Sản xuất rượu vang từ vỏ cà phê

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Tận dụng vỏ cà phê bị loại bỏ trong quá trình chế biến, anh Nguyễn Khắc Biền và cộng sự đã sản xuất ra loại rượu vang có hương vị đặc trưng.

Anh Nguyễn Khắc Biền, Viện Khoa học công nghệ và Quản lý môi trường giới thiệu sản phẩm rượu vang lên men từ vỏ cà phê.
Anh Nguyễn Khắc Biền, Viện Khoa học công nghệ và Quản lý môi trường giới thiệu sản phẩm rượu vang lên men từ vỏ cà phê.

Tận dụng vỏ cà phê bị loại bỏ trong quá trình chế biến, anh Nguyễn Khắc Biền và cộng sự Viện Khoa học công nghệ và Quản lý môi trường, Trường Đại học Công nghiệp TPHCM, đã nghiên cứu, sản xuất ra loại rượu vang có hương vị đặc trưng.

Vỏ cà phê chứa chất phòng ngừa ung thư

Anh Nguyễn Khắc Biền là học viên của Viện Khoa học công nghệ và Quản lý môi trường. Anh cho biết, Việt Nam là nước xuất khẩu cà phê đứng thứ 2 thế giới với sản lượng 6,3 triệu tấn cà phê tươi.

Tuy nhiên, nguồn cà phê còn đang bị thất thoát và không tận dụng hết giá trị. Trong đó, 40% vỏ thịt còn lại không tạo giá trị kinh tế được coi là phụ phẩm thải bỏ (khoảng 2,5 triệu tấn/năm). Việc lãng phí vỏ cà phê vẫn là một thách thức khi chưa thể xử lý hoàn toàn, gây ô nhiễm môi trường.

Trong khi đó, vỏ cà phê có hàm lượng đường cao (14,4%), protein (10,1%) với các loại axit amin, là nguyên liệu tốt để có thể lên men, sản xuất rượu vang hoặc cồn. Hàm lượng hữu cơ trong đó cũng rất cao. Hàm lượng cellulose trong vỏ cà phê 63,2%, lignin 17,7% - hai thành phần nếu được phân hủy sẽ tạo mùn.

Ngoài ra, trong vỏ cà phê chứa polyphenol, giúp phòng ngừa ung thư, giảm nguy cơ bệnh tim mạch, tăng cường hệ miễn dịch. Nhóm đã nghiên cứu tận dụng phần chủ yếu bị thải bỏ sau khi chế biến cà phê nhân để lên men thành rượu vang.

Quy trình sản xuất rượu vang khá đơn giản. Vỏ thịt trái cà phê chín cây được thu hái và lựa chọn kỹ càng. Sau khi được xử lý, phân loại, rửa sạch và cho lên men 2 lần. Vỏ được ủ trong thiết bị chuyên dụng gỗ sồi, để tạo hương vị đặc trưng của sản phẩm. Phần bã vỏ cà phê sau khi lên men rượu vang, được ủ làm phân bón hữu cơ vi sinh.

Anh Nguyễn Khắc Biền chia sẻ, với sản phẩm rượu vang từ vỏ cà phê, người nông dân sẽ tạo ra được nhiều giá trị hơn trên một diện tích canh tác, tận dụng được phần thịt của quả cà phê.

Rượu vang từ vỏ cà phê được giới thiệu tại Techmart Công nghệ sinh học trong lĩnh vực Chế biến thực phẩm và Nông nghiệp công nghệ cao năm 2023. Theo anh Nguyễn Khắc Biền, phần lớn rượu vang trên thị trường có chứa sunfit tác động không tốt đến sức khỏe người tiêu dùng.

Nhóm sử dụng trái cây có tính axit để điều chỉnh pH trong quá trình lên men. Ngoài ra, nhóm không dùng hóa chất chứa Sulfit (SO2) ở công đoạn thanh trùng và không dùng chất bảo quản trong rượu vang thành phẩm. Bên cạnh đó, nhóm còn ứng dụng công nghệ Blockchain trong truy xuất nguồn gốc sản phẩm.

Nhiều tiềm năng ra thị trường

Rượu vang được lên men từ nguyên liệu chính là vỏ trái cà phê chín với nhiều công dụng tốt cho sức khỏe như hỗ trợ tiêu hóa, tim mạch, tăng cường tuần hoàn máu...

Việc tận dụng vỏ cà phê để làm rượu vang, không chỉ đem lại giá trị kinh tế mà còn góp phần vào bảo vệ môi trường và cải thiện đời sống của cộng đồng. Đồng thời, việc sản xuất rượu vang từ vỏ cà phê còn giúp tăng cường giá trị gia tăng của nguồn cà phê, mang lại lợi ích kinh tế cho người dân nơi đây.

PGS.TS Lê Hùng Anh, Viện trưởng Viện Khoa học công nghệ và Quản lý môi trường cho biết, ý tưởng khởi nghiệp rượu từ vỏ cà phê là một đề tài xuất sắc có tính khả thi cao, nhiều tiềm năng phát triển thành sản phẩm ra thị trường.

Viện sẵn sàng hỗ trợ về mặt chuyên môn với các sản phẩm có tiềm năng ra thị trường, kết nối chuyên gia, doanh nghiệp để hiện thực hóa các kế hoạch kinh doanh với ý tưởng có tính khả thi.

Dự án “Rượu vang cà phê Việt Nam” đã nhận được được giải Nhì của Cuộc thi “Đổi mới sáng tạo trong nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao 2023”, do Trung tâm Ươm tạo Doanh nghiệp Nông nghiệp Công nghệ cao và Sở KH&CN TPHCM phối hợp tổ chức.

Quy trình sản xuất rượu vang từ vỏ cà phê được cấp bằng độc quyền sáng chế theo đơn số 1-2023-02186 tại Cục Sở hữu trí tuệ. Công nghệ đang được giới thiệu tại Sàn giao dịch công nghệ, Sở KH&CN TPHCM.

Nhóm nghiên cứu cho biết sẽ tiếp tục mở rộng nghiên cứu của mình. Với hàm lượng đường, protein, khoáng, axit amin rất phong phú, hơn cả ngô và đậu tương, vỏ cà phê còn có thể lên men làm thức ăn gia súc giàu dinh dưỡng, lên men yếm khí sản xuất biogas cung cấp năng lượng sạch cho các dây chuyền sấy cà phê...

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ