Tuy nhiên, vẫn còn nhiều trăn trở với nội dung này bởi những khó khăn về cơ sở vật chất, đội ngũ, đặc biệt từ nhận thức còn chưa đầy đủ về tầm quan trọng của môn học.
Đầu tư hạn chế
Theo ông Trần Tuấn Khanh, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT An Giang, hoạt động GDTC những năm gần đây được lãnh đạo các trường phổ thông đặc biệt quan tâm. Trước hết là công tác chỉ đạo dạy và học đối với môn Thể dục; kế đến là các hoạt động giáo dục ngoại khóa theo hướng tổ chức các trò chơi vận động thể lực. Kết quả giảng dạy GDTC của nhà trường chuyển biến tích cực, phần lớn kết quả học tập, rèn luyện thể chất của học sinh (HS) được đánh giá đạt yêu cầu.
Chương trình học được thiết kế theo hướng kế hoạch tự chủ của nhà trường. Ngoài nội dung quy định, căn cứ vào thế mạnh của nhà trường (đội ngũ giáo viên (GV), cơ sở vật chất và nhu cầu của HS…), các trường tạo điều kiện cho HS lựa chọn môn học theo sở thích, nhằm phát triển năng khiếu các môn (bóng đá, bóng chuyền, bóng rổ, bơi lội, đẩy gậy, bi sắt, bóng ném...). Ngoài ra, hoạt động ngoại khóa nhân các ngày lễ lớn trong năm học đều được các đơn vị triển khai thông qua hoạt động thể dục thể thao và hoạt động khác, tạo không khí vui tươi phấn khởi trong HS cũng như GV, góp phần nâng cao chất lượng học tập, phát triển toàn diện cho HS. Hướng đến xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia, nhiều trường trong tỉnh đã quan tâm xây dựng sân chơi bãi tập đúng theo tiêu chuẩn; quan tâm mua sắm một số thiết bị dạy học GDTC để phục vụ hiệu quả dạy học, tập luyện. Đổi mới phương pháp dạy học cũng được GV tích cực triển khai.
“Đa số GV nhận thức đầy đủ về trách nhiệm với nghề, luôn tìm tòi, áp dụng các phương pháp, kỹ thuật dạy học tích cực. Cha mẹ HS cũng nhận thức đúng hơn về vai trò quan trọng của GDTC. Tuy nhiên, vẫn còn bộ phận HS, phụ huynh, thậm chí GV coi GDTC chỉ là môn phụ nên việc đầu tư về thời gian còn hạn chế” – ông Trần Tuấn Khanh cho hay.
Cũng nhắc đến tâm lý môn phụ, lý do thầy Hà Đình Sơn, Hiệu trưởng Trường Tiểu học – THCS - THPT IcoSchool (Bắc Giang) đưa ra là GDTC không tính điểm trung bình môn, đặc biệt là không dính dáng gì đến thi cử. “Vẫn đâu đó có tình trạng GV dạy cho xong, HS ra sân tập lấy lệ, ngồi cho hết buổi; học để cho qua môn, GV nhận xét “đạt” là được. Có phụ huynh không mặn mà với việc con mình rèn luyện thể dục thể thao; thậm chí còn viện cớ sức khỏe yếu để con né tránh ra sân tập luyện tập” – thầy Hà Đình Sơn trăn trở.
Vẫn là chuyện cơ sở vật chất, đội ngũ
Là Hiệu trưởng Trường Tiểu học - THCS Thụy Dương (Thái Thụy, Thái Bình), thầy Vũ Đức Cảnh thẳng thắn cho biết: Một số hiệu trưởng chưa thực sự quan tâm đến GDTC trong nhà trường. Có trường còn tình trạng bố trí GV các môn văn hóa dạy thể dục. Một số GV dạy thể dục chưa thực sự toàn tâm cho nghề. Do lịch sử để lại nên trình độ, nghiệp vụ chuyên môn không ít thầy cô chưa đáp ứng được yêu cầu. Với các trường sáp nhập trường tiểu học với THCS thành trường tiểu học – THCS, GV thể dục phải dạy cả 2 cấp học. Chế độ ngoài trời với GV thể dục còn thấp. Diện tích sân chơi, bãi tập của nhiều trường nhỏ hẹp; có trường không có sân bóng đá, bóng chuyền, bóng rổ; ít trường có nhà đa năng. Dụng cụ, trang thiết bị sử dụng cho hoạt động GDTC các trường thiếu nhiều, ít được quan tâm mua sắm.
Tại Trường THPT Trung Nghĩa (Phú Thọ), GDTC xây dựng theo chương trình môn học và công tác GDTC thông qua các hoạt động thể thao trường học đều được triển khai tốt. Tuy nhiên, thầy Nguyễn Thành Nam, Hiệu trưởng Trường THPT Trung Nghĩa cho biết: Nhà trường vẫn gặp khó khăn về cơ sở vật chất, đội ngũ. Theo đó, các điều kiện tối thiểu để bảo đảm cho giảng dạy thể dục và tổ chức các hoạt động GDTC thì đáp ứng được; nhưng để đáp ứng nhu cầu tập luyện thể dục thể thao một cách đầy đủ, hiện đại và khoa học còn gặp nhiều khó khăn. Kính phí để tổ chức các hoạt động ngoại khóa, các giải thể thao, nhất là ở vùng trung du, miền núi các nguồn này rất khó để xã hội hóa. Trình độ đào tạo chỉ theo một chuyên ngành nên GV thực hiện chương trình GDTC còn hạn chế, dạy học theo lối mòn, e ngại thay đổi, phương pháp dạy học chưa thực sự phát huy được năng lực sở trường của HS.
Liên quan đến nội dung này, ông Trần Tuấn Khanh thông tin: Hằng năm, Sở GD&ĐT An Giang ban hành văn bản hướng dẫn các trường tăng cường triển khai hoạt động GDTC, linh hoạt lựa chọn, xây dựng chủ đề dạy học trên cơ sở phù hợp tình hình đơn vị, khả năng của GV, năng khiếu sở thích của HS. Đồng thời, chỉ đạo lồng ghép hoạt động võ cổ truyền vào các tiết dạy, đưa nội dung bơi lội vào trường học. Từ đó, HS yêu thích bộ môn và luyện tập tích cực, thường xuyên hơn, chất lượng giảng dạy bộ môn ngày được nâng lên.
Tuy nhiên, tại nhiều trường học của An Giang, cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ cho giảng dạy GDTC còn khó khăn vì nhiều thiết bị được đầu tư trước đây giờ đã hư hỏng, chưa có điều kiện trang cấp thay thế hoặc bổ sung. Đa số các trường không có nhà thi đấu, luyện tập thể dục thể thao nên khi trời mưa bão không thể giảng dạy, tập luyện ngoài sân; một số trường phải mượn địa điểm công cộng (công viên, trung tâm cộng đồng ở địa phương). Nhiều nơi đã bê tông hóa sân nền nên ảnh hưởng khá nhiều đến việc học tập bộ môn và việc tập luyện thể dục thể thao do dễ gây chấn thương. Một số đơn vị chưa mạnh dạn đầu tư cơ sở vật chất, cũng như kinh phí tham gia thi đấu ở các hội thi như Hội khỏe Phù Đổng, giao lưu, thể thao các câu lạc bộ ngoại khóa…
Khi nào thành nhu cầu tự thân?
Bằng những trải nghiệm của bản thân và 20 năm công tác trong ngành Giáo dục, ông Hà Đình Sơn cho rằng: Để nâng cao hiệu quả hoạt động GDTC, trước tiên cần truyền thông để nhà trường, phụ huynh, HS hiểu được giá trị của thể lực thông qua hoạt động thể dục thể thao, trong đó có bộ môn Thể dục trong nhà trường. Thể chất và trí tuệ làm nên một chỉnh thể con người toàn vẹn. Việc chỉ quan tâm đến phát triển trí tuệ mà quên đi thể chất là một sai lầm, bởi không thể có một trí tuệ sáng láng trong một cơ thể èo uột được. Vì tầm quan trọng của môn Thể dục, nên đưa ra những quy chế bắt buộc phải đầu tư về cơ sở vật chất dành cho môn học này. Các trường đại học cũng nên có tiêu chí lựa chọn HS về thể chất bên cạnh điểm số các môn văn hóa để khích lệ các em chú trọng vào vận động, chứ không học theo kiểu đối phó.
Cùng với đó, GDTC cần là một môn học tự chọn theo sở thích vận động của HS. Muốn vậy, nhà trường nên đưa nhiều loại hình thể dục, thể thao vào trong trường học; chấp nhận để HS lựa chọn môn mình thích chứ không ép buộc phải chọn theo yêu cầu của GV và nhà trường. Các nhà trường nên bố trí môn Thể dục tách biệt với thời gian học chính khóa. Việc hiện nay xếp giờ thể dục xen với môn học chính khóa khiến cho hoạt động của HS bị hạn chế rất nhiều. Ví dụ, trong một buổi học chỉ có 1 tiết thể dục, HS không có trang phục thể dục thể thao nên khi ra sân bãi thường né tránh tập luyện và vận động vì sợ bẩn đồng phục; hoặc nếu vận động rồi, các tiết học sau trên lớp rất khó chịu vì trang phục dính mồ hôi.
“Trường THPT nơi tôi làm quản lý đã từng xếp lịch học môn Thể dục vào buổi chiều, với 2 tiết/buổi chiều. HS rất thích vì hôm đó được chạy nhảy và vận động thoải mái, nhưng cuối cùng cũng phải xếp trở lại vào học xen kẽ lịch học chính khóa bởi nhiều lý do như không có quy chế hướng dẫn cho phép xếp tiết học kép (ngoại trừ môn Ngữ văn); dễ trùng vào lịch học thêm của nhiều GV bộ môn khác khiến họ mất quyền lợi. GV thể dục không muốn đi dạy buổi chiều vì muốn kết thúc công việc của mình vào buổi sáng cùng với đồng nghiệp khác...” – thầy Hà Đình Sơn chia sẻ.
Từ thực tiễn của nhà trường, thầy Nguyễn Thành Nam kiến nghị: Địa phương cần dành quỹ đất để nhà trường có đủ diện tích sân chơi, bãi tập, nhà đa năng; đầu tư kinh phí để trang bị đầy đủ trang thiết bị dạy học thể dục và tổ chức các hoạt động thể dục, thể thao trong và ngoài nhà trường; bố trí đủ đội ngũ GV giảng dạy môn Thể dục.
Bộ GD&ĐT cần tiếp tục rà soát chương trình môn học GDTC của các cấp học vì cấu trúc chưa cân đối, nhiều nội dung còn mang nặng tính kỹ thuật. Đồng thời, chỉ đạo các trường sư phạm tập trung đào tạo, chuẩn hóa đội ngũ GV. Có cơ chế để đẩy mạnh xã hội hóa và hoàn thiện cơ chế quản lý, chính sách huy động sự tham gia đóng góp của toàn xã hội đối với công tác GDTC và thể thao trường học. Tăng cường các nội dung tập huấn thường xuyên cho đội ngũ GV dạy môn Thể dục và tổ chức các hoạt động thể thao ngoại khóa.
Các nhà trường cần vận dụng các hoạt động GDTC một cách linh hoạt, phù hợp với điều kiện địa phương, vùng miền, thể trạng HS, tạo sự hứng khởi cho cả người dạy và người học; tạo ra phong trào thể dục thể thao trường học thực chất, mang lại kết quả thiết thực.