Tuy nhiên, thực tế cho thấy, nhiều phụ huynh, học sinh, thậm chí là bộ phận nhỏ cán bộ quản lý vẫn coi đây là môn phụ. Để xoá bỏ định kiến này, thay đổi về nhận thức là yếu tố quyết định.
Vẫn còn định kiến môn chính-môn phụ
Theo thầy Trần Trung Sơn, giáo viên Thể dục Trường THPT Ngô Gia Tự (Quận 8, TP.HCM), hiện vẫn có quan niệm môn chính-môn phụ, nên tự trong tiềm thức của nhiều phụ huynh, học sinh, thậm chí là cả bộ phận nhỏ cán bộ quản lý, giáo viên khác vẫn coi đây là môn phụ.
Vậy làm sao để thay đổi nhận thức là một vấn đề rất quan trọng. Rào cản từ cách nhìn nhận, nhận thức dẫn tới chưa thực sự chú trọng, đầu tư, quan tâm đúng mức tới bộ môn từ cơ chế, tới sân bãi, nhà thi đấu…
Ngoài ra, cũng có nhiều nơi, đối với học sinh giỏi các bộ môn văn hóa được khuyến khích, đầu tư và khen thưởng tuyên dương, nhưng với môn thể dục thì ít quan tâm hơn và chưa khích lệ được những học sinh có năng lực, sở trường ở bộ môn này.
Một vấn đề nữa, theo thầy Sơn là một bộ phận giáo viên bộ môn cũng chưa thực sự đổi mới, vẫn còn sức ì. Chính vì vậy, thay đổi về nhận thức từ bản thân mỗi một giáo viên là điều rất quan trọng.
“Chỉ khi tự thân bộ môn này thay đổi, mỗi giáo viên thay đổi, khi đó mới có thể giúp bộ môn này phát triển, xoá bỏ định kiến môn chính-môn phụ”, thầy Sơn nói.
Chia sẻ về những rào cản khiến môn học này chưa thể phát triển, đi vào thực chất như đúng vị thế của nó, thầy Trần Trung Sơn cho rằng, áp lực học tập các môn văn hóa là một trong những rào cản ảnh hưởng đến việc nhiều học sinh không cảm thấy thích thú với môn Thể dục ở trường.
Nhiều học sinh ngày nay học thêm rất nhiều, không có thời gian vận động, thiếu ngủ, dinh dưỡng không đảm bảo ảnh hưởng lớn đến thể chất.
“Có thể thấy, chương trình hiện hành vẫn còn rất nặng, nhiều em với thời gian ở trên lớp chưa theo kịp bài vở nên đã phải tìm đến các trung tâm, lớp học thêm. Nhiều em tham gia các lớp luyện thi vào trường chuyên, thậm chí học để chạy theo thành tích. Các con có quá nhiều áp lực lên vai nên không có thời gian, tâm trí để chú trọng đến vấn đề học thể dục, rèn luyện sức khỏe”, thầy Sơn nói.
Ngoài ra, thầy Sơn cũng trăn trở, cách đánh giá này hiện nay ở bộ môn Thể dục là Đạt và Không Đạt, chưa thể hiện được sự đánh giá toàn diện năng lực, sở trường của học sinh ở bộ môn này.
Chính vì vậy, qua quá trình giảng dạy người thầy có thể thêm vào những tiêu chí cụ thể về mặt thể chất để đánh giá toàn diện hơn. Đánh giá không nặng về thành tích, nhưng phải có mức độ (khung) để giúp cho học sinh có sự nỗ lực, hoàn thành các bài tập trong rèn luyện thể chất. Mục đích cuối cùng là giúp các em có ý thức, nỗ lực về việc rèn luyện sức khoẻ, cải thiện bản thân.
Với cách làm này mỗi giáo viên cần thay đổi và có kế hoạch cụ thể, đổi mới trong giáo án giảng dạy và kiểm tra đánh giá học sinh qua nhiều hình thức.
Chủ động đổi mới
Nhận thấy vai trò quan trọng của môn học Thể dục cũng như phong trào thể thao trường học, từ những năm qua, Trường THPT Ngô Gia Tự (Quận 8, TP.HCM) đã chú trọng phát triển công tác này tại cơ sở.
Nhà trường đã đầu tư, trang bị cơ sở vật chất tốt để có sân chơi cho tất cả các em học sinh với nhiều bộ môn. Cụ thể như bóng rổ, bóng đá, bóng bàn, cầu lông, nhảy, võ thuật, bóng chuyền… Qua đó các học sinh được rèn luyện sức khỏe, nâng cao thể chất và được xả stress sau những giờ học tập văn hoá căng thẳng. Tạo tinh thần gắn kết đồng đội cho các em.
Từ hoạt động này, các đội nhóm trong trường được thành lập rất nhiều, hoạt động sôi nổi, qua đó đẩy mạnh bề nổi của nhà trường về phong trào. Vì thế, việc dạy học môn Thể chất của trường cũng được đầu tư, phát triển, đáp ứng yêu cầu vui, khoẻ cho các em học sinh. Từ đây cũng là nơi ươm mầm cho những tài năng thể thao học đường.
Đơn cử như Trường Ngô Gia Tự liên tục nhiều năm qua là một trong những trường đứng đầu Quận 8 về phong trào thể dục thể thao.
Từ phong trào thể thao học đường, Trường Ngô Gia Tự cũng đã phát hiện và bồi dưỡng rất nhiều học sinh tài năng cho thể thao Quận, Thành phố và cả cấp quốc gia với nhiều môn như võ thuật Karate, Muay, bóng chuyền, bóng đá. Đơn cử như em Võ Công Anh Kiệt, Nguyễn Tăng Quyền (đội tuyển Muay thành phố và quốc gia)...
Về đổi mới dạy học bộ môn, thầy Sơn chia sẻ, ngoài cung cấp kiến thức, kỹ năng theo yêu cầu bộ môn, thầy thường lồng ghép các bài học thể thao vào thực tế cuộc sống để các em thấy được những bài học thực tiễn, vai trò của thể thao trong cuộc sống.
Đồng thời kể cho các em nghe những câu chuyện tích cực có thật từ đời sống thể thao, những tấm gương thể thao... lan toả năng lượng tích cực giúp các em phần nào hiểu biết thế giới quan xung quanh mình, nhất là lĩnh vực thể thao.
Bên cạnh bài học, thầy cũng trao đổi với các em những bài học từ cuộc sống từ cách đối nhân xử thế, vượt khó, rèn luyện các kỹ năng sống, làm việc nhóm...
Song song đó, giáo viên đưa thêm vào những trò chơi dân gian, cho các em vừa học vừa chơi, vừa rèn luyện sức khoẻ tạo sự thoải mái, vui vẻ khi học tập bộ môn này.
Môn thể dục là một môn khá đặc thù, có những bài tập, yêu cầu không phải học sinh nào cũng có thể chất tốt để hoàn thành. Vì vậy, người giáo viên cũng cần linh hoạt trong đánh giá, kiểm tra, nhằm khuyến khích, động viên các em nỗ lực, vượt qua giới hạn của bản thân.
Thầy Sơn cũng nhấn mạnh, một trong những đổi mới của các trường hiện nay là thành lập các câu lạc bộ năng khiếu tự chọn, thu hút được đông học sinh tham gia.
Với hoạt động này vừa giúp các em rèn luyện sức khoẻ, vừa theo đuổi đam mê, sở trường của mình, kết nối thêm nhiều bạn bè cùng sở thích. Phụ huynh cũng rất ủng hộ và tạo điều kiện cho học sinh tham gia. Đồng thời đây cũng là cách để các nhà trường phát hiện các hạt giống, phát triển các CLB tiềm năng tham gia các phong trào thể dục thể thao của ngành.