Đối với thơ, do nhiều ưu điểm nổi bật là giàu hình ảnh, nhịp điệu; giàu chất nhạc, chất họa; có vần điệu dễ nhớ, dễ thuộc, dễ đi vào lòng người nên được các em học sinh yêu thích (nhất là lứa tuổi THCS, THPT).
Nắm được tâm lý lứa tuổi đó, tôi thường sử dụng những vần thơ hay trong các bài thơ (chủ yếu ngoài chương trình, có chọn lọc kỹ càng, cẩn thận) để giáo dục các em về kỹ năng sống.
Trước hết là khâu chọn đoạn thơ, khổ thơ, câu thơ hay. Những câu thơ này phải có xuất xứ, có “chính chủ”; tuyệt đối không chọn trên mạng vì nhiều khi bị “tam sao thất bản”, không chính xác.
Muốn có được những câu thơ hay, cần tham khảo những cuốn sách chọn lọc thơ hay như cuốn: “100 bài thơ chọn lọc thế kỷ 20” (Gia Dũng biên soạn, tuyển chọn, NXB Hội Nhà văn, 2007); cuốn “Thơ hay Việt Nam thế kỷ XX” (Nhà thơ Nguyễn Bùi Vợi - Nhà thơ Quang Huy tuyển chọn và giới thiệu - NXB Văn hóa thông tin và Công ty Văn hóa trí tuệ Việt, 2006); cuốn “Tinh hoa thơ Việt” (NXB Hội Nhà văn, 2007); đặc biệt là cuốn “Nghìn câu thơ tài hoa Việt Nam” ( Nguyễn Vũ Tiềm, Sưu tầm - Tuyển - Dịch; NXB Hội Nhà văn, 2013)…
Tiếp theo là đưa vào như thế nào cho hợp lý, hấp dẫn? Đó là khi liên hệ thực tế, liên hệ bản thân trong bài dạy đúng lúc, đúng chỗ. Ví dụ khi dạy bài “Công dân với tình yêu, hôn nhân và gia đình” (môn Giáo dục công dân, lớp 10), tôi đọc diễn cảm khổ thơ trong bài “Chia tay trong đêm mùa hạ” (Trần Thị Nhơn): “Một tối mùa hè anh gõ cửa phòng em/ Rồi đứng đợi dưới hàng cây sẫm tối/ Em mở cửa là rèm bay bối rối/ Lần đầu tiên hò hẹn trong đời”.
Tôi tiếp tục phân tích là khi đến nhà bạn, nhà người khác thì phải gõ cửa. Khi người nhà, hoặc bạn đang chuẩn bị thì không được đứng trước cửa nhìn vào mà phải ra phía ngoài chờ đợi, được phép vào mới vào. Con người lịch sự, tinh tế là phải như vậy! Các em tỏ ra rất thích thú và nhớ mãi những hình ảnh, những câu thơ này …
Hoặc khổ thơ trong bài “Ngày em xa” (Nguyễn Bùi Vợi): “Em ở nhà có lúc anh gắt con/ Bố có giận còn nương níu mẹ/ Nay anh bù cho lòng con trẻ/ Một chút em thôi cũng khó khăn rồi”. Trong cuộc sống gia đình, có lúc con chưa ngoan thì cha mẹ phải dạy (có người dùng roi nhỏ, có người la mắng, gắt gỏng…) nhưng một trong hai người phải biết kiềm chế để cho con còn có chỗ dựa tinh thần! Nếu cả cha và mẹ cùng nhào vô đánh con thì nó sẽ bị tổn thương tâm lý, không có ai nương níu, chia sẻ!
Những vần thơ tình yêu như: “Đời anh sẽ nghèo đi biết mấy/ Nếu Mẹ hiền ngày trước chẳng sinh em/ Cầm tay nhau rạng rỡ mắt em nhìn/ Cảm ơn Mẹ tháng năm dài vất vả” (Lưu Quang Thuận) luôn được học sinh háo hức đón nhận. Phía sau câu thơ là phải biết ơn đấng sinh thành, biết ơn tất cả cuộc đời đã vun xới, dạy cho em điều hay lẽ phải…
Sức cuốn hút mạnh mẽ của văn chương, của thơ ca là vậy. Nó khơi dậy lòng nhân, khơi dậy những gì tốt đẹp còn ẩn náu trong tâm hồn các em. Những kỹ năng sống, những phép ứng xử ở đời trong những vần thơ hay sẽ được các em mang theo, trở thành hành trang quý giá khi bước vào ngưỡng cửa cuộc đời…