Cần quyết liệt khắc phục chậm giải ngân vốn đầu tư công

GD&TĐ - Nhiều đại biểu Quốc hội yêu cầu cần triển khai quyết liệt các giải pháp để khắc phục tình trạng chậm giải ngân vốn đầu tư công.

Đại biểu Phạm Đình Thanh - Đoàn ĐBQH tỉnh Kon Tum.
Đại biểu Phạm Đình Thanh - Đoàn ĐBQH tỉnh Kon Tum.

Tháo gỡ những vướng mắc, bất cập

Phát biểu tại phiên thảo luận tại hội trường sáng 31/5, Đại biểu Phạm Đình Thanh - Đoàn ĐBQH tỉnh Kon Tum chia sẻ với những khó khăn, thách thức trong công tác lãnh đạo, quản lý của Chính phủ, các bộ ngành trong thời gian qua.

Tuy nhiên, để thực hiện tốt hơn nữa các kết quả công tác trong thời gian tới, đại biểu đề nghị Chính phủ chỉ đạo, thực hiện ngay việc rà soát, làm rõ nguyên nhân; từ đó triển khai quyết liệt các giải pháp phù hợp nhằm khắc phục tình trạng giải ngân vốn đầu tư công chậm trong thời gian qua.

Bên cạnh đó, cần rà soát, tháo gỡ những vướng mắc, bất cập Chính phủ đã nêu trong báo cáo trình Quốc hội.

Đại biểu đề nghị ưu tiên rà soát, tháo gỡ ngay những bất cập của cơ chế chính sách, những quy định hướng dẫn liên quan đến việc triển khai thực hiện chương trình phục hồi, phát triển kinh tế xã hội và 3 Chương trình mục tiêu quốc gia.

Qua đó, nhằm giúp các bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện các chương trình này đạt yêu cầu về chất lượng, tiến độ đề ra.

Về vấn đề phát triển vùng Tây Nguyên, đại biểu đề nghị Chính phủ sớm quan tâm, chỉ đạo rà soát và có các cơ chế, chính sách cụ thể để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc đang tồn tại, lực cản lớn đối với sự phát triển của các tỉnh Tây Nguyên, đặc biệt là việc chưa có quy định phù hợp về phân cấp, phân quyền quyết định chuyển mục đích sử dụng rừng, đất rừng.

Đại biểu nhấn mạnh, đây là một trong những nguyên nhân chậm triển khai các dự án, cũng là nguyên nhân gây chậm tiến độ giải ngân vốn đầu tư công thời gian qua.

Đại biểu cho rằng, cần sớm ban hành các chính sách phù hợp để triển khai thực hiện chủ trương của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế rừng, kinh tế dưới tán rừng, cho thuê môi trường rừng để nuôi trồng, phát triển dược liệu;

Đồng thời có cơ chế để các tỉnh Tây Nguyên khai thác tốt nhất tiềm năng, lợi thế hiện có về nguồn năng lượng tái tạo để phát triển các dự án lớn về điện gió, điện mặt trời. Qua đó, nhằm từng bước giúp Tây Nguyên trở thành trung tâm năng lượng tái tạo của cả nước.

Cần thành lập các tổ công tác liên ngành

Đại biểu Nguyễn Minh Tâm – Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình.

Đại biểu Nguyễn Minh Tâm – Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình.

Tham gia phát biểu tại phiên thảo luận, đại biểu Nguyễn Minh Tâm – Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình nhất trí với báo cáo của Chính phủ, báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế đã chỉ rõ những điểm đã làm được cũng như những tồn tại, hạn chế cần khắc phục để phát triển kinh tế, xã hội đất nước trong thời gian tới.

Đại biểu cho rằng, trong tình hình khó khăn, những kết quả phát triển kinh tế, xã hội đạt được trong thời gian qua đã thể hiện nỗ lực lớn của Chính phủ, các bộ ngành, các địa phương.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, việc thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế xã hội còn có những vướng mắc như tiến độ giải ngân còn chậm, có lúc, có nơi còn xảy ra tình trạng không dám làm, không dám chịu trách nhiệm, các thủ tục hành chính còn rườm rà, gây lãng phí thời gian và các nguồn lực.

Bên cạnh đó, đại biểu cho biết, một số dự án tại Quảng Bình cũng như ở nhiều địa phương trên cả nước vẫn còn đang gặp phải những điểm nghẽn chưa được tháo gỡ do các cơ quan chưa phối hợp chặt chẽ với nhau, dẫn tới chậm tiến độ triển khai thực hiện.

Theo đại biểu Nguyễn Minh Tâm, cần nêu cao tinh thần trách nhiệm của các cơ quan, để các đơn vị, chính quyền địa phương, các cơ quan hữu quan có được nhận thức thống nhất, triển khai đồng bộ và hiệu quả các nhiệm vụ công tác.

Đại biểu cho rằng, cần thành lập các tổ công tác liên ngành, tập hợp các đầu mối nhằm tháo gỡ những vướng mắc của địa phương, ban hành quy tắc, quy chuẩn xử lý các vấn đề phổ biến gặp phải trong quá trình giải ngân vốn đầu tư công, triển khai các nhiệm vụ liên quan và phổ biến rộng rãi, để địa phương nào gặp khó khăn có thể tra cứu để thuận lợi trong quá trình triển khai.

Trước diễn biến phức tạp của tình hình thế giới, đại biểu đoàn Quảng Bình đề nghị Quốc hội, Chính phủ tiếp tục cân nhắc, ưu tiên đầu tư nguồn lực cho lĩnh vực quốc phòng, an ninh; trong đó xem xét mức chi hỗ trợ, phụ cấp, có chính sách hỗ trợ phương tiện, trang thiết bị, có mức chi phù hợp cho lực lượng đặc công nước, hải đội dân quân.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ