Giáo dục kỹ năng sống qua những điều "thầm kín"

GD&TĐ - Giáo dục giới tính cho học sinh tiểu học để giúp trẻ tự bảo vệ bản thân khi vấn nạn xâm hại tình dục ở trẻ em đang ngày càng đáng quan ngại.

Những giờ sinh hoạt ngoại khóa giáo dục giới tính bổ ích tại Trường Tiểu học Nghĩa Hiệp.
Những giờ sinh hoạt ngoại khóa giáo dục giới tính bổ ích tại Trường Tiểu học Nghĩa Hiệp.

Giúp học sinh mạnh dạn, tự tin

Với vai trò là Tổng phụ trách Đội, cô Nguyễn Trà My - giáo viên Trường Tiểu học Hoàng Văn Thụ (quận Hoàng Mai, Hà Nội) đã tổ chức nhiều phong trào sôi nổi, sân chơi sáng tạo thu hút đông đảo học sinh tham gia; giúp các em được nói, được chơi, chia sẻ, bày tỏ cảm xúc, mong muốn, và đặc biệt là mạnh dạn, tự tin trong cuộc sống.

Theo cô My, do cuốn theo công việc, nhiều phụ huynh không dành thời gian trò chuyện với con, quan tâm, nắm bắt tâm lý, tình cảm, cuộc sống của con. Chính sự thiếu quan tâm, lắng nghe, gần gũi con là nguyên nhân khiến cho quan hệ gia đình ngày càng trở nên lỏng lẻo, con trẻ dễ rơi vào tình trạng hụt hẫng, không có người tâm sự, chia sẻ, thậm chí hành xử theo bản năng.

Cũng chính vì thế, vai trò của các thầy, cô giáo lại càng trở nên quan trọng. Không chỉ là người dạy kiến thức, cô giáo phải là mẹ, là bạn, kiêm luôn các vai trò của bác sĩ, ca sĩ, họa sĩ để học sinh noi theo. Do đó, trong mỗi giờ lên lớp, cô My luôn trăn trở, đầu tư tâm huyết xây dựng bài giảng, chú trọng lồng ghép với giáo dục kỹ năng sống, đạo đức, tạo lối sống lành mạnh, giàu lòng nhân ái cho các em.

Cô My cho biết: Ngày nay hiện tượng dậy thì sớm ở học sinh cuối cấp tiểu học không còn hiếm gặp nên việc dạy các em những bài học liên quan đến giới tính vô cùng quan trọng. Điều này giúp các em có hiểu biết, kỹ năng về giới tính để chấp nhận sự thay đổi của cơ thể, không đi lệch lạc, hiểu sai về giới tính và có kỹ năng phòng chống khi bị xâm hại.

Môn Khoa học lớp 5 có rất nhiều bài giảng có thể lồng ghép để thực hiện giáo dục giới tính, kỹ năng sống cho học sinh. Ví dụ, trong bài học Vệ sinh tuổi dậy thì, cô giáo chia lớp thành 2 đối tượng là nam và nữ để dễ dàng trao đổi, hướng dẫn cặn kẽ, cụ thể các bước vệ sinh cơ thể, cách thay băng vệ sinh.

Cũng theo cô My, trong chương trình lớp 5, ngoài môn Khoa học, còn nhiều môn học khác có thể thực hiện lồng ghép nội dung giáo dục giới tính như Tiếng Việt, Đạo đức, Giáo dục thể chất. Ví dụ như trong môn Tiếng Việt lớp 5, hầu hết các bài học thuộc chủ điểm nam và nữ nên có thể tích hợp nội dung giáo dục giới tính. Còn trong môn Giáo dục thể chất, học sinh cũng được giáo dục về giới tính qua việc chọn các môn thể thao phù hợp.

Em Nguyễn Thảo Trang, học sinh lớp 5A Trường Tiểu học Hoàng Văn Thụ, tâm sự: Trước đây, em cảm thấy xấu hổ khi nhắc đến những từ như “ngực”, “vùng kín” và không biết khi có kinh nguyệt cần thay băng vệ sinh bao nhiêu lần một ngày. Sau khi được cô giáo kể chuyện, hướng dẫn, em thấy những chuyện tưởng như thầm kín này rất bình thường và ai cũng cần phải học để biết.

Cô Nguyễn Trà My và học sinh Trường Tiểu học Hoàng Văn Thụ.
Cô Nguyễn Trà My và học sinh Trường Tiểu học Hoàng Văn Thụ.

Tự tin bày tỏ điều thầm kín

Để giúp học sinh hiểu hơn về giới tính cũng như có các kỹ năng để phòng tránh xâm hại nói chung và xâm hại tình dục nói riêng, Trường Tiểu học Nghĩa Hiệp (huyện Đức Trọng, Lâm Đồng) thường xuyên tổ chức buổi ngoại khóa có tên gọi: Giáo dục vệ sinh tuổi dậy thì và phòng tránh xâm hại tình dục cho học sinh khối lớp 5.

Cô Nguyễn Hồng Thanh - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nghĩa Hiệp - cho hay: Trong chương trình môn Khoa học lớp 5, học sinh được tiếp cận với các vấn đề về giới tính, sự phân biệt giữa nam và nữ, vệ sinh tuổi dậy thì, phòng tránh xâm hại, nhưng nội dung chưa sâu, hình ảnh minh họa chưa phong phú. Tuy nhiên, không ít giáo viên vẫn còn e ngại và lúng túng khi đề cập đến những vấn đề này trong bài học, giờ dạy.

Do đó, việc tổ chức các buổi sinh hoạt ngoại khóa sẽ giúp học sinh và thầy cô cởi mở hơn khi truyền đạt kiến thức đến học sinh. Tuổi dậy thì bắt đầu từ khi nào, các dấu hiệu nhận biết, vùng kín cần vệ sinh sạch sẽ ra sao, những hình thức lạm dụng, xâm hại tình dục trẻ em... là nội dung được các cô giáo khối 5 truyền tải tới học sinh qua lời giảng giải ân cần kèm hình ảnh minh họa sinh động từ máy chiếu.

Với những bài học mang nội dung giáo dục giới tính dễ khiến học sinh ngại ngùng khi học bài. Một phần do đặc điểm về tâm sinh lý lứa tuổi học sinh lớp 5, các em đã có nhiều hiểu biết về bản thân. Thực tế có không ít em đã và đang trong giai đoạn dậy thì. Mặt khác, đối với giáo viên, nhất là những giáo viên trẻ, thường bối rối khi dạy về nội dung kiến thức này.

Chia sẻ điều này, cô Nguyễn Thúy Hạnh – giáo viên Trường Tiểu học Nghĩa Hiệp - cho biết: Chương trình giáo dục giới tính khi được đưa vào giờ học ngoại khóa sẽ giúp các em nâng cao nhận thức, tránh tình huống xấu xảy ra. Buổi sinh hoạt ngoại khóa được chia làm 2 ca cho các học sinh nam và nữ. Chính vì vậy, các em đã thoải mái hơn để bộc lộ những thắc mắc thầm kín liên quan đến giới tính của bản thân, không còn những ngượng ngùng, xấu hổ như trước.

Qua buổi sinh hoạt ngoại khóa, em tìm hiểu được nhiều kiến thức về tuổi dậy thì. Ngoài ra, được trải nghiệm, nghe những lời khuyên, tư vấn từ các cô giáo để có thêm kiến thức bổ ích, giúp em mạnh dạn, tự tin, cởi mở, thoải mái hơn trong giai đoạn tuổi dậy thì cũng như có kỹ năng cơ bản để phòng chống xâm hại tình dục. - Nguyễn Hồng Hạnh (học sinh lớp 5B Trường Tiểu học Nghĩa Hiệp)

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ