Rõ nguyên nhân, rõ trách nhiệm

GD&TĐ - Ước tính 11 tháng, giải ngân đạt khoảng 461 nghìn tỷ đồng, bằng 65,1% kế hoạch.

Minh họa/INT
Minh họa/INT

Báo cáo của Bộ KH&ĐT về tình hình giải ngân vốn đầu tư công cho thấy, 10 tháng của năm 2023, cả nước đã giải ngân 389 nghìn tỷ đồng, đạt 55,02% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Ước tính 11 tháng, giải ngân đạt khoảng 461 nghìn tỷ đồng, bằng 65,1% kế hoạch.

Đối với 41 bộ, cơ quan Trung ương và 24 địa phương có tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công 10 tháng năm 2023 dưới mức trung bình của cả nước, báo cáo cho biết đã giải ngân 102,3 nghìn tỷ đồng, đạt 36,1% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.

Ước giải ngân 11 tháng là khoảng 125 nghìn tỷ đồng, đạt 44,12% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao nhưng thấp hơn nhiều so với tỷ lệ giải ngân chung của cả nước là 65,1%.

Như vậy có thể thấy, từ tháng 7 đến nay, giải ngân vốn đầu tư công đã có những chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, cũng như nhiều năm, vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế. Như năm nay, theo Bộ KH&ĐT là do những khó khăn liên quan đến nhóm nội dung liên quan đến thể chế, chính sách.

Tiếp đến là nhóm khó khăn liên quan đến tổ chức triển khai thực hiện. Và cuối cùng là nhóm khó khăn mang tính đặc thù của kế hoạch năm 2023 như quy mô vốn đầu tư lớn, tăng khoảng 23%, tương đương khoảng 130 nghìn tỷ đồng so với kế hoạch năm 2022…

Trong các nhóm nguyên nhân này, Bộ KH&ĐT nhấn mạnh đến nguyên nhân công tác tổ chức triển khai thực hiện. Trong cùng một mặt bằng pháp luật, cùng điều kiện khó khăn chung về giá nguyên vật liệu tăng cao nhưng một số bộ, cơ quan Trung ương và địa phương vẫn có tỷ lệ giải ngân tốt.

Còn theo nhận định của Bộ Tài chính, trên cơ sở tổng hợp báo cáo của các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương, cơ bản các nguyên nhân ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân đã được nhận diện.

Cụ thể, về nguyên nhân khách quan, một số cơ chế chưa phù hợp với đặc thù của các Chương trình Mục tiêu quốc gia như quy định trình tự, thủ tục, tiêu chí, mẫu hồ sơ lựa chọn dự án, mô hình hỗ trợ phát triển sản xuất; cơ chế sử dụng ngân sách Nhà nước hỗ trợ các dự án phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị, phát triển sản xuất cộng đồng...

Nguyên nhân chủ quan là do công tác tổ chức thực hiện giải phóng mặt bằng, vướng quy hoạch sử dụng đất. Trong đó, trọng tâm là việc xác định nguồn gốc đất, xác định giá đất, người dân chưa đồng thuận với phương án bồi thường, tái định cư... dẫn đến thời gian tổ chức lựa chọn nhà thầu, ký hợp đồng, thi công bị chậm.

Còn có sự lúng túng, khó khăn trong phối hợp giữa các địa phương, nhất là với các dự án sử dụng nhiều loại nguồn vốn. Một số bộ, cơ quan Trung ương và địa phương chưa triển khai phân bổ chi tiết kế hoạch vốn. Một số dự án đã phân bổ nhưng chưa giải ngân.

Giải ngân vốn đầu tư công luôn là một trong những nhiệm vụ hết sức quan trọng bởi đầu tư công tạo nền tảng xây dựng và hoàn thiện kết cấu hạ tầng, góp phần khơi thông các điểm nghẽn. Tạo động lực, không gian phát triển mới, tăng cường tính liên kết và nâng cao năng lực cạnh tranh của các địa phương và của quốc gia...

Tuy nhiên, tình trạng chậm giải ngân hoặc giải ngân không đạt kế hoạch luôn là “chuyện cũ”, kéo dài năm này sang năm khác dù Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cũng rất quyết liệt, các nguyên nhân cũng đã được chỉ rõ.

Ví dụ, từ đầu năm đến nay đã có tới 8 nghị quyết, 1 chỉ thị, 6 công điện, văn bản được ban hành. Đã thành lập và duy trì hoạt động của 5 tổ, 26 đoàn công tác để kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn. Vậy nhưng đến thời điểm hiện tại, kế hoạch giải ngân vốn đầu tư công đạt tối thiểu 95% khó có thể hoàn thành.

Cho nên, vấn đề còn lại, như ý kiến của Thủ tướng Phạm Minh Chính là cần nghiêm túc kiểm điểm, làm rõ nguyên nhân, xác định trách nhiệm tập thể, cá nhân liên quan. Từ đó, quyết liệt triển khai các giải pháp để cải thiện giải ngân vốn đầu tư công.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ