“Siêu nhân” săn học bổng

GD&TĐ - Trong thời gian tạm dừng đến trường để phòng chống dịch Covid-19, nhiều học sinh đã tranh thủ trau dồi các kỹ năng SAT, IELTS và săn hàng tỉ đồng học bổng của các trường đại học nước ngoài.

Nguyễn Yến Lan - học sinh lớp 12 Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam.
Nguyễn Yến Lan - học sinh lớp 12 Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam.

Giành học bổng của đại học số 1 thế giới

Tại Kỳ thi Olympic Vật lý châu Á năm nay, Nguyễn Mạnh Quân - học sinh Trường THPT chuyên Hà Nội, Amsterdam xuất sắc giành Huy chương Vàng cùng danh hiệu thí sinh xuất sắc nhất cuộc thi. Không những thế, Quân còn hoàn thành các chứng chỉ SAT để nhận bổng trị giá gần 260.000 USD tương đương 6 tỷ đồng của MIT, trường đại học hàng đầu nước Mỹ.

Là học sinh lớp chuyên Vật lý nhưng Quân đồng thời học rất giỏi các môn Toán, Hóa học, Tiếng Anh, đoạt nhiều huy chương, giải thưởng. Năm 2018, Quân là thí sinh xuất sắc nhất Kỳ thi Olympic Khoa học trẻ quốc tế IJSO. Năm 2019, Quân tham gia Kỳ thi Olympic quốc tế Thiên văn học và Vật lý thiên văn, giành Huy chương Vàng và là thí sinh cao điểm nhất.

Ước mơ của Quân là trở thành nhà khoa học và mong muốn được học ở những ngôi trường hàng đầu, một trong số đó là MIT. Để vào được MIT, nhất thiết phải trải qua SAT - bài kiểm tra đánh giá năng lực chuẩn hóa được sử dụng rộng rãi cho xét tuyển vào các trường đại học trong hệ thống giáo dục Mỹ.

Năm 2019, Quân đăng ký học khóa ôn luyện SAT và thi đạt 1.510/1.600 điểm. Dù thành tích khá tốt nhưng Quân chưa hài lòng, quyết định tự học thêm vài tháng để cải thiện kết quả. Nửa năm sau, Quân giành điểm tuyệt đối 1.600 trước sự ngưỡng mộ của nhiều người. Cùng năm đó, Quân thi IELTS và nhận kết quả 8.0.

Làm nhiều việc một lúc và đều muốn duy trì kết quả tốt, Quân thừa nhận từng gặp khó khăn trong việc cân bằng, giữ cho bản thân trong trạng thái tinh thần tốt. Điều này khiến Quân nảy ra đề tài cho bài luận chính trong hồ sơ ứng tuyển vào MIT. “Em đã viết về quá trình tìm hiểu về bản thân, làm sao để làm những điều mình muốn và giữ cân bằng cuộc sống”, Quân chia sẻ.

Trong bài luận, Quân kể về những hoạt động thường ngày như đạp xe, học Muay Thái và thể hiện những khía cạnh khác của bản thân để hội đồng tuyển sinh thấy em không chỉ biết học. Đề tài nghe có vẻ đơn giản, gần gũi, nhưng Quân đã mất gần nửa năm để hoàn thành bài luận.

Sau khi nộp hồ sơ vào tháng 11/2020, Quân bắt đầu luyện tập phỏng vấn. Quân cho biết: MIT và nhiều đại học tốp đầu của Mỹ thường tổ chức một buổi phỏng vấn online giữa giảng viên hoặc cựu sinh viên với ứng viên xin học bổng. Nội dung phỏng vấn xoay quanh hiểu biết của ứng viên về ngành dự định theo học, lý do chọn trường.

Thời điểm chờ phỏng vấn, Quân đang ôn luyện để thi học sinh giỏi quốc gia. Ngoài giờ học trên lớp, em tự luyện tập phỏng vấn ở nhà hoặc tranh thủ nhờ cố vấn đóng vai giám khảo. Thời gian của những buổi tập từng bước được kéo dài nhờ phản xạ nhanh nhạy và những câu chuyện mà Quân kể.

Một buổi sáng sớm giữa tháng 3, Quân nhận tin nhắn chúc mừng từ MIT khi trường đồng ý hỗ trợ học bổng hơn 64.000 USD mỗi năm. Ngoài MIT, em cũng trúng tuyển Đại học Princeton, trường đại học cũng nằm trong tốp đầu tại Mỹ. Quân cho rằng, trong bất kỳ hồ sơ du học nào, cần một mặt nổi bật hơn, khiến mình trở nên khác biệt.

Nguyễn Mạnh Quân - siêu nhân Trường Ams.
Nguyễn Mạnh Quân - siêu nhân Trường Ams.        

Hoa khôi “ẵm” học bổng 7 tỉ đồng

Không đạt được những thành tích nổi trội trong các cuộc thi quốc tế như bạn cùng trường nhưng Nguyễn Yến Lan, học sinh lớp 12 chuyên Anh lại đến với suất học bổng gần 7 tỉ đồng của Trường Đại học Pennsylvania bởi kiến thức ở nhiều lĩnh vực quan trọng cùng thành tích ngoại khóa tương đối tốt.

Trong quá trình học tập, nữ sinh Trường Ams từng đoạt giải Nhất thành phố Hà Nội môn Tiếng Anh và có thành tích ngoại khóa tương đối tốt. Em là Bí thư Chi đoàn, Trưởng ban truyền thông của câu lạc bộ khoa học, phó chủ tịch câu lạc bộ văn hoá, thành viên câu lạc bộ thời trang, lọt tốp 20 cuộc thi Đại sứ AmsAmbassador 2020.

Không những thế, trong hồ sơ, Nguyễn Yến Lan còn có kinh nghiệm kinh doanh khi từng thực tập tại công ty về ứng dụng học tiếng Anh, Toán, Tiếng Việt cho trẻ em. Qua hai tháng thực tập, Lan đúc kết kinh nghiệm, có thêm nhiều mối quan hệ và được quản lý tín nhiệm viết thư giới thiệu gửi các trường.

Sở hữu bảng thành tích đáng nể song hành trình vào ngôi trường danh giá hàng đầu thế giới không đơn giản do Yến Lan thiếu các giải thưởng quốc tế. “Em từng được Trường Đại học Vanderbilt mời tham dự chương trình Talented Youths nhưng chương trình đã không thể diễn ra do dịch Covid-19. Em cũng rất buồn khi kỳ thi Robot quốc tế tại Australia không thể tổ chức dù đội tuyển của em đã chuẩn bị rất kỹ” - Yến Lan cho biết.

Với khát khao ghi danh vào ngôi trường mong ước, Yến Lan quyết định viết thư thể hiện hy vọng được học ở trường. Trong thư, em một lần nữa nói về lý do chọn ngành và chọn trường. Em chia sẻ thêm về việc tự học tâm lý, triết học bằng tiếng Anh qua các khóa học trên mạng và sách báo. Ngoài thư, Lan còn làm video dài hơn 2 phút để giới thiệu bản thân, mong trường nhìn nhận kỹ hơn.

Việc không bỏ cuộc giữa chừng, cố gắng thuyết phục nhà tuyển sinh đã giúp Yến Lan trúng tuyển Đại học Pennsylvania danh giá cùng 7 trường đại học tốp đầu của Mỹ. Yến Lan dự định sẽ lên đường du học vào tháng 8 tới đây. Cô lạc quan về khả năng dịch bệnh Covid-19 sớm được kiểm soát và đang dành quãng thời gian mùa hè để học nấu ăn, làm đẹp, chuẩn bị tâm thế tự tin nhất khi đến với xứ sở cờ hoa.

Yến Lan chuẩn bị cho việc du học từ năm lớp 10, bắt đầu từ việc đăng ký ôn luyện SAT, đây cũng là việc khó nhất trong quá trình làm hồ sơ ứng tuyển vào các trường ở Mỹ. Lần thi SAT đầu tiên, Yến Lan đạt 1.470 điểm và nâng lên 1.540 điểm trong lần thi thứ 2. Ngoài ra, Lan đã đạt điểm tuyệt đối 800/800 SAT II và 8.0 IELTS ngay trong lần thi đầu tiên.
Ngành Giáo dục triển khai thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Cán bộ Trung đội 11 (Đại đội 4, Tiểu đoàn 1, Trung đoàn 48, Sư đoàn 3-Sao Vàng, Quân khu 1) hướng dẫn chiến sĩ mới cách đặt mũ. Ảnh: Lê Quang Hội

Màu xanh áo lính

GD&TĐ - Ngày còn trong quân ngũ, tôi thường nhận được những cánh thư tay của bạn bè, người thân gửi đến.