Giáo dục kĩ năng sống: Cần tránh trăm hoa đua nở

GD&TĐ - Ý thức được tầm quan trọng của giáo dục kĩ năng sống, nhưng hiện nay hoạt động này tại các trường vẫn “trăm hoa đua nở”, mỗi nơi một cách theo điều kiện, năng lực của mình. 

Giáo dục kĩ năng sống: Cần tránh trăm hoa đua nở

Thực tế đòi hỏi cấp thiết có một chương trình thống nhất xuyên suốt giữa các cấp học, bậc học, cùng tài liệu được thẩm định chặt chẽ, được hướng dẫn cụ thể, khoa học cho hoạt động giáo dục kĩ năng sống tại các nhà trường.

Thực trạng giáo dục nội dung kĩ năng sống trong nhà trường hiện nay rất cần có những tài liệu chính thống được thẩm định kỹ càng từ các cơ quan chức năng để giúp nhà trường, phụ huynh hiểu thấu đáo và chính xác hơn về giáo dục kĩ năng sống; giúp giáo viên có thêm cơ sở để xây dựng giáo án, thiết kế bài giảng lồng ghép một cách hợp lý đúng hướng, hấp dẫn.

Giáo viên tự bơi

Giáo dục kĩ năng sống trong trường học hiện chủ yếu mới chỉ dừng lại ở các tiết học Đạo đức, Giáo dục công dân, giờ sinh hoạt ngoại khóa hay hợp đồng dạy học theo gói chương trình từ các cơ sở giáo dục tư nhân. Chính nhu cầu hợp đồng theo gói đã góp phần cho sự ra đời của hàng loạt các trung tâm, khoá học dạy kỹ năng sống với nhiều hình thức, tên gọi khác nhau. Trường hợp đồng với trung tâm nào thì học sinh sẽ được học kĩ năng sống theo cách của trung tâm đó.

Các trường “tự bơi” và tất nhiên, giáo viên cũng phải “tự bơi”, trong khi các thầy cô phần lớn chưa được trang bị kiến thức, phương pháp giáo dục để thực hiện nhiệm vụ này mà chủ yếu là tự mày mò, tìm hiểu, tự xây dựng các nội dung lồng ghép, phương pháp truyền đạt, dụng cụ giảng dạy… Đó là chưa kể, vì là lồng ghép nên việc đưa nội dung giáo dục vào dạy học trong nhà trường còn hạn chế.

Chia sẻ của cô Mạc Thị Thơ - giáo viên Tổng phụ trách Trường THCS Vĩnh Lập (Thanh Hà, Hải Dương) - do không có giáo viên kiêm nhiệm nên giáo dục kĩ năng sống cho học sinh trong nhà trường chưa nhiều. Giáo viên Tổng phụ trách cũng không có nhiều thời gian để đưa hoạt động giáo dục kĩ năng sống vào trong nhà trường. Thầy cô dạy văn hóa luôn có tiết dạy cứng và việc truyền đạt kiến thức kĩ năng sống trong tiết dạy còn hạn chế.

Cũng bởi tình trạng “trăm hoa đua nở” nên công tác quản lý hoạt động giáo dục kĩ năng sống gặp khó khăn. Thừa nhận việc thực hiện giáo dục kỹ năng sống cho học sinh trong các nhà trường còn nhiều hạn chế, bà Nguyễn Thị Tiến - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hải Dương - cho biết: mỗi nhà trường phối hợp với một trung tâm, một đơn vị để thực hiện giáo dục kỹ năng sống là khó khăn của công tác quản lý.

“Bên cạnh việc kiểm soát nội dung, hình thức thực hiện hoạt động kĩ năng sống gặp nhiều khó khăn; kinh phí đóng góp của phụ huynh cũng không thống nhất dẫn đến có những băn khoăn, thắc mắc từ phía phụ huynh” – bà Nguyễn Thị Tiến chia sẻ.

Cần bộ tài liệu “chuẩn”

Thực trạng giáo dục nội dung kĩ năng sống trong nhà trường hiện nay rất cần có những tài liệu chính thống được thẩm định kỹ càng từ các cơ quan chức năng để giúp nhà trường, phụ huynh hiểu thấu đáo và chính xác hơn về giáo dục kĩ năng sống; giúp giáo viên có thêm cơ sở để xây dựng giáo án, thiết kế bài giảng lồng ghép một cách hợp lý đúng hướng, hấp dẫn.

Đây cũng là quan điểm của ông Vũ Văn Trà - Phó giám đốc Sở GD&ĐT Hải Phòng. Ông Vũ Văn Trà cho rằng, trong thực tế, việc giảng dạy kĩ năng sống đã được triển khai ở các nhà trường, trung tâm. Đa số đi đúng hướng, nhưng cũng có một số chưa chuẩn, như dạy học sinh một vài kĩ năng mang tính chuyên sâu, ảo thuật, như đi trên thủy tinh để tăng lòng dũng cảm chẳng hạn.

“Vấn đề đặt ra là, các nhà trường, các trung tâm giáo dục kĩ năng sống phải lựa chọn một bộ tài liệu như thế nào để đảm bảo đúng theo đường lối chỉ đạo của Đảng, theo Chỉ thị 42 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa cho thế hệ trẻ giai đoạn 2015 – 2030” – Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hải Phòng trao đổi.

Đứng trước thực tế này, mới đây Bộ GD&ĐT đã chỉ đạo biên soạn và thẩm định bộ sách “Thực hành kỹ năng sống” từ lớp 1 đến lớp 9 giao cho NXB Giáo dục Việt Nam và Vụ Giáo dục Chính trị và Công tác học sinh sinh viên thực hiện, PGS.TS Huỳnh Văn Sơn - Phó Hiệu trưởng Trường ĐHSP TP Hồ Chí Minh – làm chủ biên

Không đòi hỏi học sinh phải có được hiểu biết xa vời, bộ sách đưa ra những nhóm kỹ năng cơ bản như: kỹ năng bảo vệ và phát triển bản thân/ kỹ năng ứng xử trong gia đình/ kỹ năng giao tiếp bạn bè/ kỹ năng học tập và giao tiếp trong trường học /kỹ năng giao tiếp và ứng xử trong xã hội/kỹ năng sinh tồn…

Mỗi nhóm kỹ năng lại bao gồm một số kỹ năng cụ thể phù hợp với từng bậc học. Các kỹ năng được thiết kế theo chuỗi hoạt động, tìm hiểu, khám phá, rèn luyện và thực hành. Sau 2-3 bài học sẽ có một phiếu bài tập để các em tự kiểm tra, đánh giá và rèn luyện thêm.

Các vấn đề được đưa ra thông qua các bài tập, thảo luận, kèm tranh ảnh minh họa sinh động. Mỗi một bài học được đưa vào nội dung một cách tự nhiên, thông qua các câu chuyện, các bài tập, thảo luận, thậm chí là các trò chơi, nhập vai… từ đó học sinh có thể chủ động nắm bắt được vấn đề và ghi nhớ bài học. Các tình huống mà sách đưa ra cũng đa dạng, thiết thực, không đi vào lý thuyết. Mỗi vấn đề đặt ra đều được giải quyết bằng những giải pháp ngắn gọn, cụ thể.

Không chỉ dành cho các em học sinh tự học, thực hành theo nhóm, sách có thể giúp cha mẹ rèn luyện con cái có kỹ năng tốt, giúp thầy cô tổ chức cho các em học tập trong các giờ ngoại khóa.

Điều đặc biệt là bộ sách này được thiết kế thành 2 sản phẩm song hành, một dành cho học sinh và một dành cho giáo viên. Với sách dành cho học sinh, trong mỗi bài học đều có thiết kế sẵn mục đích, yêu cầu cần đạt và được viết dựa trên những hoạt động thực tế nên các em có thể tự đọc và hiểu dễ dàng.

Chia sẻ của PGS. TS Huỳnh Văn Sơn, bộ sách đã sử dụng kĩ thuật quan trọng là đặt ra các lát cắt về kĩ năng sống theo từng nhóm kĩ năng khác nhau. Trong từng nhóm kĩ năng, mỗi kĩ năng lại được phân bổ sao cho đảm bảo tính logic. Các kĩ năng này được đặt trong một ma trận để phục vụ cho mục tiêu của nhân cách con người toàn diện, theo mô hình của chương trình giáo dục phổ thông tổng thể mới.

“Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể ra đời vào đúng giai đoạn chúng tôi chuẩn bị hoàn thiện bộ sách. Một lần nữa, chúng tôi có cơ hội so sánh những gì đã làm với mô hình nhân cách của chương trình giáo dục mới” - PGS Huỳnh Văn Sơn chia sẻ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ