Sếu đầu đỏ được coi là biểu tượng của Tràm Chim (Đồng Tháp) và là một trong những yếu tố giúp Vườn quốc gia này trở thành khu đất ngập nước (ramsar) thứ 2.000 thế giới vào cuối năm 2012.
Tuy nhiên, số lượng loài tại đây ngày càng suy giảm. Nếu như trước đây, sếu về Tràm Chim ước tính lên đến 60% số lượng sếu di cư, thì nay chỉ còn vài chục cá thể. Năm 2002, Tràm Chim chỉ đón 11 con sếu, 10 năm sau chỉ 13 cá thể về đây.
Sếu đầu đỏ (grus antigone sharpii) là loài cao nhất trong số loài chim biết bay. Chúng được xem là loài chim chung thủy nhất, chỉ kết đôi một lần trong đời. Khi một con mất đi, con còn lại thậm chí còn "tuyệt thực" để theo bạn đời.
Sinh cảnh sống của loài là đầm lầy, các vùng nước nông và vùng đất ngập nước. Chúng có thể ăn thức ăn thô thường gặp tại đầm lầy và vùng nước nông như rễ, củ cây, côn trùng, động vật giáp xác và một số loài thú có vú nhỏ.
Theo giới bảo tồn, hoạt động khai hoang, lấn đất của con người đã thu hẹp sinh cảnh sống và hạn chế thức ăn của sếu - là mối đe dọa lớn nhất đối với loài và dần đẩy chúng ra khỏi Việt Nam. Trong ảnh, người dân thu hoạch cá trong Vườn quốc gia Tràm Chim.
Ngoài ra việc buôn bán bất hợp pháp trứng, chim non và chim trưởng thành hoặc săn bắt trứng và sếu làm thức ăn cũng khiến loài ngày càng suy giảm.
Không chỉ Tràm Chim, sếu đầu đỏ từng xuất hiện ở Làng Sen (Long An), với số lượng rất ít, chỉ 7 cá thể vào năm 2008, sau đó tăng thêm nhưng đến năm 2013 thì không còn.
Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên quốc tế (WW) cho biết, khi rời Tràm Chim, sếu từng ghé Hòn Chông (Kiên Giang) với số lượng 336 con (năm 2001). Ngay năm sau đó, các hoạt động du lịch và nuôi tôm ở đây bùng nổ, khiến sếu về chỉ còn 15 con vào năm 2007. Bỏ Hòn Chông, sếu lại qua Phú Mỹ (Kiên Giang). Năm 2009, tại đây đón 152 con. Tuy nhiên tình trạng tương tự cũng diễn ra như ở Hòn Chông, nên từ năm 2010 trở về đây, số lượng sếu đầu đỏ trở về Phú Mỹ cũng chỉ lẻ tẻ vài nhóm nhỏ.
Sinh cảnh không phù hợp ở Việt Nam buộc loài sếu đi tìm nơi dừng chân khác. Khu bảo tồn Anlung Pring (Campuchia) - cách biên giới Kiên Giang khoảng 30 km đang trở thành "nhà" của chúng. Ban đầu người dân địa phương chỉ thấy khoảng 20 con đến kiếm ăn vào năm 2001, đến nay luôn dao động 200-300 con.
Để giữ chân loài sếu, Việt Nam và các tổ chức đã thực hiện nhiều dự án bảo tồn và phục hồi sinh cảnh đất ngập nước ở Tràm Chim, Làng Sen, Kiên Lương. Tháng 3/2016, Vườn quốc gia Tràm Chim và Hội sếu quốc tế (ICF) ghi nhận một cá thể sếu đầu đỏ được đeo vòng giám sát cách đây 18 năm đưa cả gia đình quay lại Tràm Chim.
Những chiếc thuyền chạy bằng năng lượng mặt trời không gây tiếng ồn và ô nhiễm được WWF trang bị cho Vườn quốc gia Tràm Chim trong các hoạt động du lịch, dần thay thế tàu động cơ xăng/dầu.