Đi từng ngõ gõ từng nhà vận động học xoá mù chữ

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ -  Công tác xoá mù chữ luôn được xã Tri Lễ chú trọng và sử dụng nhiều hình thức để có thể vận động người dân tham gia lớp xoá mù chữ.

Học viên tham gia lớp xoá mù chữ ở xã Tri Lễ, huyện Văn Quan, tỉnh Lạng Sơn. Ảnh NVCC.
Học viên tham gia lớp xoá mù chữ ở xã Tri Lễ, huyện Văn Quan, tỉnh Lạng Sơn. Ảnh NVCC.

Đi từng ngõ, gõ từng nhà

Theo chia sẻ của bà Hoàng Thị Huệ, cán bộ văn hóa xã Tri Lễ, huyện Văn Quan, tỉnh Lạng Sơn, giáo viên dạy lớp xóa mù cho biết: “Để mở được lớp xóa mù, Đảng ủy, UBND xã, các ban mặt trận xã và các thầy cô giáo đi đến từng nhà của từng thôn để điều tra, rà soát từng người, thống kê số lượng người mù chữ. Khi đã có số liệu cụ thể, chúng tôi tổng hợp, phân loại xem thuộc loại mù chữ mức độ nào để vận động người dân ra học.

Bên cạnh đó, quá trình xây dựng lớp xoá mù chữ, chúng tôi được sự hỗ trợ rất nhiệt tình từ các trường, đặc biệt là phòng GD&ĐT huyện Văn Quan. Phòng GD&ĐT đã phân công một chuyên viên phòng phụ trách công tác xóa mù chữ".

Song song với đó, Trung tâm học tập cộng đồng xã Tri Lễ chủ động phối hợp với các đơn vị, trường học thực hiện rà soát, điều tra, mở lớp xóa mù chữ cho người dân chưa biết chữ. Thành lập tổ biên soạn kế hoạch giảng dạy đối với các môn Toán, Tiếng Việt để làm tài liệu sử dụng trong toàn huyện.

Bên cạnh những thuận lợi, bà Hoàng Thị Huệ cũng chỉ ra một số khó khăn trong quá trình triển khai như công tác đi điều tra, xác minh trình độ của từng người dân để bố trí lớp học theo từng giai đoạn; giáo trình dạy học cho lớp xóa mù chữ chưa có.

Nhiều học viên tuổi cao, là trụ cột trong gia đình ngại đi học. Tuy nhiên, chúng tôi đã linh động thời gian, linh hoạt trong phương pháp giảng dạy để tạo hứng thú cho học viên.

Đặc biệt ngoài dạy chữ viết, tính toán, học viên thường thích học tập các kiến thức như dạy cách chăm sóc cây trồng, vật nuôi, cách dạy con, rèn luyện kiến thức cho con ở tuổi dậy thì. Hay đặc biệt, cách viết các đơn từ, thủ tục hành chính.

Năm 2023, Phòng GD&ĐT Văn Quan đã mở được 8 lớp xoá mù chữ với 92 học viên tại 5 xã gồm Trấn Ninh, Tri Lễ, Liên Hội, An Sơn, Lương Năng. Sau một thời gian tổ chức dạy học, các học viên đã biết đọc, biết viết, biết tính toán. Để có được kết quả đó, chúng tôi đã huy động toàn bộ lực lượng từ giáo viên về hưu, học sinh, thanh niên, hội phụ nữ… để tham gia vào công tác xoá mù chữ.

Bà Hoàng Thị Huệ, cán bộ văn hóa xã Tri Lễ, huyện Văn Quan, tỉnh Lạng Sơn, giáo viên dạy lớp xóa mù chữ. Ảnh NVCC.

Bà Hoàng Thị Huệ, cán bộ văn hóa xã Tri Lễ, huyện Văn Quan, tỉnh Lạng Sơn, giáo viên dạy lớp xóa mù chữ. Ảnh NVCC.

Nỗ lực để xoá mù chữ

Theo thông tin từ Sở GD&ĐT tỉnh Lạng Sơn, tính đến tháng 12/2022, số người chưa biết chữ mức độ 1 trên địa bàn tỉnh là 62 người trong độ tuổi 15 – 25 chiếm 0.05%; 766 người trong độ tuổi 15 - 35 chiếm 0,27% dân số; 5665 người trong độ tuổi 15 - 60 chiếm 1,00% dân số.

Số người chưa biết chữ mức độ 2 là 102 người trong độ tuổi 15 - 25 chiếm 0,09%; 1821 người trong độ tuổi 15 - 35 chiếm 0,65%; 23354 người trong độ tuổi 15 - 60 chiếm 4,13%.

Số xã đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 1: 3/200, tỷ lệ: 1,500%; số xã đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2: 197/200, tỷ lệ 98,50%;

Số huyện, thành phố đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 1: 0/11, tỷ lệ: 0%; số huyện, thành phố đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2: 11/11, tỷ lệ: 100%; toàn tỉnh duy trì đạt chuẩn biết chữ mức độ 2.

Hiện Sở GD&ĐT đã trang bị 200 trang thông tin điện tử cho 200 trung tâm học tập cộng đồng; ban hành Quy chế hoạt động của trang thông tin điện tử lưu trữ cơ sở dữ liệu, dạy học xóa mù chữ ngành giáo dục tỉnh.

Theo thống kê của Bộ GD&ĐT, tính đến thời điểm tháng 10/2023, tỷ lệ người đạt chuẩn biết chữ mức độ 1 và đạt chuẩn biết chữ mức độ 2 tuổi từ 15-60 của cả nước lần lượt là 98,55% và 96,70%. Giai đoạn 2021-2023, cả nước đã huy động được 79.280 người ra học xoá mù chữ.

Riêng 51 tỉnh thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia 1719 đã huy động được 53.965 người ra học (chiếm 68% trong tổng số người tham gia học xoá mù chữ của cả nước). Trong đó có 33.344 người theo học lớp xoá mù giai đoạn 1 (với 27.890 học viên là người dân tộc thiểu số, chiếm 86,2%) và 21.621 người theo học lớp xoá mù chữ giai đoạn 2 (với 16.197 học viên là người dân tộc thiểu số, chiếm 74,9%).

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ