Khi phần lớn thế giới đẩy nhanh các kế hoạch khử cacbon, phát triển tiềm năng năng lượng tái tạo để thoát khỏi nhiên liệu hóa thạch, Riyadh bị cho là đang làm tăng sự phụ thuộc một cách giả tạo của các quốc gia nghèo vào xăng dầu và tìm cách gia tăng nguồn thu của mình, ấn phẩm chuyên ngành OilPrice nói rõ.
Trong khi các nhà xuất khẩu lớn như UAE và Saudi Arabia công bố những bản kế hoạch năng lượng sạch đầy tham vọng, họ cũng không hề giấu giếm sự thật rằng sẽ tiếp tục đẩy mạnh các chương trình dầu khí của mình trong nhiều thập kỷ tới.
Để đạt được những mục tiêu đầy tham vọng này, các nhà sản xuất và xuất khẩu xăng dầu không ngần ngại sử dụng bất kỳ phương pháp nào.
Một cuộc điều tra gần đây đã tiết lộ rằng Saudi Arabia có kế hoạch thúc đẩy nhu cầu dầu toàn cầu một cách giả tạo tại các thị trường trọng điểm, đặt ra một loạt "câu hỏi về đạo đức" về tương lai của năng lượng toàn cầu.
Chính phủ Saudi Arabia đang tìm cách để thế giới tiếp tục phụ thuộc lâu dài vào dầu mỏ. |
Một cuộc điều tra gần đây của Trung tâm nghiên cứu khí hậu cho thấy các quan chức của Chương trình bền vững dầu mỏ (OSP) đã thừa nhận nỗ lực của chính phủ Saudi Arabia nhằm thúc đẩy nhu cầu ở châu Phi và châu Á đối với các sản phẩm xăng, dầu và dầu diesel, như một phần trong kế hoạch do Bộ Năng lượng của Vương quốc Trung Đông này vạch ra.
Kế hoạch này bao gồm việc thành lập một đội tàu hiện diện ngoài khơi châu Phi, sử dụng nhiên liệu nặng để tạo ra điện.
Các công nghệ đang được phát triển xoay quanh máy bay thương mại siêu thanh cũng sẽ cần lượng xăng dầu nhiều hơn khoảng ba lần so với việc di chuyển bằng đường hàng không thông thường.
Không chỉ có vậy, Riyadh còn lên kế hoạch tăng số lượng ô tô sử dụng động cơ đốt trong tại thị trường châu Á và châu Phi nhằm tăng nhu cầu về nhiên liệu.
Trong khi đó, các quan chức cho biết họ đang tìm cách phản đối các ưu đãi và trợ cấp thị trường cho xe điện ở cấp độ toàn cầu, mục đích chính là duy trì sự phụ thuộc quốc tế vào nhiên liệu hóa thạch, đặc biệt là tại các thị trường mới nổi như châu Phi.
Những bản kế hoạch như vậy nhận được sự ủng hộ của Thái tử Saudi Arabia - ông Mohammed bin Salman.
Điều này có nghĩa là ít nhất họ sẽ cố gắng thực hiện thử nghiệm, bất kể nó tốn kém hay tham vọng đến mức nào, thậm chí có thể tiêu cực về mặt đạo đức.
Saudi Arabia liên tục cắt giảm sản lượng khai thác để dầu thô giữ được mức giá cao. |