Lớp học đặc biệt
Đây được xem là những lớp học rất đặc biệt. Mỗi buổi tối, tiếng đánh vần ”ê, a" không phải là của con trẻ mà từ những người đã làm bố, làm mẹ thậm chí đã lên chức ông, bà. Học viên của lớp chủ yếu là bà con người dân tộc Dao, độ tuổi từ 29 đến 59 và đa phần là lao động chính trong các gia đình. Lớp học có tổng số 27 học viên, được tổ chức từ 19 – 22 giờ tối, mỗi tối có 4 tiết, 1 tiết tiếng Việt và 1 tiết Toán.
Mặc dù đã gần 60 tuổi, nhưng bà Sằm Thị Mụi, người dân tộc Dao, thôn Bản Lồm, xã Nam Cường, huyện Chợ Đồn hàng ngày vẫn mang theo sách bút tham gia lớp học xoá mù chữ do địa phương tổ chức.
Bà Mụi cho biết: Hằng ngày ở nhà, trông cháu, làm công việc nhà, lúc thì đi hái măng, nhặt củi trong rừng, đồng tiền 2.000 đồng hay 1.000 đồng bà không biết đọc ra con số, chỉ có thể phân biệt qua các hình vẽ trên đó, nhiều lúc bị nhầm lung tung” Từ ngày có lớp học xóa mù chữ, bà Mụi tích cực tới lớp, bà bảo phải học chữ để còn biết đọc, biết tính toán.
Còn với chị Lý Thị Coi (sn 1978), dù đã 45 tuổi nhưng chị Coi chưa từng biết chữ, việc cầm bút khó khăn hơn nhiều so với cầm cuốc làm rẫy nhưng không vì thế mà chị chán nản, bỏ lớp. Ngược lại, chị đi học khá đầy đủ.
Chị Coi chia sẻ: “Đều đặn gần 1 tháng nay, ban ngày tôi lên nương trồng trọt, đi rừng nhặt củi chiều về lo cơm nước cho gia đình, rồi tối thì đến lớp học chữ. Ngày trước, tôi không biết chữ, không thể tự đi làm giấy khai sinh cho con, những lúc con ốm phải đi bệnh viện cũng rất khó khăn vì không biết đọc. Bây giờ tôi có thể đánh vần, đọc được chữ trong sách của con, hai mẹ con có thể cùng nhau học bài, tôi còn tự viết được tên của mình nữa".
Mỗi buổi tối, tiếng đánh vần ”ê, a" không phải là của con trẻ mà từ những người đã làm bố, làm mẹ thậm chí đã lên chức ông, bà. |
Góp phần nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục xoá mù chữ vùng cao
Là người đồng hành với lớp học từ những buổi khởi đầu, cô giáo Mai Dương Liễu giáo viên trường Tiểu học Nam Cường, huyện Chợ Đồn, tỉnh Bắc Kạn, hiện đang dạy lớp xoá mù chữ tại thôn Bản Lồm, xã Nam Cường cho biết: Dạy học cho trẻ vùng cao đã khó, nhưng dạy học cho các học viên lớp xoá mù chữ tại vùng cao còn khó khăn hơn gấp nhiều lần.
Bởi các học viên đều đã cao tuổi, mắt đã kém, họ đều là người dân tộc Dao, các học viên nói tiếng kinh chưa thạo hoặc không biết nói tiếng kinh, nên khi dạy tôi cũng cố gắng học tiếng nói của người Dao, để dạy họ cho dễ hiểu. Nhưng cũng chỉ học được những từ đơn giản để tôi và học viên có thể hiểu nhau và tiếp thu nhanh hơn.
Cũng theo cô Liễu, một số học viên do công việc của gia đình nên hay nghỉ học, điều đó cũng làm ảnh hưởng đến tỷ lệ chuyên cần, một số học viên tuổi cao nên khả năng tiếp thu và nhận thức chậm hơn, nhiều học viên gia đình hộ nghèo và cận nghèo. Chính vì vậy, để có thể huy động học viên tham gia đầy đủ lớp học, các thầy cô giáo phải nỗ lực vận động, làm tốt công tác tuyên truyền, để cho học viên thấy được những giá trị, lợi ích từ việc học tập mang lại.
Cô Liễu chia sẻ: Quá trình dạy học được sự quan tâm của Ban giám hiệu nhà trường, cơ sở vật chất đảm bảo, học viên được cấp phát đầy đủ học liệu, các thầy cô tham gia giảng dạy đều đã được tập huấn, bên cạnh đó đội ngũ giáo viên trẻ, nhiệt tình luôn cố gắng hết mình với học viên. Chính vì vậy, sau gần 1 tháng triển khai, lớp học xoá mù chữ tại thôn Bảm Lồm về cơ bản luôn có đầy đủ học viên tham dự.
Mặc dù còn nhiều khó khăn, vất vả, nhưng với tình yêu nghề và tinh thần quyết tâm gieo con chữ thắp sáng bản vùng cao, các thầy cô giáo vẫn kiên trì bám trường, bám lớp với hy vọng với sự cố gắng của cả thầy và trò, chắc chắn hành trình đi tìm con chữ sẽ có kết quả tích cực, góp phần nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục xoá mù chữ trên địa bàn huyện Chợ Đồn, tỉnh Bắc Kạn.