Sẽ không còn là quý và hiếm

GD&TĐ - Việc từ chức thể hiện tinh thần trách nhiệm trước Đảng, trước nhân dân khi không đủ điều kiện, không đủ khả năng để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ...

Thay mặt Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vừa ký ban hành Nghị quyết 28, Hội nghị lần thứ 6, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng đối với hệ thống chính trị trong giai đoạn mới.

Theo đó, Nghị quyết đặt mục tiêu tạo chuyển biến mạnh mẽ, thực chất trong đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hệ thống chính trị, bảo đảm hiệu quả, thiết thực, sát thực tiễn, đáp ứng yêu cầu lãnh đạo toàn diện của Đảng trong giai đoạn mới...

Đặc biệt, Nghị quyết nhấn mạnh việc khuyến khích cán bộ từ chức khi có khuyết điểm; kịp thời thay thế cán bộ bị kỷ luật, cán bộ năng lực hạn chế, uy tín giảm sút mà không chờ hết nhiệm kỳ, hết thời hạn bổ nhiệm. Kiên trì thực hiện “có vào, có ra, có lên, có xuống” trong công tác cán bộ.

Tổ chức thực hiện nghiêm kết luận của Bộ Chính trị về chủ trương bố trí công tác đối với cán bộ sau khi bị kỷ luật, góp phần bảo đảm kỷ cương, củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên, nhân dân đối với Đảng và chế độ.

Trước đó, Thông báo số 20 của Bộ Chính trị cũng đã thể hiện quyết tâm xây dựng đội ngũ cán bộ trong sạch, liêm chính khi khuyến khích cán bộ bị kỷ luật, năng lực hạn chế, uy tín giảm sút tự nguyện xin từ chức - bởi có rất ít trường hợp sau khi bị kỷ luật hay hạn chế về năng lực và uy tín xin từ chức.

Thực tế, có một bộ phận cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” nên yêu cầu đặt ra là cần kịp thời thay thế, không cần chờ hết nhiệm kỳ và thời hạn bổ nhiệm để công tác cán bộ thực sự “có vào, có ra, có lên, có xuống”.

Vậy nhưng như phân tích của một chuyên gia thì lâu nay nhận thức về vấn đề này chưa thật đúng, suy nghĩ nặng về chức quyền cho nên chưa thành nếp. Một cán bộ đã không hoàn thành nhiệm vụ, mất uy tín, vi phạm khuyết điểm đến mức kỷ luật, mà còn giữ cương vị lãnh đạo quản lý thì rất khó điều hành công việc, khó cho bản thân cán bộ đó, mà còn khó cho cả cấp dưới, đặc biệt là khó cho tổ chức...

Ý kiến khác cũng cho rằng, nếu cán bộ thấy năng lực hạn chế, uy tín giảm sút nên từ chức. Điều này một mặt thể hiện sự dũng cảm, tự trọng của người đảng viên. Mặt khác, việc từ chức còn thể hiện tinh thần trách nhiệm trước Đảng, trước nhân dân khi không đủ điều kiện, không đủ khả năng để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ...

Việc khuyến khích cán bộ từ chức khi có khuyết điểm; kịp thời thay thế cán bộ bị kỷ luật, cán bộ năng lực hạn chế, uy tín giảm sút mà không chờ hết nhiệm kỳ, hết thời hạn bổ nhiệm là quyết định đúng đắn. Thế nhưng trong quá trình thực hiện phải công tâm, khách quan, kiên trì, không nể nang, né tránh. Không để xảy ra tình trạng, cùng hành vi vi phạm, mức kỷ luật mà người này từ chức, còn người kia lại không.

Đặc biệt, khi chưa thành tiền lệ, chưa hình thành được văn hóa từ chức thì không nên chỉ dựa vào ý thức tự giác, của cán bộ mà phải có sự vào cuộc của cấp ủy, của cơ quan làm công tác tổ chức cán bộ - để việc này trở thành đợt sinh hoạt thường xuyên trong Đảng, trong hệ thống chính trị; hình thành nếp quen, bình thường trong xã hội về “văn hóa từ chức”. Để việc từ chức của cán bộ không còn là quý và hiếm.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ