Rèn kỹ năng sống qua hoạt động thực tế tại trường

GD&TĐ - Nhằm trang bị cho học sinh kỹ năng sống, ý thức chấp hành pháp luật, các nhà trường đã tổ chức nhiều hoạt động trực quan và mang lại hiệu quả.

Việc hiểu rõ được các quy định pháp luật cơ bản sẽ giúp các em học sinh tự bảo vệ được bản thân mình, nhất là khi tham gia mạng xã hội.
Việc hiểu rõ được các quy định pháp luật cơ bản sẽ giúp các em học sinh tự bảo vệ được bản thân mình, nhất là khi tham gia mạng xã hội.

Hiểu được quy định của pháp luật

Ngày 12/10, Trường THPT Phan Huy Chú - Đống Đa (Hà Nội) đã tổ chức chương trình tuyên truyền với chủ đề "Phòng chống bạo lực, xâm hại và những nguy cơ từ không gian mạng". Tới dự với vai trò chủ giảng là Thiếu tá Lê Mạnh Cường - cán bộ tổ Tội phạm học, Viện Khoa học cảnh sát - Học viện Cảnh sát nhân dân; thiếu tá Nguyễn Hữu Huy đến từ Đội Xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ An ninh Tổ quốc - Công an quận Đống Đa.

Chia sẻ với Báo Giáo dục & Thời đại, cô Cao Thanh Nga - Hiệu trưởng Trường THPT Phan Huy Chú - Đống Đa nhấn mạnh, công tác giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống cho học sinh là một trong những hoạt động quan trọng của nhà trường trong mỗi năm học. Năm học này, khi các em được đi học trực tiếp, nhà trường tiếp tục nối lại hoạt động tuyên truyền về pháp luật cho các em hiểu thêm được những kiến thức cơ bản về một số quy định của pháp luật; kỹ năng sử dụng mạng xã hội thông minh.

Từ trái qua: Cô Cao Thanh Nga - Hiệu trưởng nhà trường tặng hoa cho hai vị khách mời là Thiếu tá Lê Mạnh Cường và Thiếu tá Nguyễn Hữu Huy.

Từ trái qua: Cô Cao Thanh Nga - Hiệu trưởng nhà trường tặng hoa cho hai vị khách mời là Thiếu tá Lê Mạnh Cường và Thiếu tá Nguyễn Hữu Huy.

Tại buổi tuyên truyền, thiếu tá Lê Mạnh Cường đã trực tiếp giao lưu, đặt câu hỏi với các em học sinh về một số tình huống thực tế liên quan đến bạo lực học đường, xâm hại tình dục và kỹ năng khi tham gia mạng xã hội. Vị diễn giả cho biết, học sinh cần có nhận thức rõ ràng rằng, với các hành vi gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng thì khi đủ từ 14 tuổi đã phải chịu trách nhiệm hình sự chứ không phải 18 tuổi như nhiều người lầm tưởng.

Thực tế cho thấy, kể cả trong hay ngoài nhà trường vẫn hay xảy ra tình trạng học sinh bị bắt nạt. Các em nên lựa thời cơ để cầu cứu người lớn trên đường. Nếu bị bắt nạt, học sinh phải báo cho cha mẹ, thầy cô giáo hay Công an hoặc gọi tổng đài 111 để được hỗ trợ, can thiệp kịp thời.

Một trong những vấn đề lứa tuổi học sinh cần phải biết đó là phòng chống xâm hại tình dục (XHTD). Việc có những lời nói cợt nhả về các bộ phận nhạy cảm trên cơ thể hay dụ dỗ, nhất là các em nữ xem các hình ảnh đồi trụy qua mạng xã hội với nhau cũng là một dạng của XHTD. Hành vi phơi bày các bộ phận cơ thể con người là 1 trong các hành vi XHTD ở mức độ thấp. Mức độ cao là các hành vi như hiếp dâm, cưỡng dâm.

Tỉnh táo khi tham gia mạng xã hội

Vị diễn giả đặt câu hỏi giao lưu với các em học sinh Trường Phan Huy Chú.

Vị diễn giả đặt câu hỏi giao lưu với các em học sinh Trường Phan Huy Chú.

Thiếu tá Lê Mạnh Cường dẫn chứng một vụ việc xảy ra ở Đắk Lắk vào năm 2019. Có một nữ sinh tham gia mạng xã hội đã bị kẻ xấu dụ dỗ đi thi hoa hậu bằng cách gửi ảnh thẻ. Sau khi trúng được chiếc thẻ cào điện thoại trị giá 200 nghìn, nữ sinh đã mất cảnh giác, chủ quan nên kẻ xấu tiếp tục gạ gẫm em gửi ảnh hở hang để tham gia cuộc thi hoa hậu.

Sau khi đã có trong tay những hình ảnh nhạy cảm này, kẻ xấu đã hiện nguyên hình và đe dọa nữ sinh phải cho quan hệ tình dục thì mới không phát tán những hình ảnh đó lên mạng. Vụ việc chỉ được phát hiện khi mẹ nữ sinh này thấy con có biểu hiện bất thường rồi báo Công an để xử lý đối tượng theo quy định.

"Vì vậy, các em cần tuyệt đối không chủ quan khi sử dụng mạng xã hội Không kết bạn với người lạ trên internet vì tiềm ẩn nhiều rủi ro. Chỉ nên kết bạn với những người đã quen biết. Đặc biệt, không nhận quà tiền của người lạ. Học sinh không nên khiêu khích nhau trên không gian mạng. Các em nên tìm cách bảo mật tài khoản của mình, không chia sẻ thông tin cá nhân lên mạng, không tin các cuộc thi trên mạng...", Thiếu tá Lê Mạnh Cường nói.

Buổi tuyên truyền đã thành công tốt đẹp với nhiều giá trị thông điệp được gửi đến các em học sinh.

Buổi tuyên truyền đã thành công tốt đẹp với nhiều giá trị thông điệp được gửi đến các em học sinh.

Nữ sinh Linh Đan - học sinh lớp 11D4 chia sẻ: "Thực sự qua buổi tuyên truyền hôm nay em thấy vô cùng ý nghĩa. Các chú Công an và thầy cô đã chỉ cho chúng em biết nhiều kiến thức bổ ích. Em rất tâm đắc với phần nói kỹ năng sử dụng mạng xã hội. Có quá nhiều cạm bẫy trên không gian mạng. Nếu ta không đủ tỉnh táo, khôn ngoan thì rất có thể, chỉ cần hành vi đưa, chia sẻ thông tin sai lên mạng cũng có thể bị xử lý hành chính hoặc hình sự. Đồng thời, em cũng biết thêm về cách phòng chống bạo lực và xâm hại để tự bảo vệ bản thân mình".

Tại Trường THPT Lê Lợi (Hà Đông, Hà Nội) cũng là đơn vị tổ chức nhiều hoạt động giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống cho học sinh. Thầy Lê Xuân Trung - Hiệu trưởng nhà trường cho hay, trường vừa tổ chức lễ trao tặng 1.500 lá cờ Tổ quốc cho các chiến sĩ ngoài hải đảo. Nhà trường đã mời đại diện của Trung tâm đào tạo trực thuộc Bộ Tư lệnh Cảnh sát Biển Việt Nam về trường để tiếp nhận và trực tiếp chia sẻ những trải nghiệm, khó khăn, gian khổ của các chiến sĩ ta đang canh giữ nơi đảo xa. Qua đây, các em học sinh được hiểu hơn về tinh thần yêu nước, ý thức tự tôn dân tộc và giá trị của hòa bình được đánh đổi bằng sự hi sinh của bao lớp cha anh đi trước...

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Giá của thi trên mạng

GD&TĐ - Một phụ huynh có con đang học tại Trường Tiểu học Ngô Quyền (Đà Nẵng) đã mất 55 triệu đồng vì đăng ký cho con dự cuộc thi viết chữ đẹp trên mạng.