(GD&TĐ) - Những ngôi sao nhí được sinh ra tự nhiên, hồn hậu như tuổi thơ của các em vậy. Mọi chuyện sẽ rất đẹp nếu người lớn không khoác lên đôi vai nhỏ nhắn của các em vầng hào quang sáng chói, hướng các em đi theo con đường... không phù hợp với tuổi thơ.
Cả thế giới vừa chứng kiến kết quả bình chọn giải Nobel Hòa bình 2013 và không ít người có cảm giác hụt hẫng khi nữ sinh 16 tuổi người Pakistan Malala Yousafzai không đoạt giải.
Số là trước khi Ủy ban Nobel công bố kết quả bình chọn, Malala Yousafzai đứng đầu danh sách các ứng viên đoạt giải năm nay. Các bài viết tố cáo Taliban của Malala Yousafzai được dịch và đăng lại trên các tờ báo và tạp chí danh tiếng trên thế giới, tạo thành làn sóng truyền thông hùng mạnh buộc Taliban phải mở lại các trường học dành cho các em nữ trong khu vực do họ kiểm soát.
Phát súng tội lỗi và độc ác của Taliban năm ngoái chẳng những không giết được cô mà ngược lại, làm cho tên tuổi Malala nổi như cồn.
Malala Yousafzai đã vinh dự được Nữ hoàng Anh mời đến diện kiến tại điện Buckingham, được tạp chí Time bình chọn là Nhân vật của năm 2012 và được Liên hiệp châu Âu trao giải Nhân quyền Sakharov. Một cô gái còn rất trẻ đã dũng cảm tố cáo hành động tàn nhẫn của Taliban là điều đáng ghi nhận.
Tuy nhiên, Malala Yousafzai “chưa đủ tuổi” để nhận giải thưởng danh giá - giải Nobel Hòa bình mặc dù giải thưởng này không bị giới hạn về tuổi tác.
Ông Kristian Berg Harpviken - Giám đốc Viện Nghiên cứu Hòa bình Oslo (PRIO) thừa nhận Malala là người đứng đầu danh sách bầu chọn nhưng vấn đề ở đây là… tuổi tác. Một cô gái vẫn còn trẻ người non dạ, lại phải đặt lên vai mình gánh nặng của một giải thưởng lớn, vì cô phải mang theo danh hiệu người đoạt giải Nobel suốt cả cuộc đời, và đó là một nhiệm vụ hết sức khó khăn- Kristian Berg Harpviken lý giải.
Có thể có ai đó không đồng tình với cách lý giải của Kristian Berg Harpviken nhưng thực sự nó để lại cho chúng ta nhiều suy ngẫm. Ánh hào quang của giải Nobel có thể làm thay đổi cuộc đời của người nhận giải, nhưng mặt trái của tấm huân chương cao quý đó thực sự là gánh nặng khủng khiếp. Từ đời tư, sinh hoạt, phát ngôn của những người đoạt giải Nobel đều bị săm soi rồi thêu dệt. Người đoạt giải chỉ cần lỡ miệng một chút có thể mất hết thanh danh.
Ở Việt Nam, những người đoạt các loại giải thưởng đều không nằm ngoài quy luật nghiệt ngã - “mặt trái của tấm huân chương”. Xin lấy trường hợp Phương Mỹ Chi - người đoạt giải trong cuộc thi Giọng hát Việt nhí vừa qua làm ví dụ. Sau chiến thắng là không ít scandal bị báo chí phanh phui.
Nào là Phương Mỹ Chi dường như lơ là học tập, chạy show từ Nam ra Bắc; nào là gia đình Phương Mỹ Chi “hét giá” 600 triệu cho 10 ca khúc, 5.000 USD cho một sự kiện và 30 triệu cho một chương trình… Ai đó có thể đã đưa em vào những tình huống khó xử ấy.
Vừa đoạt Á khoa trong cuộc thi Giọng hát Việt nhí nhưng nghe đâu Phương Mỹ Chi đã có khá nhiều “fan” và được tung hô với cái tên đầy cung kính - Chị Bảy (!?) Phương Mỹ Chi “hot” đến nỗi, khi ca sĩ Quang Lê nhận làm người đỡ đầu cho em cũng bị dính vào nghi án “ăn theo”...
Có thể nói, ánh hào quang của sao nhí Phương Mỹ Chi đang rực sáng trên bầu trời âm nhạc nước nhà. Em rất đáng yêu, rất hồn nhiên và không hề có lỗi gì trong chuyện này. Người lớn đang có lỗi với em (?!).
Để tạo nên ánh hào quang ấy, ngoài giọng hát trời phú của “Chị Bảy” là không ít đòn tung hô của báo chí, của dư luận và của chính khán thính giả. Một cô bé mới có 10 tuổi, lứa tuổi ngây thơ, trong sáng đã bị đẩy lên mây xanh rồi vùi xuống địa ngục bằng những đồn đoán “bỏ học”, “chạy show kiếm tiền”, “hét giá”… có nên không?
Chẳng cần viện dẫn những cân nhắc của Ủy ban Nobel Hòa bình đối với Malala Yousafzai mà chỉ cần nhìn cách hành xử của bầu Đức với các cầu thủ “con cưng” U-19 của mình cũng có thể ngộ ra nhiều điều. Sau màn trình diễn ấn tượng của U-19 Việt Nam mà nòng cốt là các cầu thủ của Học viện HAGL Arsenal JMG tại giải U-19 Đông Nam Á 2013 và vòng loại U-19 châu Á 2014, bầu Đức nghiêm cấm các cầu thủ tiếp xúc với báo chí và… nhận tiền thưởng của LĐBĐ Việt Nam.
Không phải ngẫu nhiên mà ông Đức đối xử với các “con cưng” của mình như vậy. Trong lịch sử bóng đá Việt Nam, không ít những ngôi sao vừa vụt sáng đã lụi tàn bởi những cám dỗ khó cưỡng. Theo ông Đức, các cầu thủ cần chăm lo học tập, chơi bóng và đừng bao giờ ví mình như một ngôi sao.
Làm ngôi sao không dễ, nhất là với các em ở lứa tuổi còn rất trẻ. Hãy biết chăm lo đúng cách cho những ngôi sao nhí bởi tương lai của các em là cả đoạn đường dài đầy rẫy những thách thức đang ở phía trước.
Thụy Anh