Nhiều đề tài thiết thực của học sinh THCS
Từ việc quan sát những người khiếm thị di chuyển với gậy có những bất cập như vướng víu, cất giữ bất tiện, dễ va vào vật cản… nhóm học sinh Trần Ngô Nhật Luân, Lâm Phương Phụng (Trường THCS Phan Tây Hồ, quận Gò Vấp) đã lên ý tưởng cho đề tài Đai lưng thông minh, nhằm hỗ trợ người khiếm thị di chuyển tiện lợi, gọn nhẹ, an toàn hơn.
Các em đã vận dụng sóng âm làm phương pháp định vị giúp dò vật cản. Để làm đai lưng thông minh, học sinh sử dụng các vật liệu sẵn có trong gia đình, ứng dụng công nghệ mới của phần mềm Arduino để xây dựng và thiết kế sản phẩm. Sản phẩm giống như cái thắt lưng đeo bình thường dễ tháo gỡ, không gây vướng víu hay khó chịu.
Tương tự, từ việc thấy những người hàng xóm phơi trái cây khô giữa trời nắng dễ bị bám bụi bẩn, dễ dàng nhiễm khuẩn, phụ thuộc vào thời tiết… hai học sinh Lê Quốc Thống và Nguyễn Việt Quang (Trường THCS Hiệp Phước, huyện Nhà Bè) đã tập trung nghiên cứu chiếc máy vận dụng năng lượng mặt trời để làm khô hoa quả. Chiếc máy sử dụng nguồn năng lượng tái tạo, không gây ô nhiễm môi trường, đảm bảo an toàn cho hoa quả được sấy khô, bảo quản được lâu… Các em đã phác thảo cho chiếc máy gồm hệ thống thu nhiệt từ mặt trời, tủ sấy, ắc quy, bộ phận repay cảm biến nhiệt, đèn halogen, quạt…
Sau quá trình nghiên cứu với gần 4 tháng, các em đã cho ra sản phẩm có thể sấy thực phẩm trong nhiệt độ từ 30 - 80 độ C, công suất 500W và rất phù hợp với các hộ gia đình.
Ở lĩnh vực khác, hai học sinh Nguyễn Ngọc Trâm Anh, Trần Đoàn Khánh Vân, học sinh lớp 8A16 của Trường Chuyên Trần Đại Nghĩa đã mạnh dạn nghiên cứu tác động của mạng xã hội và xây dựng bộ cẩm nang ứng dụng hiệu quả cho HS THCS ở quận 1, TPHCM. Bộ cẩm nang có nhiều tiện ích, như thế nào là lên mạng xã hội an toàn; Cách vào các trang học tập, nghiên cứu, các trang khoa học; Sử dụng thời gian ra sao, vào mục đích gì; Mẹo sử dụng mạng xã hội an toàn và tích cực…
|
Những sản phẩm hữu ích cho cuộc sống
Từ thực tế việc nhiều cống thoát nước tại TP bị ngập rác thải sau những trận mưa lớn, gây khó khăn thậm chí là những rủi ro cho các cô chú công nhân vệ sinh thu gom rác thải ở đây, hai học sinh Trần Trương Thanh Phong, Hồ Thiên Dung, Trường THPT Trần Văn Giàu đã tập trung nghiên cứu về hệ thống chống ngập lụt “Xanh” ở TPHCM. Các em đã thiết kế và làm ra sản phẩm giúp thu gom rác, lọc rác dễ dàng sau mỗi trận mưa lớn, tích hợp ứng dụng báo khi rác đầy và có thể ngăn nước cống trào ngược với giá thành rẻ.
Cuộc thi KHKT tại TPHCM được phát động từ đầu năm học 2018 - 2019 và đã có 617 đề tài nghiên cứu khoa học tham gia đến từ 157 đơn vị, trong đó có 63 trường THPT và 94 trường THCS đăng kí dự thi cấp TP. Trải qua vòng sơ loại, 102 đề tài nghiên cứu xuất sắc nhất tiếp tục tranh tài tại vòng chung kết cấp TP và nhằm chọn ra 33 đề tài dự thi cuộc thi KHKT cấp quốc gia.
Tương tự, nhằm góp phần cải thiện môi trường xung quanh các bãi biển, hai học sinh Lê Trung Tất Đạt, Đặng Minh Trúc của Trường THPT Gia Định đã tập trung vào sản phẩm: Robot thông minh dọn rác trên biển.
Ngoài ra, tại cuộc thi, theo đánh giá của Ban tổ chức có rất nhiều đề tài được tập trung nghiên cứu công phu cũng như tính nhân văn của nó như: Kính thông minh hỗ trợ người khuyết tật chân; Thiết bị đa năng hỗ trợ hoạt động cho người bị Parkinson; Gậy thông minh cho người cao tuổi và người bị chân yếu; Thiết bị thông minh hỗ trợ bệnh nhân liệt ngón tay; Kính hỗ trợ giao tiếp cho người điếc câm…
Thầy Phạm Ngọc Tiến, Phó Trưởng phòng GD Trung học của Sở GD&ĐT TPHCM cho biết, qua nhiều năm tổ chức, cuộc thi đã thực sự trở thành sân chơi lý thú, bổ ích cho các em có niềm đam mê NCKH. Các em đã biết vận dụng kiến thức các môn học vào giải quyết những vấn đề thực tiễn, từ đó sáng tạo các sản phẩm hữu ích cho cuộc sống.