Rèn luyện đạo đức sư phạm: Trách nhiệm của mỗi nhà giáo

GD&TĐ - Thực tế cho thấy, trước tác động của nền kinh tế thị trường trong bối cảnh đẩy mạnh hội nhập quốc tế, sự biến đổi thang giá trị nhân cách và các chuẩn giá trị nhân cách diễn ra rất nhanh chóng trong xã hội, đang đặt ra vấn đề bồi dưỡng, rèn luyện đạo đức nhà giáo phải được xem là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên có tính chiến lược không chỉ trong nhận thức, mà quan trọng hơn là mỗi nhà giáo phải tự xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện

Rèn luyện đạo đức sư phạm: Trách nhiệm của mỗi nhà giáo

Đúng là giờ đây, cũng như nhiều ngành nghề khác, nghề dạy học đang phải đối mặt với nhiều thách thức từ một số biểu hiện lệch lạc, bất cập trong đời sống xã hội làm suy giảm truyền thống đạo đức nghề nghiệp, gây ảnh hưởng tiêu cực đến đạo đức người thầy.

Hiện tượng đề cao lợi ích vật chất, lối sống thực dụng, các tệ nạn xã hội dường như ngày càng lấn át phẩm giá của con người, tác động xấu đến tình cảm, nguyện vọng của những người làm nghề sư phạm, làm một bộ phận nhà giáo sa sút, thậm chí bị suy thoái đạo đức lối sống.

Không ít trường hợp vì đồng tiền và danh lợi chà đạp lên quan hệ thầy trò, đồng chí, đồng nghiệp. Những biểu hiện đó đã tác động lớn đến đời sống xã hội, làm hoen ố hình ảnh nghề cao quý luôn được xã hội tôn vinh.

Vì vậy, vấn đề bồi dưỡng, rèn luyện đạo đức nhà giáo cần phải được xem là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên, có tính chiến lược không chỉ trong nhận thức mà quan trọng quyết định hơn là mỗi nhà giáo phải tự xây dựng kế hoạch triển khai tự rèn luyện nâng cao đạo đức của mình.

Yêu cầu đang đặt ra với mỗi người làm công tác giáo dục là cùng với các nhiệm vụ khác cần thực hiện tốt những lời Bác dạy: “Việc gì có lợi cho nước, cho xã hội thì kiên quyết làm và làm trước. Việc gì có hại cho nước, cho dân, cho người học thì kiên quyết bỏ, việc ác thì nhỏ mấy cũng tránh”.

Thường xuyên quán triệt, cụ thể hoá các nội dung trong việc thực hiện “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, lấy làm theo làm trọng tâm.

Coi trọng bồi dưỡng ý chí, khát vọng và chí hướng vươn lên hoàn thiện văn hoá sư phạm, biết tự kiềm chế, tự học để có hiểu biết sâu rộng về chuyên môn nghiệp vụ, thuần thục kỹ năng, điêu luyện tay nghề sư phạm, trau dồi phẩm chất đạo đức nhà giáo; thường xuyên nâng cao ý thức trách nhiệm với công việc chuyên môn, với sự nghiệp “trồng người”.

Giữ gìn tình đoàn kết, thống nhất trong tập thể sư phạm, biết lắng nghe, sẵn sàng học hỏi và cầu tiến bộ. Nêu cao nguyên tắc, tính kỷ luật và tính kế hoạch trong hoạt động sư phạm; chấp hành nghiêm pháp luật của Nhà nước và quy định về đạo đức nhà giáo của Bộ Giáo dục và Đào tạo; coi trọng, giữ vững, phát huy truyền thống tôn sư trọng đạo của dân tộc; thực hiện tốt cuộc vận động “Mỗi thầy cô giáo là tấm gương về đạo đức và tự học”.

Luôn thể hiện sự chuẩn mực, tính mô phạm trong tác phong, lối sống, trong giải quyết các mối quan hệ với mọi người, với công việc, với bản thân mình, nhất là đối với người học.

Đặc biệt phải chú trọng giải quyết mối quan hệ với người học, dựa trên nguyên tắc sư phạm và gắn với thực hiện “Cần kiệm liêm chính, chí công vô tư” không để mặt trái cơ chế thị trường với những tác động tiêu cực làm ảnh hưởng đến quan hệ thầy trò vốn rất thiêng liêng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ