Sách giáo khoa môn Giáo dục thể chất: Bước tiến mới

GD&TĐ - Theo PGS.TS  Đặng Văn Dũng - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Thể dục Thể thao Bắc Ninh, việc có bộ SGK về giáo dục thể chất là bước tiến mới.

Sinh viên Trường ĐH Thể dục Thể thao Bắc Ninh.
Sinh viên Trường ĐH Thể dục Thể thao Bắc Ninh.

SGK về giáo dục thể chất là cơ sở đảm bảo cho việc thực hiện tốt nội dung giáo dục thể chất trong các trường phổ thông. Tài liệu này sẽ giúp cho giáo viên tham khảo để soạn giáo án giảng dạy. Học sinh cũng có thể nắm được nội dung chương trình để có thể tự rèn luyện và tham gia các hoạt động thể thao ngoại khóa ngoài nhà trường.

Tuy nhiên, PGS.TS Đặng Văn Dũng cho rằng, SGK chỉ là tài liệu giúp giáo viên thực hiện tốt chương trình môn học giáo dục thể chất trong các trường phổ thông. Còn việc nâng cao vị thế môn học này phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác như: vấn đề nhận thức về vị trí, vai trò của môn học, sự quan tâm của xã hội, cũng như sự đầu tư về cơ sở vật chất cho hoạt động giáo dục thể chất trong trường phổ thông….

Trong hệ thống giáo dục phổ thông hiện nay, môn giáo dục thể chất là môn học bắt buộc, được thực hiện từ lớp 1 đến lớp 12 (Theo thông tư số 32/2018/TT-BGĐT ngày 26/12/2018 của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT).

PGS.TS Đặng Văn Dũng trong buổi giao lưu trực tuyến do báo GD&TĐ tổ chức.
PGS.TS Đặng Văn Dũng trong buổi giao lưu trực tuyến do báo GD&TĐ tổ chức.

Môn Giáo dục thể chất góp phần thực hiện mục tiêu giáo dục phát triển phẩm chất và năng lực của học sinh, trọng tâm là: trang bị cho học sinh kiến thức và kỹ năng chăm sóc sức khoẻ; kiến thức và kĩ năng vận động; hình thành thói quen tập luyện, khả năng lựa chọn môn thể thao phù hợp để luyện tập nâng cao sức khoẻ, phát triển thể lực và tố chất vận động;

Trên cơ sở đó giúp học sinh có ý thức, trách nhiệm đối với sức khoẻ của bản thân, gia đình và cộng đồng, thích ứng với các điều kiện sống, sống vui vẻ, hoà đồng với mọi người.

“Theo tôi, nghề giáo nói chung và giáo viên giáo dục thể chất nói riêng đều được trân trọng. Điều quan trọng là làm sao để cho mọi người nhận thức đúng được vị trí, vai trò của giáo dục thể chất trong hệ thống giáo dục quốc dân.

Và mỗi giáo viên giáo dục thể chất phải là những tấm gương cho học sinh, đồng nghiệp trong việc rèn luyện thể chất cũng như hoạt động nghề nghiệp” - PGS.TS  Đặng Văn Dũng trao đổi. 

Một giờ học của sinh viên Trường ĐH Thể dục Thể thao Bắc Ninh.
Một giờ học của sinh viên Trường ĐH Thể dục Thể thao Bắc Ninh.

Trước yêu cầu của Chương trình giáo dục phổ thông mới, môn Giáo dục thể chất phải góp phần hình thành và phát triển năng lực, phẩm chất cho học sinh. Theo đó, Trường ĐH Thể dục Thể thao Bắc Ninh cũng đổi mới chương trình đào tạo ngành giáo dục thể chất.

Trên tinh thần đó, nhà trường thường xuyên cập nhật, chỉnh sửa hàng năm để đáp ứng nhu cầu xã hội. Năm 2019, nhà trường đã ban hành 4 chương trình đào tạo: Giáo dục thể chất, Huấn luyện thể thao, Quản lý TDTT, Y sinh học thể dục thể thao.

Chương trình đào tạo ngành Giáo dục thể chất hoàn toàn bắt nhịp được những yêu cầu của môn Giáo dục thể chất trong Chương trình giáo dục phổ thông mới. Khi theo học chương trình này, năng lực nghề nghiệp của sinh viên tốt nghiệp không những đạt mà còn vượt cao hơn so với những yêu cầu của chương trình mới.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

“Chẳng hạn, số thời lượng dành cho môn thể thao chuyên ngành được nâng lên 24 tín chỉ, tương ứng với 600 giờ; đồng thời đòi hỏi sinh viên phải đạt tối thiểu ở trình độ đẳng cấp 2 và đẳng cấp 3 ở các môn thể thao khác (Hệ thống phân loại đẳng cấp trong thể thao gồm: Cấp 6-5-4-3-2-1, dự bị kiện tướng, kiện tướng)” - PGS.TS  Đặng Văn Dũng viện dẫn.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa ITN.

Bình dân học vụ số

GD&TĐ - Sáng 18/11, tại Hà Nội, Tổng Bí thư Tô Lâm có cuộc gặp mặt đại diện nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam.