Giáo dục đạo đức lối sống cho học sinh từ hoạt động trải nghiệm chuyên đề bổ ích

GD&TĐ - Để giáo dục đạo đức lối sống cho học sinh, ngành Giáo dục Ba Đình (Hà Nội) triển khai hiệu quả các phong trào thi đua "dạy tốt, học tốt", đồng thời đa dạng hoạt động trải nghiệm, chuyên đề bổ ích...

Học sinh trường THCS Giảng Võ chia sẻ tại chương trình "Điều em muốn nói".
Học sinh trường THCS Giảng Võ chia sẻ tại chương trình "Điều em muốn nói".

Bồi dưỡng phẩm chất tốt đẹp

Chia sẻ với báo GD&TĐ, cô Tô Thị Hải Yến - Hiệu trường THCS Giảng Võ (quận Ba Đình) cho biết, năm học 2021- 2022 là năm học đặc biệt với nhiều khó khăn bởi dịch Covid-19 song với sự nỗ lực cố gắng, sáng tạo của thầy và trò trường THCS Giảng Võ đã đạt những thành tích đáng tự hào.

Tiêu biểu là kì thi học sinh giỏi cấp Thành phố các môn văn hóa và khoa học khối 9 có 11 giải Nhất - Kết quả cao nhất trong nhiều năm qua.

Cô Yến nhấn mạnh, để đạt được mục tiêu giáo dục toàn diện cho học sinh cả về kiến thức, năng lực, phẩm chất, nhà trường đã tổ chức nhiều hoạt động phong phú nhằm nâng cao hiệu quả giáo dục đạo đức và lối sống.

"Diễn đàn “Điều em muốn nói”, Ngày hội trải nghiệm với chủ đề “Nguồn cội: Lưu kí ức - Viết tương lai” đã tạo ra sân chơi cho các con sau những giờ học tập căng thẳng, giúp trau dồi vốn sống, gắn kết học sinh, giáo viên, phụ huynh trong toàn trường… hướng đến sự cân bằng, bình đẳng và chung sống tôn trọng. Đó là những hoạt động thiết thực trong công tác giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh...", cô Yến nhấn mạnh.

Đơn cử, tại ngày hội trải nghiệm mang chủ đề “Nguồn cội - Lưu ký ức, Viết tương lai” là một hoạt động trải nghiệm bổ ích để các em được vui chơi, thư giãn, sau quá trình học tập, thi cử. Nó còn giúp các em  hiểu rõ hơn về mái trường của mình với những giai đoạn xây dựng và phát triển...

Học sinh trường THCS Giảng Võ hào hứng tham gia các trò chơi và hoạt động của Ngày hội "Nguồn cội - Lưu ký ức, Viết tương lai".
Học sinh trường THCS Giảng Võ hào hứng tham gia các trò chơi và hoạt động của Ngày hội "Nguồn cội - Lưu ký ức, Viết tương lai".

Nói về ngày hội trải nghiệm, cô Tô Thị Hải Yến cho biết, các em học sinh khối 6,7,8 gần như đã hoàn thiện chương trình của năm học 2021-2022. Đây là thời điểm mà các em cần có các hoạt động vui chơi giải trí sau thời gian học tập vất vả.

“Đến với ngày hội các em hãy trải nghiệm từng hoạt động để tự cảm nhận được ý nghĩa và sự cần thiết của các hoạt động giải trí sau giờ học.

Qua đây, các em sẽ tìm được câu trả lời cho câu hỏi vì sao trong hành trình cuộc đời của mỗi một con người những kí ức tuổi thơ cứ tươi đẹp mãi và luôn gắn bó với hình ảnh thầy cô, mái trường và bè bạn...”, cô Yến bày tỏ.

Theo cô Yến, dù thầy, cô đang rất bận ôn luyện cho học sinh khối 9 thi vào THPT và hoàn thiện hồ sơ, sổ điểm, học bạ để khép lại năm học. Thế nhưng, nhà trường vẫn cố gắng để các em có ngày hội trải nghiệm  bổ ích.

Không chỉ đối với học sinh, trường THCS Giảng Võ tổ chức tập huấn “Đưa giá trị sống vào lớp học” cho giáo viên chủ nhiệm.

Buổi tập huấn với những nội dung ý nghĩa và thiết thực cho thầy cô giáo chủ nhiệm các khối 6,7,8,9 về giá trị sống và vận dụng đưa giá trị sống vào lớp học. 

Tập huấn có ý nghĩa thiết thực trong công tác giáo dục học sinh bởi bên cạnh việc cung cấp cho các thầy cô giáo kiến thức nền cơ bản về giá trị sống và giáo dục giá trị sống, nhận thức rõ vai trò của mình trong giáo dục.

Đặc biệt hơn cả, buổi tập huấn giúp các thầy cô có những hình dung cụ thể về cách thức xây dựng một giáo án giáo dục giá trị sống cho học sinh.

Còn tại trường Tiểu học Phan Chu Trinh (quận Ba Đình), mới đây (27/5) đã diễn ra Lễ phát động “Tháng hành động vì trẻ em”, triển khai các hoạt động hè năm 2022, tặng quà cho trẻ em nhân dịp 1/6 góp phần công tác giáo dục đạo đức lối sống cho các em học sinh. 

Lễ phát động giúp học sinh lan tỏa sự quan tâm, sẻ chia trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, hoàn cảnh đặc biệt lại càng có ý nghĩa sâu sắc, thể hiện tính nhân văn cao đẹp và bản chất tốt đẹp của dân tộc ta.

Cô Hoàng Thị Lan Hương - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Phan Chu Trinh nhấn mạnh "Tháng hành động vì trẻ em” năm 2022 của phường Điện Biên là một việc làm thiết thực và ý nghĩa nhằm thu hút sự quan tâm của toàn xã hội chung tay bảo vệ trẻ em. Qua đó, góp phần giáo dục đạo đức lối sống, bồi đắp tình yêu thương cho học sinh.

Nhân rộng các mô hình tiên tiến

Tại trường THCS Hoàng Hoa Thám (quận Ba Đình), Liên đội trường THCS Hoàng Hoa Thám đã thực hiện chuyên đề "Xây dựng tình bạn đẹp, nói không với bạo lực học đường" nhằm lan tỏa thông điệp ý nghĩa và hành động đẹp.

Chương trình thực hiện nhằm giúp cho các em đội viên, nhi đồng của liên đội có những hiểu biết đúng đắn chan hòa với mọi người, bạn bè xung quanh và rèn luyện bản thân qua các hoạt động. 

Qua đó, giúp học sinh hiểu thế nào là bạo lực học đường, được cùng chia sẻ về tình bạn. Đồng thời, giúp học sinh thấy được tình bạn thật trân quý biết bao. 

Chia sẻ với báo GD&TĐ, ông Lê Đức Thuận– Trưởng phòng GD&ĐT quận Ba Đình (Hà Nội) cho biết, ngành giáo dục Ba Đình có nhiều biện pháp hiệu quả, phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường, gia đình và các cơ quan chức năng trong việc quản lý, giáo dục đạo đức lối sống cho học sinh.

Hoạt động tặng quà cho học sinh dịp 1/6 tại trường Tiểu học Phan Chu Trinh.
Hoạt động tặng quà cho học sinh dịp 1/6 tại trường Tiểu học Phan Chu Trinh.

“Công tác giáo dục an toàn giao thông, phòng chống bạo lực học đường, tác hại của các trò chơi trực tuyến có nội dung bạo lực, không lành mạnh được quan tâm, chỉ đạo và tổ chức thực hiện tốt…”, ông Thuận nhấn mạnh.

"Thực hiện Chương trình “Tăng cường giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống và khơi dậy khát vọng cống hiến cho thanh niên, thiếu niên, nhi đồng giai đoạn 2021-2030” của Thủ tướng Chính phủ, ngành Giáo dục Ba Đình triển khai đa dạng hoá nội dung, phương pháp giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức lối sống cho học sinh. 

Đổi mới công tác tuyên truyền, tổ chức các hoạt động tư vấn tâm lý, giáo dục kỹ năng sống, giá trị sống, văn hoá ứng xử cho học sinh.

Đồng thời, chỉ đạo các nhà trường phối hợp với các bậc phụ huynh, chính quyền địa phương tổ chức hiệu quả các phong trào hành động của Đoàn, Hội, Đội trong và ngoài nhà trường.

Bên cạnh đó là nhân rộng các mô hình tiên tiến, những việc làm tốt để khơi dậy khát vọng cống hiến cho thanh niên, thiếu niên, nhi đồng...  xây dựng thế hệ trẻ có đủ năng lực, phẩm chất, đáp ứng yêu cầu hội nhập của đất nước trong thời kỳ mới...", ông Thuận cho biết thêm.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tỷ lệ sinh tại Nam Á bắt đầu giảm.

Phụ nữ Nam Á ngại… sinh con

GD&TĐ - Ngày càng nhiều phụ nữ tại Nam Á không muốn sinh con vì những lý do như tài chính, trách nhiệm gia đình, thậm chí là lo sợ về ngày 'tận thế'.