Hiểm nguy rình rập
Huyện Nậm Nhùn được thành lập từ năm 2013, trên cơ sở tách ra từ những xã đặc biệt khó khăn của 2 huyện Sìn Hồ và Mường Tè. Với diện tích tự nhiên lớn, địa hình chia cách nhiều xã nằm cách xa trung tâm huyện đã ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế - xã hội của huyện.
Ông Vũ Tiến Hóa - Phó Chủ tịch UBND huyện Nậm Nhùn cho biết: Hiện, huyện thiếu nhiều sân chơi cho trẻ. Khu vực trung tâm huyện và 11/11 xã, thị trấn đều chưa có sân chơi tập trung cho các cháu. Trẻ chỉ có sân chơi tự tạo hoặc vui chơi trong các khuôn viên trường.
Mỗi dịp nghỉ hè, học sinh trung học cơ sở có thể phụ giúp cha mẹ làm một số công việc gia đình. Còn với trẻ học tiểu học và mầm non thường tụ tập, vui chơi quanh bản. Trong khi đó, Nậm Nhùn là địa phương có hệ thống sông suối dày đặc, thời tiết cực kỳ khắc nghiệt, nắng nóng kéo dài. Dịp hè cũng là thời gian cao điểm của mưa lũ. Không có chỗ vui chơi sẽ dẫn đến việc các em tụ tập rủ nhau xuống sông tắm mà không lường hết những hiểm nguy luôn rình rập.
Trung Chải là một trong những xã có điều kiện kinh tế khó khăn bậc nhất của huyện Nậm Nhùn. Đời sống người dân phụ thuộc chủ yếu vào sản xuất nông nghiệp. Trong những năm qua, mặc dù được sự quan tâm, đầu tư của huyện nhưng chính quyền xã vẫn loay hoay trong việc tìm lời giải cho “bài toán” tạo sân chơi cho trẻ em ngày hè.
Nậm Nó 2 là bản khó khăn nhất của xã Trung Chải. Cả bản có 48 hộ đồng bào dân tộc Mảng sinh sống. Bản chia thành 2 khu dân cư, kinh tế khó khăn cùng với nhận thức, suy nghĩ của người dân vẫn còn lạc hậu, chưa có kế hoạch hóa gia đình nên tình trạng đẻ con nhiều, sinh con thứ 3 vẫn xảy ra. Chính vì vậy, trong một bản nhỏ mà số lượng trẻ em rất nhiều. Mặt bằng không có, chỗ vui chơi cũng không, nên trong những ngày nghỉ cuối tuần, nghỉ lễ hay nghỉ hè, các em chỉ tụ tập tại thành từng nhóm nô đùa quanh bản.
Ghi nhận tại bản Nậm Sảo 2, xã Trung Chải, do mặt bằng xây dựng nhà cửa hẹp nên người dân sinh sống không tập trung. Bên cạnh đó, bản nằm ngay cạnh Quốc lộ 4H, nhiều phương tiện giao thông đi lại nên việc các em chơi tự do, không có người quản lý hết sức nguy hiểm.
Gia đình anh Giàng A Sính có 2 người con. Do thường xuyên phải đi làm nương, lên rừng nên 2 vợ chồng anh ít có thời gian quan tâm đến con cái. Việc để 2 con tự ở nhà, phải tự chơi với nhau hoặc đi sang hàng xóm để chơi với bạn bè cũng là điều mà gia đình anh lo lắng.
Gian nan tìm lời giải
Xã Nậm Hàng, huyện Nậm Nhùn mặc dù giáp ranh với thị trấn Nậm Nhùn nhưng việc tạo sân chơi cho trẻ em những dịp hè cũng là một trong những khó khăn bậc nhất với cấp ủy chính quyền. Các em khi nghỉ hè trở về gia đình, ngoài việc phụ giúp bố mẹ những công việc như: Chăn trâu, lấy củi, thu hoạch lúa, ngô… phần lớn chẳng biết làm gì vì không có sân chơi thể thao hay giải trí nào khác. Vào những ngày nắng nóng, không khó để bắt gặp các em nhỏ ra tắm suối. Trong khi phụ huynh phải lo lao động, làm việc đồng áng nên ít có thời gian quan tâm.
Vấn đề thiếu sân chơi cho trẻ em ngày hè đang là thực trạng diễn ra tại tất cả địa phương của huyện Nậm Nhùn từ nhiều năm nay. Trước khó khăn đó, Nậm Nhùn mong muốn được hỗ trợ kinh phí xây dựng các khu vui chơi công cộng. Cùng với đó là việc bảo đảm an toàn tính mạng cho trẻ em, tránh tai nạn đáng tiếc xảy ra ở mỗi dịp hè.
Ông Nguyễn Văn Kiệm - Chủ tịch UBND thị trấn Nậm Nhùn chia sẻ: Chúng tôi rất mong các cấp chính quyền quan tâm, tạo điều kiện sớm bố trí kinh phí và xây dựng các khu vui chơi trên địa bàn để các em có chỗ vui chơi, giải trí.
Ông Vũ Tiến Hóa - Phó Chủ tịch UBND huyện Nậm Nhùn cho biết thêm: Huyện đã chỉ đạo các xã tập trung tuyên truyền cho nhân dân trên địa bàn không được cho trẻ nhỏ ra sông, suối tắm khi không có người lớn đi cùng. Đồng thời, chỉ đạo các phòng GD&ĐT, Văn hóa thông tin, UBND xã, thị trấn, đoàn thanh niên chủ động thực hiện nhiệm vụ liên quan. Tổ chức các hoạt động Đoàn, Đội để thu hút và tạo sân chơi cho trẻ em.
Cùng với đó, chỉ đạo phòng GD&ĐT tạo điều kiện mở trường cho các cháu vào chơi, nhất là trường, điểm trường có khu vui chơi ngoài trời. Chỉ đạo các xã, tổ chức đoàn thể làm đồ chơi tự tạo, đơn giản, an toàn. Đẩy mạnh xã hội hóa thông qua việc kêu gọi tổ chức, cá nhân hảo tâm, ủng hộ đồ chơi.
“Chúng tôi cũng thường xuyên kêu gọi các nhà hảo tâm quyên góp để tặng áo phao cho xã, trường học, nhất là những xã khu vực lòng hồ. Về lâu dài, để tạo sân chơi cho trẻ, huyện cũng chỉ đạo đẩy mạnh quy hoạch khu vui chơi của trung tâm huyện. Đồng thời, đề nghị các xã đưa khu vui chơi vào trong quy hoạch xây dựng nông thôn mới”, ông Hóa nói.