Giải ngân vốn đầu tư công, cần ủy quyền mạnh hơn cho địa phương

GD&TĐ - Để tháo gỡ khó khăn về cơ chế, đặc biệt là các dự án đầu tư công cần giảm bớt thủ tục và uỷ quyền “mạnh hơn” cho các địa phương.

Ảnh minh họa/internet.
Ảnh minh họa/internet.

Nhìn thẳng, nói thật

Tại phiên thảo luận tại tổ về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2022, tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2023, ngày 25/5, đại biểu Quốc hội Trương Quốc Huy (Hà Nam) nhấn mạnh, bên cạnh những kết quả đã đạt được trong năm 2022, chúng ta cũng cần nhìn nhận thẳng thắn vào những khó khăn bắt đầu từ quý 4/2022. Đặc biệt, sang năm 2023 đã bộc lộ mà lãnh đạo các địa phương có thể nhìn thấy rất rõ.

Cụ thể, tăng trưởng quý 1/2023 chỉ có 3,32%, thấp nhất trong nhiều năm qua. Ngay như Hà Nam là địa phương nhiều năm có mức tăng trưởng hai con số, nhưng riêng quý 1/2023 chỉ tăng 4,04%. Đây là con số thấp, trong đó tăng trưởng về công nghiệp và xuất khẩu nhìn thấy giảm rõ rệt.

Nhiều doanh nghiệp không có đơn hàng, trong khi nhiều năm trước thường trong tình trạng thiếu lao động để dồn lao động cho các khu công nghiệp. Tuy nhiên, hiện nay lại có hiện tượng người lao động không có việc làm. Trong hơn 8 năm qua bây giờ mới xảy ra hiện tượng người lao động không có việc làm, nhiều doanh nghiệp sa thải lao động.

Đại biểu Trương Quốc Huy cho rằng, đây là kịch bản rất xấu, vì khi người dân không có việc làm từ đó dẫn đến bất ổn xã hội sẽ là điều hiện hữu. Chúng ta phải đánh giá rõ vấn đề này.

Về giải ngân vốn đầu tư công, đại biểu Trương Quốc Huy đánh giá “có muốn làm nhanh cũng không được”, vì quy trình đầu tư công rất phức tạp và nhiều khâu. Đơn cử, để triển khai được dự án thì phải chuẩn bị khu tái định cư.

Trong khi, tái định cư nếu đúng quy trình đất nông nghiệp phải mất 6 tháng nếu nhận được sự đồng thuận của người dân, cưỡng chế phải 9 tháng nếu liên quan đến đất ở.

Theo đại biểu, cái khó là phải chuẩn bị chỗ ở cho người dân. Quá trình này kéo dài hàng năm, chưa kể các thủ tục liên quan đến đất đai có rất nhiều quy trình.

Nêu dẫn chứng, đại biểu Trương Quốc Huy cho hay, nếu chuyển đổi đất lúa 10ha thì phải lên Chính phủ. Địa phương nào làm nhanh cũng phải mất 6 tháng mới xong, tiếp đến là khâu đấu nối giao thông, bảo vệ môi trường…

Đại biểu Trương Quốc Huy nhìn nhận, ách tắc đầu tư công sẽ được tháo gỡ và tiến hành rất nhanh ở khâu chuyển đổi đất lúa và cũng không cần phải lên trung ương khi các vấn đề này được giao cho địa phương. Vì các trình tự thủ tục này gây mất rất nhiều thời gian.

Về tiếp cận vốn, đại biểu đoàn Hà Nam cho hay, thực tế hiện nay lợi nhuận của các ngân hàng rất cao, chênh lệch giữa lãi huy động tiết kiệm và cho doanh nghiệp vay vẫn còn lớn. “Trong thời điểm khó khăn như hiện nay, ngân hàng phải biết chia sẻ khó khăn với người dân và doanh nghiệp”, đại biểu Trương Quốc Huy nói.

Đại biểu Trương Quốc Huy phát biểu trong phiên thảo luận ở tổ sáng 25/5.

Đại biểu Trương Quốc Huy phát biểu trong phiên thảo luận ở tổ sáng 25/5.

Tháo gỡ “điểm nghẽn”

Từ phân tích nêu trên, đại biểu Trương Quốc Huy kiến nghị: Thứ nhất, phải tháo gỡ về cơ chế. Vốn kích cầu mà Quốc hội thông qua chắc không có địa phương nào thực hiện được trong năm 2022 và 2023.

“Chúng tôi đã làm “hết cỡ” nhưng đúng đến 30/6 này mới khởi công được dự án. Vì vướng rất nhiều quy trình và cũng không thể giải ngân được. Có thể các địa phương sẽ phải xin ý kiến Chính phủ để Chính phủ trình Quốc hội xin kéo dài sang năm 2024 thì mới giải ngân được”, đại biểu Trương Quốc Huy nói.

Chỉ trừ những dự án đầu tư nào không liên quan đến giải phóng mặt bằng như: bệnh viện, trường học, còn liên quan đến lĩnh vực giao thông thì sẽ rất chậm. Trong khi, các dự án đầu tư thường liên quan đến giao thông.

Do đó, chúng ta phải tháo gỡ về cơ chế, những vấn đề nào uỷ quyền được cho địa phương thì đề nghị nên uỷ quyền, đặc biệt là các dự án đầu tư công cần giảm bớt các thủ tục và uỷ quyền “mạnh hơn” cho các địa phương, khi đó mới thúc đẩy được nhanh giải ngân vốn đầu tư công.

Với những thủ tục đơn giản như: tư vấn lập các dự án giao thông nếu các đơn vị của Nhà nước có uy tín thì có thể chỉ định thầu, tái định cư có thể làm trước và chỉ định thầu.

Như vậy, sẽ đẩy nhanh được tiến độ giải ngân vốn đầu tư công trong điều kiện hiện nay một bộ phận cán bộ công chức có hiện tượng né tránh vì sợ trách nhiệm.

Thứ hai, phải có các chính sách hỗ trợ để kích cầu. Đại biểu Huy đồng tình quan điểm nên tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội như giảm 2% thuế VAT đối với một số mặt hàng có tính chất kích cầu.

Thứ ba, phải có các chính sách về tài chính, tiền tệ, trong đó giảm lãi vay. Đại biểu Huy cũng đồng tình việc nới lỏng tín dụng nhưng trong khả năng kiểm soát được để đảm bảo không xảy ra những rủi ro, bất ổn cho nền kinh tế.

Làm sao để doanh nghiệp tiếp cận được vốn vay với cơ chế thông thoáng, lãi vay thấp. Thực tế, lợi nhuận của doanh nghiệp không cao nhưng phải trả từ 12 – 13% cho chi phí, đây là khoản chi rất lớn và doanh nghiệp cũng không thể làm được.

Nếu không xử lý được vấn đề này thì nhiều doanh nghiệp sẽ phải “bán mình” và bán cổ phiếu giá thấp. Từ đó dẫn đến hiện tượng nước ngoài thâu tóm các doanh nghiệp Việt với chi phí thấp.

Thứ tư, phải quan tâm đến chính sách lâu dài để có những cơ chế chính sách hỗ trợ cho các doanh nghiệp Việt Nam phát triển, đặc biệt là các doanh nghiệp liên quan đến sản xuất hàng hoá, doanh nghiệp nằm trong chuỗi cung ứng thương mại…

Thực tế hiện nay đã có một số hệ thống bán lẻ trong nước bị rơi vào tay của các nhà đầu tư nước ngoài. Về lâu dài sẽ bị mất thị trường và không hỗ trợ được cho các doanh nghiệp Việt Nam phát triển.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Giá của thi trên mạng

GD&TĐ - Một phụ huynh có con đang học tại Trường Tiểu học Ngô Quyền (Đà Nẵng) đã mất 55 triệu đồng vì đăng ký cho con dự cuộc thi viết chữ đẹp trên mạng.