Trong các mặt hàng nông, lâm, thủy sản nước ta, rau quả có mức tăng trưởng xuất khẩu cao nhất từ đầu năm đến nay.
Chỉ trong 7 tháng, kim ngạch xuất khẩu rau quả đã đạt hơn 3,25 tỷ USD, tăng 68,8% so với cùng kỳ và vượt con số 3,16 tỷ USD của cả năm 2022.
Yếu tố dẫn đến sự bùng nổ này là do thị trường Trung Quốc mở cửa trở lại. Các Nghị định thư kiểm dịch thực vật đã ký kết giữa hai nước, mở cánh cửa xuất khẩu chính ngạch cho sầu riêng, chuối, măng cụt…, cùng với hàng nghìn vùng trồng, cơ sở đóng gói được cấp mã số xuất khẩu đã giúp xuất khẩu rau quả thuận lợi hơn rất nhiều.
Trong top 10 thị trường xuất khẩu rau quả lớn nhất của Việt Nam, Trung Quốc dẫn đầu với gần 65,8% thị phần. Xuất khẩu rau quả sang Trung Quốc trong 6 tháng đầu năm đạt 1,76 tỷ USD, tăng 121,9% so với cùng kỳ năm 2022.
Đi cùng với tin vui là nỗi lo. Mới đây, Bộ NN&PTNT nhận được một số thông báo của Tổng cục Hải quan Trung Quốc (GACC) liên quan đến vi phạm yêu cầu về kiểm dịch thực vật của các lô hàng chuối, mít, xoài, nhãn, thanh long và sầu riêng xuất khẩu từ Việt Nam sang thị trường Trung Quốc.
Trong khi Trung Quốc ngày càng nâng cao rào cản kỹ thuật, buộc Việt Nam phải tuân thủ, thì nhiều địa phương, tổ chức và cá nhân chỉ mới tập trung mở rộng số lượng diện tích vùng trồng và cơ sở đóng gói mà chưa quan tâm đúng mức đến công tác kiểm tra, giám sát nhằm bảo đảm tuân thủ yêu cầu của nước nhập khẩu.
Sự buông lỏng này sẽ dẫn đến tình trạng kiểm soát không hiệu quả các đối tượng kiểm dịch thực vật mà nước nhập khẩu quan tâm và làm gia tăng số lượng các lô hàng vi phạm quy định của Trung Quốc.
Kéo theo đó, phía Trung Quốc và nước nhập khẩu có thể áp dụng các biện pháp kiểm soát nghiêm ngặt hơn, thậm chí tạm ngừng nhập khẩu một hoặc toàn bộ mặt hàng nông sản Việt Nam. Hậu quả lúc này không thể đong đếm hết!
Bộ NN&PTNT sẽ tạm dừng sử dụng các mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói vi phạm quy định kiểm dịch thực vật theo thông báo từ phía Trung Quốc để điều tra nguyên nhân để áp dụng biện pháp khắc phục phù hợp.
Tuy nhiên, để tránh xảy ra tình huống xấu hơn, các tỉnh, thành phố cần bố trí đủ nguồn lực để thực hiện việc kiểm tra và giám sát các vùng trồng và cơ sở đóng gói đã được cấp mã số.
Đồng thời, tăng cường tuyên truyền và phổ biến rộng rãi quy định của bạn cũng như tài liệu hướng dẫn kỹ thuật từ Cục Bảo vệ thực vật để tổ chức và cá nhân tham gia sản xuất và xuất khẩu sang Trung Quốc biết và tuân thủ.
Các tỉnh, thành phố có cửa khẩu xuất khẩu cũng cần chỉ đạo các cơ quan chức năng liên quan phối hợp với cơ quan kiểm dịch thực vật tại cửa khẩu kiểm tra chặt chẽ hàng hóa theo quy định của Trung Quốc và các nước nhập khẩu.
Mở cửa thị trường nông sản đã khó, giữ thị trường còn khó hơn nhưng là việc tất cả các bên liên quan phải làm, bởi phía sau là kế mưu sinh của hàng triệu nông dân.