Ngài Craig Chittick - Đại sứ Australia: Sinh viên Việt Nam nằm trong nhóm xuất sắc nhất thế giới

GD&TĐ - Cuối tháng 12, lại thêm gần 30 sinh viên giành học bổng Chính phủ Australia hoàn thành khóa học ĐH, sau ĐH trở về Việt Nam. Đại sứ Australia tại Việt Nam – ngài Craig Chittick – tự hào khi thấy những con người còn có phần rụt rè trong buổi gặp gỡ trước khi du học năm xưa nay trở về đầy tự tin, bừng nhiệt huyết cống hiến cho đất nước.

Đại sứ Australia tại Việt Nam Craig Chittick trả lời phỏng vấn báo chí.
Đại sứ Australia tại Việt Nam Craig Chittick trả lời phỏng vấn báo chí.

Giáo dục – trọng tâm của quan hệ hợp tác Australia - Việt Nam

- Xin ngài cho biết hoạt động hợp tác trong lĩnh vực GD giữa Australia và Việt Nam cũng như kế hoạch của Australia để tiếp tục mở rộng quan hệ hợp tác này?

GD là trọng tâm của quan hệ hợp tác giữa Australia và Việt Nam suốt 45 năm qua. Australia và Việt Nam thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 19/2/1973.

Chỉ 1 năm sau đó, năm 1974, các suất học bổng đầu tiên đã được trao cho SV Việt Nam để theo học tại Australia. Như vậy, mối quan hệ đối tác này đã có một lịch sử lâu dài. Và cho tới nay đã có khoảng 60.000 - 70.000 SV Việt Nam đã và đang học tập tại Australia.

Học bổng và nền GD quốc tế không phải là điều duy nhất trong quan hệ hợp tác về GD giữa 2 nước. Với việc mối quan hệ hai nước được nâng lên tầm đối tác chiến lược, chúng tôi đã kí kết 2 Biên bản ghi nhớ, một với Bộ LĐ-TB&XH về GD nghề nghiệp và một với Bộ GD&ĐT về GDĐH. Chúng tôi đang hợp tác với hai Bộ trên để phát triển GD Việt Nam bởi đó là lợi ích lớn nhất từ mối quan hệ hợp tác giữa hai nước trong lĩnh vực GD.

Các trường ĐH Australia yêu thích SV Việt Nam

- Ngài đánh giá như thế nào về năng lực của SV Việt Nam theo học tại Australia?

Những SV tôi đã gặp, cả những người đang ở Việt Nam chuẩn bị đi Australia và những người đang học tập và sinh sống tại Australia, đều rất tuyệt vời. Hiệu trưởng các trường ĐH tại Australia đã nói với tôi rằng SV Việt Nam, đặc biệt là các nghiên cứu sinh, là những SV được các trường rất ưa thích, vì họ luôn hoàn thành nhiệm vụ, nỗ lực học tập, nghiên cứu, xuất bản và hoàn thành xuất sắc khóa học. Đó là điều quan trọng nhất.

Năm 2017, vượt qua nhiều đối thủ trên toàn cầu, Việt Nam là nước đứng đầu về số lượng SV nhận học bổng Endeavor. Đây là minh chứng cho thấy SV Việt Nam luôn nằm trong nhóm xuất sắc nhất thế giới và có đủ năng lực học tập cũng như thành công ở bất cứ đâu.

- Một “đặc sản” của du học Australia là việc Chính phủ Australia hỗ trợ các cựu SV trở về Việt Nam sau khi hoàn thành khóa học. Xin ngài chia sẻ đôi nét về điều này?

Tôi cho rằng, đây là điều quan trọng nhất và tôi cũng vừa mới chia sẻ điều này với các cựu SV vừa trở về từ Australia, ý nghĩalớn nhất là những gì họ làm sau khi trở về. Các cựu SV đang làm việc trong nhiều lĩnh vực chuyên môn khác nhau. Chúng tôi tiếp tục hỗ trợ họ thực hiện các hoạt động, vì đây là những người hiểu rõ nhất đâu là những việc cần làm nhất cho Việt Nam.

Do đó, chúng tôi xây dựng Quỹ Hỗ trợ cựu SV Australia để cung cấp các khoản hỗ trợ trị giá khoảng 5.000 AUD cho mỗi cựu SV hoặc họ có thể đăng ký theo nhóm để nhận được các khoản hỗ trợ lớn hơn. Các dự án đề xuất thường ở cấp độ cộng đồng hay cơ sở, liên quan đến cải thiện năng suất và an ninh nông nghiệp, bình đẳng giới, bảo vệ môi trường. hỗ trợ Việt Nam đạt những mục tiêu đặt ra

- Ngài nghĩ thế nào về đóng góp của cựu SV Australia đối với sự phát triển của Việt Nam sau khi trở về?

Đối với tôi, thách thức lớn nhất là làm thế nào để tiếp tục hỗ trợ tốt nhất cho sự phát triển của Việt Nam và giúp Việt Nam đạt được những mục tiêu của mình. Ngày ngày, tôi được gặp những con người tuyệt vời và mới đây, tôi rất tự hào khi biết rằng một cựu SV được đào tạo tại Australia đang tham gia vào quá trình sửa đổi Bộ luật Lao động để giúp Việt Nam thu được những lợi ích lớn nhất từ các hiệp định chiến lược, trong đó có CP-TPP.

- Được biết, Aus4Skill và Chính phủ Australia rất chú trọng vào việc hỗ trợ người khuyết tật. Lý do của ưu tiên này là gì, thưa ngài?

Chúng tôi cho rằng, bất kỳ ai cũng có khả năng đóng góp cho xã hội. Nếu chúng ta bỏ qua những người không được may mắn lành lặn thì chẳng khác nào chúng ta tự trói tay mình trong công cuộc phát triển kinh tế - xã hội. Do đó, ưu tiên của chúng tôi là mang lại cơ hội cho những người khuyết tật.

Khi những SV này sang học tại Australia, chúng tôi cũng có những hoạt động hỗ trợ bổ sung và thật sự lưu tâm tới hoàn cảnh riêng của từng người. Với những người phải dùng xe lăn, chúng tôi sẽ hỗ trợ để việc di chuyển được dễ dàng hơn.

Với những người khiếm thị, chúng tôi cung cấp công nghệ hỗ trợ để họ có được cơ hội thành công tốt nhất. Và qua những hỗ trợ này chúng tôi thấy rằng những người khuyết tật cũng có thể mạnh mẽ như bất kỳ ai.

Đối với tôi, đó là minh chứng thuyết phục nhất về việc những nỗ lực mà chúng tôi đang thực hiện để giúp những người khuyết tật có được cơ hội học tập và có kết quả tốt đẹp.

- Xin cảm ơn ngài về cuộc trao đổi!

SV Việt Nam là những người tuyệt vời mà chúng tôi đã có cơ hội được tiếp xúc. Họ đã và đang đóng góp rất lớn cho sự phát triển của Việt Nam. Chúng tôi tự hào rằng một trong số các Bộ trưởng của Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng là cựu SV Australia, tốt nghiệp Trường ĐH Sydney, cùng trường với tôi. Những SV Việt Nam học tại Australia đều là những người rất đặc biệt.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Nền tảng cho giai đoạn phát triển mới

GD&TĐ - Năm 2025 là năm về đích của kế hoạch phát triển KTXH giai đoạn 2021 - 2025 nên mục tiêu về tốc độ tăng trưởng được Chính phủ đặt ra khá cao.