Các chuyên gia cho rằng, ngành rau quả nhiều khả năng hướng tới một kỷ lục mới, khi chỉ trong quý I/2018 xuất khẩu rau quả đã mang về 934 triệu USD, tăng khoảng 34% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu tăng trưởng ấn tượng trên rất cần một cách làm bài bản, bám quy hoạch, đảm bảo an toàn thực phẩm...
Cần tiếp tục nâng cao giá trị xuất khẩu
Theo số liệu thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, hiện diện tích canh tác rau quả của cả nước những năm qua liên tục tăng, đặc biệt là tại Đồng bằng sông Hồng và sông Cửu Long. Thống kê cho thấy, 15 loại trái cây có diện tích lớn nhất hiện chiếm khoảng 86% tổng diện tích. Trong đó, dẫn đầu là chuối với 138.000ha, tiếp đến là xoài, nhãn, thanh long, cam, vải, vú sữa... (mỗi loại có diện tích từ 50.000 - 80.000ha).
Cùng với diện tích tăng, năng suất bình quân của các loại cây ăn quả cũng không ngừng được cải thiện, hiện đã đạt khoảng 10 tấn/ha. Rau quả xuất khẩu của Việt Nam đã đến được với thị trường của hơn 60 quốc gia và vùng lãnh thổ. Đặc biệt lần đầu tiên sau nhiều năm đàm phán, nhiều loại trái cây của Việt Nam như: Vú sữa, thanh long đã có “visa” vào Mỹ, chanh leo vào EU, xoài xuất đi Australia... Sự đi lên của ngành rau quả đang đóng góp quan trọng cho sự phát triển của nền nông nghiệp Việt Nam hiện nay.
Mặc dù quy mô sản xuất và năng suất đang ngày một tăng lên, nhưng giá trị xuất khẩu rau quả của Việt Nam hiện nay vẫn còn khá khiêm tốn. Nguyên nhân được các chuyên gia chỉ ra là do một số loại trái cây như: Bưởi, thanh long, xoài, vải, rau quả... của Việt Nam hiện vẫn chủ yếu xuất khẩu dưới dạng thô. Chưa ứng dụng kịp thời công nghệ sơ chế, bảo quản, chế biến tiên tiến nên đã ảnh hưởng nhiều đến chất lượng. Đặc biệt, một số thị trường khó tính đã đưa ra những rào cản kỹ thuật khá khắt khe, phần nào khiến nhiều loại rau quả của Việt Nam không thể tiếp cận. Cùng với đó, thị trường rau quả thường xuyên biến động do thương lái vẫn nắm quyền điều tiết cũng đã phần nào làm giảm giá trị.
Mở rộng thị trường
Theo nhận định của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hiệp Quốc (FAO), thị trường rau quả toàn cầu có thể tăng trưởng 8 - 9% trong giai đoạn 2017 - 2020. Đây được xem là một cơ hội lớn đối với ngành xuất khẩu rau quả của Việt Nam. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, chúng ta có thể nắm bắt được thời cơ này hay không, lại là vấn đề khác cần sự quan tâm của các cấp, ngành.
Các chuyên gia cho rằng, để duy trì tốc độ tăng trưởng như thời gian qua thì ngành rau quả cần phải gia tăng chất lượng sản phẩm trái cây thông qua việc đẩy mạnh hoạt động chế biến. Bởi hiện cả nước đang có 145 cơ sở chế biến rau quả quy mô công nghiệp với tổng công suất 800.000 tấn/năm. Tuy nhiên, tình trạng thiếu nguyên liệu, khiến công suất hoạt động của các nhà máy chỉ đạt khoảng 50%.
Được biết, hiện Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đang khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư đổi mới thiết bị, dây chuyền công nghệ. Cùng với đó là đa dạng các sản phẩm chế biến, tăng cường chế biến sâu nông sản như đông lạnh, đóng hộp, sấy... Bên cạnh nâng cao chất lượng nông sản xuất khẩu, việc mở rộng thị trường cũng là vấn đề được chú trọng. Đồng thời, các cấp, bộ ngành cần tiếp tục tăng cường công tác xúc tiến thương mại, cập nhật thông tin về nhu cầu cũng như những điều kiện về nhập khẩu của những thị trường tiềm năng. Từ đó, thúc đẩy đàm phán, tiến tới mở rộng thị trường và chủng loại rau quả xuất khẩu...
Để rau quả của Việt Nam tiếp tục khẳng định chỗ đứng trên thị trường xuất khẩu, các chuyên gia cho rằng, thời gian tới, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cần tiếp tục chỉ đạo tổ chức lại sản xuất trên cơ sở rà soát quy hoạch, đánh giá lợi thế, tiềm năng của từng vùng miền, địa phương, tiến tới xây dựng cơ cấu sản phẩm phù hợp với nhu cầu thị trường và thích ứng biến đổi khí hậu. Đặc biệt cần phải thúc đẩy phát triển các chuỗi giá trị nông sản nhằm đáp ứng những yêu cầu khắt khe về hàng rào kỹ thuật của các thị trường nhập khẩu.