Đây có lẽ cũng là câu chuyện của nhiều bạn trẻ hiện nay – đứng trước cánh cửa cuộc đời với nhiều sự lựa chọn, rủi ro nhưng cũng có vô vàn cơ hội nếu bạn có bản lĩnh.
"Mình, từng có những ước mơ liễu lĩnh. Từ hồi cấp 3 học ở trường THPT chuyên Hà Nội – Amsterdam, mình đã khao khát được sang Mỹ du học.
Mình luôn ưa những chuyến phiêu lưu và muốn làm một điều gì đó để mở mang tầm hiểu biết của bản thân. Hồi học lớp 12, mình đã từng tự nghi ngờ bản thân.
Mình từng luôn nghĩ những người đi du học đều có thành tích rất cao, nghiên cứu khoa học nhiều, tiếng Anh giỏi. Còn mình chỉ là một người bình thường, không quá thông minh, nhà không giàu cũng sẽ không thể là “con nhà người ta” đâu”…
Mặc dù đã có thời gian tự hạn chế khả năng của bản thân trong suốt 3 năm cấp 3, lên đại học, mình quyết định đây chính là lúc để thay đổi.
“Mình đã 18 tuổi rồi, nếu mình có ước mơ, thì đây chính là lúc mình cần cố gắng hết sức để nắm lấy cơ hội của chính mình”. Sự lựa chọn cố gắng hết sức theo đuổi mục tiêu đã giúp mình đỗ vào khoảng 10 loại học bổng khác nhau.
Mình thấy rất vui vì ngày đó mình đã bước ra khỏi vùng an toàn, đã “lơ” đi những câu nói bảo mình rằng mình sẽ không làm được đâu. Đó là những tâm sự của Vũ Phương – cô gái 23 tuổi hiện đang là nghiên cứu sinh tiến sĩ tại Mỹ.
Dưới đây là chia sẻ về trải nghiệm vượt qua chính vùng an toàn bản thân của nữ du học sinh 9X:
Nỗi sợ sự mạo hiểm và thử thách bản thân
Mình đã từng cảm thấy thế giới này thật bất công: Tại sao họ có thể mua máy tính, điện thoại xịn? Tại sao có những người có đủ điều kiện để theo học những lớp học đắt tiền? T
ại sao họ muốn làm gì là gia đình có thể đáp ứng một cách vô điều kiện? Tại sao có những người muốn ra nước ngoài là có thể ra nước ngoài? Muốn khởi nghiệp là có thể khởi nghiệp? Chỉ vì họ sinh ra trong gia đình giàu có, khá giả rồi sao?
Bố mẹ bảo mình lười học, đầu tư vào cũng chả hiệu quả, nên bố mẹ không cho tiền đi học thêm. Mình tự dùng học bổng khuyến khích học tập của trường (6 triệu đồng/ học kì) để đi học thêm tiếng Anh, đi thi TOEFL.
Mình muốn được học chỗ học tiếng Anh xịn nhất Hà Nội nên đã vay bố mẹ 20 triệu đồng để đi học, hứa sẽ trả ngay sau khi có việc làm đầu tiên. Tài khoản ngân hàng của mình cách đây 1 năm hoàn toàn trống trơn.
Lúc sang Mỹ làm nghiên cứu khoa học năm 2018, những lúc nghèo nhất, tài khoản chỉ có 20 đô, mình lại gọi điện vay chị gái lúc ấy đang ở Mỹ. Mình không biết bao giờ mới có tiền để trả khoản nợ hơn 100 triệu đồng mà mình đã vay để học tiếng Anh và trang trải chi phí ở Mỹ nữa.
Còn cả áp lực tinh thần khi sáng chiều lên phòng thí nghiệm làm nghiên cứu, tối về vừa học GRE, vừa hoàn thành khóa luận, vừa xin Tiến sĩ khiến mình thường xuyên bị mất ngủ suốt 2 tháng.
Tại sao nhiều người lại có thể vô tư ra nước ngoài du học, sinh sống, du lịch khắp nơi, sắm hàng hiệu còn mình thì không? Sự ngờ vực này đã từng xuất hiện trong tâm trí mình vô số lần.
Mình cảm thấy thế giới này thật bất công bằng. Mình cảm giác rằng thành công dường như là độc quyền của người có tiền. Người ta thành công vì nhà người ta có tiền. Bạn có nghĩ như vậy không?
Thế nhưng, sau nhiều lần đỗ học bổng, không khiến bố mẹ phải chi một đồng nào cho việc sang nước ngoài, mình phát hiện ra rằng, việc không ngừng oán trách thế giới này và hợp lý hóa sự thành công của người khác không giúp bạn học được gì.
Phê phán người khác không khiến bạn trở nên tốt hơn. Ngược lại khiến bạn rơi vào vòng xoáy của sự tiêu cực, không có tiền bằng với định kiến không thể thành công.
Mình không sinh ra đã giàu. Nhưng mình biết rằng nếu mình chọn cách cố gắng chạy thật nhanh, mình sẽ tìm thấy cơ hội của mình, chứ không mặc định đó đã là bi kịch, không bỏ cuộc, không chấp nhận số phận của mình.
Sự lựa chọn của bạn quyết định việc bạn sẽ trở thành một người như thế nào. Mình lựa chọn chuyên tâm vào việc làm thế nào để khiến mình trưởng thành, làm thế nào để giải quyết mọi vấn đề khó khăn bằng sức mạnh bản thân.
Hay thậm chí là hòa đồng với những kiểu người khác nhau, với những người có hoàn cảnh khác với mình. Thay thế sự bài bác bằng sự đồng cảm.
Muốn học hỏi, hãy đọc nhiều sách, nói chuyện với những người phía trên, đi học thêm.
Muốn đi mở mang tầm mắt, hãy đi du học, xin học bổng.
Muốn giàu có, hãy chăm chỉ học hỏi và làm việc, không ngừng tìm kiếm cơ hội xung quanh.
Sự lựa chọn này giúp mình thành công có tên trong danh sách nghiên cứu sinh bậc Tiến sĩ ở trường đại học top 10 thế giới về khối ngành STEM ngay sau khi tốt nghiệp đại học, giúp mình có một gia đình hạnh phúc với người chồng ở đây.
Hoàn thành ước nguyện du học mà không tiêu tốn một đồng tiền nào của cha mẹ. Đồng thời giúp mình trả hết tất cả những món nợ học phí bằng chính sức lực của mình vào năm 23 tuổi.
Không chỉ vậy, mình còn có thể góp một chút nhỏ cho các dự án xã hội, cũng như từ thiện cá nhân.
Xuất thân sẽ không quyết định việc bạn trở thành một người như thế nào. Chỉ có chính bạn mới có thể quyết định bạn là ai.
Cuộc đời giống như một cuộc chạy đua marathon, những người thắng ở vạch xuất phát chưa chắc đã có thể chạy đến đích cuối cùng.
21 tuổi mình sang Mỹ 5 tuần, 22 tuổi mình sang Mỹ 5 tháng, 23 tuổi mình sẽ ở Mỹ 5 năm. Nếu hồi ấy mình nghĩ YSEALI là một thành công lớn nhất, hay nếu hiện tại mình thấy học Tiến sĩ là to tát và dừng lại ở đó, thì quả là sai lầm. Mình hiểu cuộc đời này là một cuộc chạy đua đường dài đầy thử thách ý chí và nghị lực.
Đừng chỉ vì sự ổn định nhất thời mà không dám dang rộng đôi cánh bay cao và bay xa. Đừng tham những đồng tiền chớp nhoáng mà bỏ lỡ cơ hội trưởng thành, bước đi trên một con đường gian khổ chắc chắn sẽ khiến bạn trở thành một con người kiên cường và nghị lực hơn rất nhiều.
Những người chạy được đến đích cuối cùng thường không phải là những người thừa thắng xông lên ngay từ đầu, cũng không phải là những người nhìn trước ngó sau chỉ quan tâm tới đối thủ.
Mà ngược lại những người giành chiến thắng sẽ luôn là những người biết quan tâm tới bước chân, nhịp thở cũng như tốc độ tiến bước của mình.
Mình tin là bất kì ai, dù sinh ra trong gia đình nghèo hay giàu, xấu hay đẹp, tài cao hay thấp, cũng sẽ gặp được những cơ hội, thành công, nếu có sự lựa chọn đúng đắn và quyết tâm hết mình vì nó.
Bởi vì thế giới này thực ra rất công bằng.
Thông tin về Vũ Anh Phương
- Sinh năm 1996 tại Hà Nội
- Cựu học sinh trường THPT Hà Nội – Amsterdam, lớp chuyên Sinh khóa 11-14
- Hiện là nghiên cứu sinh bậc Tiến sĩ, khoa Thực vật học, trường ĐH Purdue University, Mỹ
Thành tích học tập và ngoại khóa:
- Học bổng tiến sĩ toàn phần của trường Purdue University, Mỹ (xếp top 10 thế giới về khối ngành STEM) trị giá 6.7 tỷ cho 5 năm học.
- Học bổng toàn phần YSEALI Academic Fellowship của Bộ Ngoại giao Mỹ trị giá 280 triệu đồng cho 5 tuần tham dự tại Hawaii, California, và Washington DC
- Nhận học bổng Visiting Scholarship của đại học University of Missouri, Mỹ trị giá 345 triệu đồng cho 5 tháng làm nghiên cứu khoa học tại Missouri, Mỹ
- Học bổng toàn phần SEED Scholarship của Chính phủ Canada
- Đại biểu Việt Nam tại chương trình AFMAM (ASEAN Foundation’s Model ASEAN Meeting) tại Singapore
- Đại biểu Việt Nam tại chương trình International Student Summit tại Đài Loan
- Học bổng Kovalevskaia Scholarship từ Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam
- Danh hiệu Sinh viên xuất sắc do Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam trao tặng
- Giấy khen từ Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam do những đóng góp xuất sắc về phong trào đoàn hội sinh viên