trình văn nghệ, cuộc thi vấn đáp, diễn đàn trao đổi... đem lại hiệu quả lớn trong công tác giáo dục, đạo đức lối sống cho học sinh, nhất định sẽ thu hút được đông đảo học sinh tham gia và để lại ấn tượng tốt đẹp trong lòng mỗi học sinh.

Cô Nghiêm Thúy Châm- Hiệu trưởng Trường THCS Ngô Gia Tự (quận Hai Bà Trưng) nhìn nhận: Giáo dục đạo đức, lối sống với mục đích phát triển toàn diện về phẩm chất, nhân cách cho thế hệ trẻ là nhiệm vụ quan trọng của các nhà trường trong giai đoạn hiện nay. Bên cạnh các hoạt động dạy và học, công tác giáo dục đạo đức, lối sống được nhà trường tiến hành thông qua các giờ sinh hoạt dưới cờ đầu tuần được tổ chức ngay dưới sân cờ.

Nội dung sinh hoạt dưới cờ được thiết kế gắn với chủ đề, chủ điểm hàng tháng như: Hoạt động giáo dục truyền thống, đạo đức, nếp sống; hỗ trợ học tập, văn hoá; vui chơi giải trí và phát triển; lao động - sáng tạo; giáo dục tinh thần đoàn kết, hữu nghị quốc tế…

Lấy học sinh làm trung tâm, mỗi lớp hoặc 2, 3 lớp theo sự phân công sẽ tổ chức hoạt động ngoài giờ lên lớp gắn với chủ đề của mỗi tháng với nhiều hình thức tổ chức  đa dạng và phong phú như: Tổ chức diễn đàn; sân khấu hóa; giao lưu, nói chuyện chuyên đề; tổ chức trò chơi...

Học sinh Trường THCS Ngô Gia Tự hào hứng tham gia giờ sinh hoạt dưới cờ.

Học sinh Trường THCS Ngô Gia Tự hào hứng tham gia giờ sinh hoạt dưới cờ.

Cũng như vậy, cô Nguyễn Thị Thu Hảo- Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lê Văn Tám cho biết: Các hình thức giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh nhà trường đã áp dụng một cách linh hoạt, sáng tạo như: Hát múa, thơ ca, hò vè, tiểu phẩm, trò chơi, vẽ tranh, sáng tác khẩu hiệu, đại hội thể dục thể thao, ngày hội sáng tạo robotic... theo chủ đề về Tự hào truyền thống - Tiến bước lên Đoàn, bông hoa tặng mẹ, nhớ ơn thầy cô, tìm hiểu truyền thống Đội…

Sinh hoạt dưới cờ trực tuyến phòng dịch Covid-19

Trong xu thế chuyển đổi số và dịch bệnh ngày càng phức tạp, ngành Giáo dục Hai Bà Trưng hướng các trường đến việc chủ động cải tiến, đổi mới và đa dạng hóa hình thức sinh hoạt dưới cờ để duy trì được mục tiêu giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh.

Cô Nguyễn Thị Thu Hảo nhận định: Khi bệnh dịch xảy ra, nhà trường triển khai dạy học trực tuyến thì công tác giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh gặp phải một số khó khăn do học sinh học tập tại nhà, không được đến trường để tham gia các hoạt động giáo dục của nhà trường.

Tuy nhiên, bằng bề dày kinh nghiệm trong giáo dục, mọi hoạt động của nhà trường vẫn được gửi tới học sinh và được các em tham gia tích cực, chủ động. Nhà trường đã triển khai việc phát động các cuộc thi, tuyên truyền giáo dục đạo đức lối sống thông qua trang web, facebook của trường. Bên cạnh đó, các nội dung giáo dục đạo đức lối sống, tập huấn kĩ năng đều được nhà trường gửi tới từng học sinh thông qua giáo viên chủ nhiệm. Các thầy cô chính là cầu nối vững chắc để nhà trường gửi gắm, truyền tải những thông điệp của cuộc sống đến với các em…

Theo cô Nghiêm Thúy Châm, với phương châm “tạm dừng đến trường, không dừng học”, nhà trường luôn trăn trở làm thế nào để kết nối được với học sinh toàn trường và đảm bảo tổ chức có hiệu quả các hoạt động giáo dục của nhà trường thông qua hình thức trực tuyến; Làm sao để học sinh tự giác tham gia các hoạt động nhà trường phát động?

Cô Châm cho biết: Với kế hoạch dạy học trực tuyến được xây dựng bài bản và kịp thời, bên cạnh dạy kiến thức, nhà trường tổ chức nhiều hoạt động để học sinh vừa có ý thức tham gia phong trào vừa hướng tới giáo dục đạo đức, lối sống, kĩ năng cho các em trong những ngày nghỉ ở nhà phòng, chống dịch Covid-19.

Sinh hoạt dưới cờ theo các chủ đề phù hợp, thiết thực.
Sinh hoạt dưới cờ theo các chủ đề phù hợp, thiết thực.

Trường THCS Ngô Gia Tự tổ chức sinh hoạt dưới cờ trực tuyến bằng cách phát động học sinh tham gia các cuộc thi trực tuyến như: Cuộc thi sáng tác khẩu hiệu “Doraemon với an toàn giao thông”; thi “An toàn giao thông cho nụ cười ngày mai”; thi ảnh nghệ thuật di tích quốc gia đặc biệt  Đền- Chùa- Đình Hai Bà Trưng; thi vẽ tranh dành cho thiếu nhi Thủ đô với chủ đề “Ngày hội sắc màu”; thi “Mỗi tuần một cuốn sách”…

Sau thời gian tạm dừng đến trường, học sinh quay trở lại học, để đảm bảo công tác phòng chống dịch, nhà trường cũng không tập trung học sinh để tổ chức các hoạt động tập thể mà thay bằng các hình thức tuyên truyền, phát động học sinh tham gia các cuộc thi trực tuyến…

“Những hình thức này rất sinh động, hấp dẫn đã thu hút, lôi cuốn được học sinh, tạo cho các em một môi trường vui chơi, giải trí lành mạnh, hướng các em tới mục tiêu “Học mà chơi - chơi mà học”. Có thể nói, việc lồng ghép giáo dục lịch sử, đạo đức ngay trong tiết chào cờ thực sự đem lại hiệu quả trong rèn luyện nhân cách, giá trị sống cho tuổi trẻ học đường”- cô Châm chia sẻ.

Ngành Giáo dục quận Hai Bà Trưng (Hà Nội) xác định, trách nhiệm giáo dục đạo đức học sinh trong nhà trường thuộc về tất cả cán bộ, giáo viên. Mỗi nhà trường cần xác định nội dung, quyết định các hình thức, phân công điều hành cho các thành viên trong nhà trường. Sinh hoạt dưới cờ là một diễn đàn thuận lợi cho thực hiện nhiệm vụ giáo dục đạo đức, nhân cách học sinh. Việc đầu tư, sử dụng, khai thác tốt diễn đàn này sẽ góp phần tích cực trong việc giáo dục toàn diện học sinh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ông Trần Quí Thanh lãnh 8 năm tù.

Ông Trần Quí Thanh bị phạt 8 năm tù

GD&TĐ - Sáng 25/4, TAND TPHCM tuyên phạt 8 năm tù đối với bị cáo Trần Quí Thanh (Chủ tịch Tân Hiệp Phát) về tội "Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản".
Minh họa/INT

Khơi nước gần dập lửa xa

GD&TĐ - Iran đã bước vào giai đoạn xung khắc mang bản chất mới với Mỹ và Israel nên càng cần yên bình ở phía biên giới chung với Pakistan.