Sáng tạo trong tuyên dương

GD&TĐ - Hôm 6/12, 367 học sinh tiêu biểu, xuất sắc nhất các trường trên địa bàn Thừa Thiên - Huế được lãnh đạo tỉnh tuyên dương “Học sinh danh dự toàn trường” tại di tích Quốc Tử Giám triều Nguyễn.

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Buổi lễ này có 3 chi tiết đáng chú ý.

Trước hết, đây là lần đầu tiên Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế trao thưởng danh hiệu này và mỗi trường chỉ có 1 học sinh được tuyên dương. Trong số 367 học sinh đạt danh hiệu “Học sinh danh dự toàn trường” đợt đầu tiên này, có 37 học sinh thuộc khối THPT, 130 học sinh khối THCS, 200 học sinh tiểu học.

Đây là những học sinh có nhiều đóng góp trong công tác Đoàn, Đội và các phong trào học sinh; thực hiện nhiều việc làm trong phong trào “Người tốt việc tốt”; có hoàn cảnh khó khăn hoặc có khiếm khuyết về thể chất nhưng biết vượt qua để học tập tốt; đoạt giải cao trong các kỳ thi, cuộc thi về chuyên môn, thể dục thể thao, văn hóa, văn nghệ hoặc có đề tài nghiên cứu khoa học, sáng kiến được ứng dụng vào thực tế mang lại lợi ích cho cộng đồng, xã hội.

Các em là những tấm gương sáng về năng lực, phẩm chất và tất cả các hoạt động để học sinh toàn trường noi theo. 

Thứ hai, lễ tuyên dương được tổ chức ở di tích Quốc Tử Giám triều Nguyễn. Đây là trường đại học duy nhất thời phong kiến còn tồn tại trên đất nước ta, là di tích lịch sử, văn hóa độc đáo, có giá trị cao, biểu tượng cho sự học của vùng đất học từng là kinh đô của đất nước.

Trong suốt thời gian tồn tại, Quốc Tử Giám góp phần không nhỏ trong việc đào tạo nhân tài cho đất nước. Trong số hơn 500 vị tiến sĩ, phó bảng của triều Nguyễn, có không ít vị đã từng dùi mài kinh sử tại ngôi trường này.

Thứ ba, tại lễ vinh danh, Chủ tịch tỉnh, Giám đốc Sở GD&ĐT cùng toàn bộ giáo viên, học sinh đều mặc quốc phục - áo dài ngũ thân truyền thống - tạo nên những hình ảnh hết sức trang trọng và ấn tượng.

Ba chi tiết này cho thấy, nhiều “ý tứ” của những người tổ chức. Buổi lễ không chỉ nhằm vinh danh học sinh có thành tích xuất sắc, qua đó khuyến khích sự học và trọng dụng người tài! Những người tổ chức dường như coi đây là một cơ hội quý để giới thiệu cho học sinh về di tích Quốc Tử Giám, về tà áo dài truyền thống Việt Nam.

Cách giáo dục “trực quan sinh động” như vậy chắc chắn sẽ mang lại hiệu quả cao hơn rất nhiều so với các bài giảng! Mặc áo dài ngũ thân truyền thống đứng giữa nơi được coi như biểu tượng cho sự học của vùng đất học từng là kinh đô của đất nước, điều ấy sẽ thôi thúc – một cách mạnh mẽ hơn tất thảy - lòng tự hào, trách nhiệm trong học tập, rèn luyện của mỗi học sinh.

Mong rằng cách giáo dục trực quan như Thừa Thiên - Huế đã làm sẽ là một bài học không kém phần sinh động để các địa phương, cơ sở khác học tập và phát huy thêm nhiều cách làm mới hơn để không chỉ học sinh mà cả người dân cảm nhận và hiểu những giá trị mà giáo dục mang lại.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.