Trong đơn xin từ chức, ông Đoàn Ngọc Hải viết: "Sau khi nhận công tác tại đơn vị mới, tôi nhận thấy không có trình độ chuyên môn về ngành xây dựng, không phù hợp với năng lực, sở trường chuyên môn được đào tạo và quá trình công tác, thì không thể làm tốt công việc này được. Nếu tôi miễn cưỡng phải nhận nhiệm vụ trái với sở trường, chuyên môn và tâm huyết thì có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng do không có chuyên môn”.
Có thể nói rằng, đây là quyết định dũng cảm của ông Hải, là việc làm đáng khen ngợi hơn là chê trách và cần phải xem đây là việc hết sức bình thường trong công tác quản lý nhà nước hiện nay.
Việc từ chức ở các nước trên thế giới rất phổ biến, nó là văn hoá của những người làm việc trong bộ máy nhà nước. Người từ chức chỉ vì một câu nói hớ, hay điều hành kém,…thì họ sẵn sàng từ chức khi sự tín nhiệm của công chúng dành cho mình không còn. Họ lựa chọn từ chức có thể có nhiều lý do nhưng đa số là có tính toán kỹ lưỡng trong hoạt động chính trị của mình.
Từ chức xét ở góc độ trách nhiệm, có thể nguyên nhân lãnh đạo, chỉ đạo điều hành để xảy ra những vi phạm, tiêu cực; hay không có năng lực lãnh đạo, sức khỏe không đảm bảo hoặc uy tín giảm sút do đời sống, sinh hoạt của cá nhân không lành mạnh...thì họ sẽ mạnh dạn từ chức để nhường cho những cá nhân khác hơn mình lãnh đạo. Việc từ chức đó là ý thức của một cá nhân tự soi xét lại mình nếu không còn đủ uy tín và khả năng để tiếp tục lãnh đạo thì chủ động từ chức.
Có nhiều trường hợp, người lãnh đạo trong quá trình công tác có vi phạm, tiêu cực thì sớm muộn cũng bị cấp trên cách chức thì chẳng thà từ chức trước khi bị cách chức sẽ bảo toàn được chút "uy tín" để chuyển công tác nhằm đề bạt vào các chức vụ khác.
Việc không hoàn thành nhiệm vụ hay quản lý yếu kém để xảy ra tiêu cực thì chuyện từ chức nó là đương nhiên. Từ chức có nhiều mặt tích cực như củng cố uy tín, làm trong sạch bộ máy, nâng cao năng lực quản lý…của cơ quan, tổ chức. Tuy nhiên, cần phải loại trừ những trường hợp, người từ chức với mục đích nhằm trốn tránh việc điều tra, truy tố, xét xử các vụ việc có liên quan đến tiêu cực, tham nhũng.
Một vấn đề đặt ra có liên quan đến việc từ chức, đó là vấn đề sắp xếp, bố trí công tác cho người từ chức, cho họ nghỉ việc hay bố trí công tác khác. Có thể chuyển công tác sang cơ quan khác được hay không? Hoặc sau khi từ chức thì phải xuống làm nhân viên trong cùng một cơ quan đó hay nghỉ hưu sớm mặc dù chưa đến tuổi nghỉ hưu....
Thiết nghĩ, việc từ chức cần được xem là chuyện đương nhiên trong công tác cải cách nền công vụ ở nước ta, người từ chức là người có ý thức trách nhiệm đối với nhà nước và nhân dân. Nhưng việc bố trí, sắp xếp cán bộ sau khi từ chức cần thiết phải có văn bản quy phạm pháp luật để điều chỉnh vừa có tình, vừa có lý để động viên, khuyến khích việc từ chức./.