Tạo sân chơi hấp dẫn, góp phần nâng cao hiệu quả công tác giáo dục kỹ năng sống

GD&TĐ - Thời gian vừa qua, ngành GD-ĐT đã tích cực triển khai và đổi mới công tác giáo dục kỹ năng sống nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển toàn diện học sinh, phù hợp với chương trình giáo dục phổ thông mới.

Tạo sân chơi hấp dẫn, góp phần nâng cao hiệu quả công tác giáo dục kỹ năng sống

Giáo dục kỹ năng sống là nhiệm vụ quan trọng

Theo ông Nguyễn Trọng Bé- Trưởng phòng GD&ĐT Nghệ An, hoạt động giáo dục kỹ năng sống của các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh thời gian qua khá đa dạng, linh hoạt, cơ bản đáp ứng nhu cầu người học, giúp cho người học hình thành và phát triển những thói quen, hành vi, thái độ tích cực, lành mạnh.

Ở bậc học mầm non, trẻ được tổ chức các hoạt động trải nghiệm theo định hướng lấy trẻ làm trung tâm; sớm hình thành cảm xúc và các kỹ năng xã hội trong khuôn khổ chương trình giáo dục mầm non như kỹ năng tự phục vụ, kỹ năng giao tiếp.

Ở bậc học tiểu học, các trường đã thực hiện tốt việc tuyên truyền nâng cao nhận thức cho đội ngũ cán bộ giáo viên, phụ huynh về giáo dục kỹ năng sống. Giáo dục kỹ năng sống được đưa vào trong chương trình học chính khóa và lồng ghép, tích hợp vào các môn học và hoạt động giáo dục một cách phù hợp, hiệu quả.

Ở bậc trung học, giáo dục kỹ năng sống được thực hiện thông qua các môn học, các hoạt động trong nhà trường đã từng bước trang bị cho học sinh các kỹ năng sống cần thiết, phù hợp với lứa tuổi, giúp học sinh biết sống và ứng xử phù hợp trong các mối quan hệ với những người thân trong gia đình, với thầy cô giáo, bạn bè và những người xung quanh.

Nhờ đó, đa số các em biết sống tích cực, chủ động, hài hòa, lành mạnh, có kỷ luật, có kế hoạch phù hợp với các chuẩn mực đạo đức, pháp luật góp phần phòng, tránh được các nguy cơ gây ảnh hưởng xấu đến sự phát triển thể chất và tinh thần, đảm bảo mục tiêu giáo dục toàn diện trong các nhà trường hiện nay.

Bà Đỗ Thị Hòa- Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hải Phòng cho biết: Sớm nắm bắt về tầm quan trọng của giáo dục kỹ năng sống cho học sinh, sinh viên, ngành GD-ĐT Hải Phòng đã triển khai nhiều Hội thảo từ cấp trường, cụm trường, cấp quận, huyện.

Qua đó xác định công tác giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống và bồi dưỡng lý tưởng cách mạng cho HSSV là một việc làm hết sức cần thiết trong bối cảnh hiện nay, cần thấy rõ rõ vai trò quan trọng của công tác này, từ đó xác định rõ trách nhiệm cao hơn nữa sự phối hợp của các lực lượng giáo dục.

Một trong những thành công lớn của công tác giáo dục kỹ năng sống cho học sinh trong thời gian qua của ngành GD-ĐT Hải Phòng là khai thác thế mạnh của hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp. Sở đã hướng dẫn các đơn vị giáo dục tổ chức một số hoạt động hướng tới việc rèn luyện năng lực cho học sinh như tổ chức cuộc thi vận dụng kiến thức liên môn; triển khai phương pháp dạy học "Bàn tay nặn bột".

Giáo dục kỹ năng sống được thực hiện hiệu quả tại các nhà trường
Giáo dục kỹ năng sống được thực hiện hiệu quả tại các nhà trường

Tạo hứng thú, thu hút đông đảo học sinh tham gia

Về một số khó khăn trong quá trình thực hiện, đại diện Sở GD&ĐT Nghệ An chia sẻ: Hiện tại, công tác chỉ đạo, quản lý về hoạt động giáo dục kỹ năng sống ở Nghệ An ở bậc học nào thì do phòng chuyên môn ở bậc học đó tham mưu triển khai mà chưa quy về một đầu mối quản lý chung, vì vậy sự liên thông và đồng bộ chưa cao, ảnh hưởng đến chất lượng của hoạt động này.

Chương trình, nội dung giáo dục kỹ năng sống hiện nay chủ yếu đang ở dạng tích hợp, lồng ghép trong một số môn học nên chưa có nhiều thời gian để học sinh vận dụng vì vậy các nhà trường lúng túng trong việc lựa chọn, tổ chức các hoạt động; các hoạt động tập thể về giáo dục kỹ năng sống cơ bản mới đảm bảo được chiều rộng đó là cung cấp thông tin, lý thuyết mà chưa đi vào các tình huống thực tế nên việc tiếp nhận và vận dụng vào đời sống hàng ngày của học sinh chưa đạt như mong muốn.

Việc cân bằng định mức lao động ở một số nhà trường ảnh hưởng đến việc bố trí người tổ chức được các hoạt động giáo dục kỹ năng sống vì vậy một số giáo viên làm công tác giáo dục kỹ năng sống tại nhiều trường học hiện nay còn hạn chế về năng lực và thiếu về kinh nghiệm tổ chức các hoạt động.

Công tác chỉ đạo, phối hợp trong quản lý các cơ sở giáo dục kỹ năng sống trên địa bàn giữa Sở và các Phòng GD&ĐT chưa chặt chẽ. Tổng hợp, báo cáo kết quả hoạt động giáo dục kỹ năng sống (6 tháng/lần) của một số cơ sở giáo dục kỹ năng sống (thuộc các công ty) vẫn chưa kịp thời.

Do đó, đại diện Sở GD&ĐT Nghệ An đề xuất cần ban hành cơ chế, chính sách riêng để công tác giáo dục kỹ năng sống được thực hiện một cách đồng bộ, có hiệu quả. Cần có các chương trình tập huấn cho đội ngũ giáo viên làm công tác giáo dục kỹ năng sống cho các trường phổ thông, quy định mức kinh phí, nguồn kinh phí được sử dụng để hỗ trợ các hoạt động ngoại khóa, trải nghiệm với mục đích giáo dục kỹ năng sống cho học sinh phổ thông.

Còn đại diện Sở GD&ĐT Hải Phòng đề xuất 4 giải pháp để nâng cao chất lượng giáo dục kỹ năng sống trong nhà trường gồm: Nâng cao nhận thức của cán bộ giáo viên và học sinh về hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp; đa dạng hóa các hình thức tổ chức các dạng hoạt động; tăng cường năng lực cho các chủ thể tham gia tổ chức hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp; tạo điều kiện tối đa cho học sinh tham gia các hoạt động.

Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hải Phòng Đỗ Thị Hòa cho rằng, để tạo được hứng thú, thu hút đông đảo học sinh tham gia, các nhà trường xây dựng nội dung hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp phù hợp đặc điểm học sinh, cập nhật được thông tin, kiến thức phong phú có cả kiến thức khoa học tự nhiên, kiến thức xã hội, có cả yếu tố hài ước.

Hình thức tổ chức các hoạt động cần đa dạng, hấp dẫn học sinh. Chẳng hạn giờ chào cờ, nội dung phong phú bao hàm cả nội dung nhận xét, thông báo kế hoạch các hoạt động và chủ đề tháng, hình thức đa dạng, khen thưởng, động viên, khích lệ kịp thời, phê bình đánh giá, uốn nắn hành vi lệch lạc, tổ chức sân chơi, thuyết trình hay báo cáo.

Nhà trường cần đổi mới các hoạt động giáo dục, tổ chức hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp dưới dạng sân chơi như Rung chuông vàng, Olympia,  Hành trình văn hoá, Nhịp nối trái tim, tạo điều kiện cho học sinh tham gia hoạt động xã hội, tham quan các cơ sở sản xuất, tham gia các cuộc thi tìm hiểu, viết thư, các dạng câu lạc bộ bộ môn, tổ chức hoạt động tập thể để giáo dục truyền thống, giáo dục lý tưởng cách mạng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Lễ kết nạp đảng viên đối với anh Nguyễn Cảnh Cường (bìa trái) - Giám đốc thú y cụm trang trại 2 kiêm chuyên gia thú y của Dự án chăn nuôi bò sữa TH ở Nga.

Phía sau những ly sữa tươi sạch

GD&TĐ - Một trong những yếu tố căn bản phía sau làm nên thương hiệu sữa tươi TH chính là kinh nghiệm trong công tác xây dựng Đảng của Đảng bộ Công ty.