Sáng kiến nhỏ, lợi ích lớn

GD&TĐ - Những ngày này, thầy và trò Trường THCS Trần Khánh Dư (TP Kon Tum) luôn rộn niềm vui vì lần đầu tiên có 2 học sinh khối 9 đạt giải nhì và ba (không có giải nhất) trong Cuộc thi sáng tạo khoa học kỹ thuật cấp tỉnh năm 2015. 

Sản phẩm khóa nước phao bi được giới thiệu trong chương trình trưng bày sản phẩm sáng tạo trong ngành GD&ĐT năm 2015
Sản phẩm khóa nước phao bi được giới thiệu trong chương trình trưng bày sản phẩm sáng tạo trong ngành GD&ĐT năm 2015

Đó là hai em Phan Chí Thuận đạt giải nhì với sản phẩm “Khóa nước phao bi” và em Y Da Di đạt giải ba với sản phẩm “Thiết bị nhổ cây cầm tay”.  Đây là cuộc thi dành cho lứa tuổi thanh thiếu niên, nhi đồng do Sở GD&ĐT tổ chức. 

An toàn, tiện dụng 

Cô Nguyễn Vũ Lĩnh Chi – giáo viên bộ môn vật lý đã hướng dẫn Thuận chọn lĩnh vực kỹ thuật điện cơ và cơ khí vào sáng tạo thành phẩm “Khóa nước phao bi”- chia sẻ: Những tiết học lý thuyết về trọng lực, lực đẩy Ácsimét, Thuận luôn làm bài tập thực hành rất tốt. Thỉnh thoảng, việc lắp ráp hệ thống nước sinh hoạt trong gia đình của em bị trục trặc, Thuận tự mua các loại ống nhựa về xử lý. 

Nhà Thuận vốn sử dụng nước bồn đặt ở trên cao đến hơn 4 mét có khóa nước để bơm nước lên trên bồn. Từ nguồn nước này đổ qua hệ thống làm nóng bằng năng lượng mặt trời, sau đó chiết ra các đường dẫn nước sinh hoạt. 

Tuy nhiên, sau thời gian quan sát, Thuận thấy bất lợi của việc làm bồn chứa nước cao hơn bình nước nóng lạnh không đảm bảo an toàn. Đặc biệt khá nguy hiểm, khi gặp mưa bão, hoặc lâu ngày chân giá đỡ bồn bằng sắt bị rỉ sét, dễ xảy ra sự cố ngã đổ. Và ý tưởng tạo ra “khóa nước phao bi” được em chuyển đến cô giáo Lĩnh Chi từ đó. 

Thuận cho biết: Ở nhà, em đã thuyết phục ba mẹ hạ thấp bồn nước ngang bằng hệ thống bình nước nóng năng lượng mặt trời. Cùng đó, em tự nghiên cứu mua 1 ống khóa nước phao cơ và 1 khóa nước tay gạt, lắp kết nối giữa bồn chứa nước và hệ thống bình nước nóng năng lượng trên. 

Theo đó, cách thức hoạt động dưới sức hút trọng lực, phao nước hạ xuống mở khóa, nước máy sẽ chảy vào bình chứa nước nóng năng lượng mặt trời (cao hơn, hoặc ngang bằng bồn chứa nước), cho đến khi nước tràn đầy và sau đó dòng nước máy tiếp tục chạy vào bồn chứa nước. Khi nước trong bồn dâng lên, lực đẩy Ácsimét đẩy phao di chuyển lên, khóa nước đóng lại. 

Quy trình hoạt động của sản phẩm này đã được cô Chi và em Thuận thuyết phục 4 gia đình khác cùng sử dụng, kết quả cho nhiều khả quan khi tiết kiệm kinh phí xây lắp bảo vệ thân bồn 3-5 triệu đồng, mà còn đảm bảo độ cao an toàn, tiện dụng, không tăng đột ngột áp suất thủy tĩnh của nước di chuyển nhanh, mạnh vào hệ thống bình nước nóng năng lượng như các thiết bị bơm lắp đặt sẵn ngoài thị trường dễ gây vỡ các ống làm nóng nguồn nước.

Sản phẩm Nhổ cây cầm tay được giới thiệu trong chương trình trưng bày sản phẩm sáng tạo GD&ĐT năm 2015
Sản phẩm Nhổ cây cầm tay được giới thiệu trong chương trình trưng bày sản phẩm sáng tạo GD&ĐT năm 2015  

Giảm công sức khi thu hoạch mì 

Bên cạnh sản phẩm của Chí Thuận, thì Y Da Di đã được thầy giáo Trần Đình Thụy hướng dẫn làm thiết bị “Nhổ cây cầm tay”. 

Được biết, Di là học sinh nữ, học khá ở các môn học trong lớp. Em ham học hỏi, thường xuyên đặt câu hỏi ngược thật khó cho các giáo viên bộ môn. 

“Nhưng chính nhờ câu hỏi khó của Di: “Thầy ơi, em muốn có chiếc máy nhổ cây mì nhanh, không mỏi tay được không ạ” mà từ đó em đã đưa ra sản phẩm chưa hoàn chỉnh cánh tay đòn được làm từ thanh sắt dài gần 1 mét có gắn ở một càng cua như chiếc rọ chụp xuống để thu hoạch mì thay việc thu hoạch mì thủ công, để thầy cho ý kiến” - thầy Thụy cho biết.

Theo thầy Thụy, lúc đó sản phẩm chưa hoàn chỉnh, nên thầy đã tư vấn cho Di chọn lại vật liệu làm cánh tay đòn bằng loại thép dày thay thanh sắt để giảm sức nặng nhưng tăng lực bẩy vật cần xử lý. 

Tiếp đến, giáo viên đã gợi ý để học sinh tự sáng tạo một chiếc càng cua cũng bằng vật liệu trên tăng độ dẻo, bền với chức năng tạo gọng kìm ôm trọn cây mì; bố trí thêm một sợi dây kéo truyền lực và tay điều càng cua nhằm siết chặt cây mì để nhổ bật khỏi gốc. 

Thầy Thụy chia sẻ: Sản phẩm “Nhổ cây cầm tay” sau khi hoàn chỉnh, đã được hai thầy trò đưa vào rẫy của gia đình Di để nhổ cây mì. Quy trình sử dụng máy, người điều khiển cầm cánh tay đòn kéo dây truyền lực để di chuyển càng cua về gốc cây mì cần nhổ và ấn mạnh, càng cua sẽ siết lại, đồng thời lực đòn bẩy sẽ nhổ bật gốc cây lên. 

Theo đánh giá của ba mẹ Di, chiếc máy cầm tay này có chế tạo khá đơn giản, chỉ cần máy hàn, cắt, mài thông dụng là sử dụng ngay. Hiệu quả giảm sức lực khi thu hoạch mì trong nhiều ngày, đảm bảo an toàn, không sợ đứt chân tay như dùng cuốc, rựa, xẻng để nhổ cây mì và rẫy bằng phẳng, hay nhấp nhô đều dùng được. 

Nhận xét về hai học sinh xuất sắc Thuận và Di, các thầy cô giáo ở Trường THCS Trần Khánh Dư cho hay, đây là những học sinh chăm ngoan, có học lực khá giỏi và đam mê nghiên cứu, ứng dụng lý thuyết các môn học vật lý, sinh học, lịch sử, địa lý… vào thực tiễn cuộc sống.

Cuối tháng 2 vừa qua, tại Hội nghị trưng bày những sản phẩm sáng tạo trong giáo dục và đào tạo năm học 2014 – 2015, thầy Nguyễn Hóa – Phó Giám đốc Sở GD&ĐT - rất tâm đắc khi giới thiệu cho chúng tôi về những tác giả “nhí” có những sản phẩm khoa học mang tính ứng dụng cao, mang lại lợi ích lớn trong cuộc sống. 

Đồng thời, thầy cũng cho biết, những sản phẩm này sẽ được Ngành chọn gửi tham dự Cuộc thi sáng tạo khoa học kỹ thuật dành cho thanh, thiếu niên, nhi đồng toàn quốc năm 2015.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ