Kết hợp giáo dục kỹ năng sống cho học sinh qua những giờ học Địa lý

GD&TĐ - Địa lý là môn học cung cấp cho học sinh những hiểu biết về tự nhiên và xã hội. Do vậy, nhiều giáo viên đã khéo léo kết hợp việc giáo dục kỹ năng sống cho học sinh trong môn học này.

Cô Nguyễn Thị Dung nhận giải thưởng nhà giáo Hà Nội tâm huyết sáng tạo năm 2021
Cô Nguyễn Thị Dung nhận giải thưởng nhà giáo Hà Nội tâm huyết sáng tạo năm 2021

Những giờ học hấp dẫn, thú vị

Gần 15 năm gắn bó với nghề dạy học, cô Nguyễn Thị Dung - giáo viên Trường THCS Lương Thế Vinh (huyện Đan Phượng, Hà Nội) luôn dành hết tâm huyết cho nghề và có nhiều sáng kiến độc đáo để biến những giờ học Địa lý thành những giờ học hấp dẫn, thú vị.

Để môn Địa lí trở thành một môn học thú vị, cô Dung đã tổ chức giờ học một cách sáng tạo giúp việc dạy và học trở nên vui vẻ, kích thích sự tò mò, khơi nguồn, truyền cảm hứng để học sinh cảm thấy tiết học nhẹ nhàng, bổ ích, giúp học sinh phát huy tối đa năng lực của mình.

Đặc biệt trong các giờ học Địa lý, cô giáo đã khéo léo cung cấp cho học sinh những kiến thức về kỹ năng sống như: Hình thành và phát triển ở học sinh kĩ năng thu thập, xử lí và trình bày thông tin địa lý; kĩ năng sử dụng các công cụ địa lý; kĩ năng vận dụng tri thức để bước đầu tham gia giải quyết những vấn đề của cuộc sống phù hợp với khả năng của học sinh.

Nguyễn Hồng Hạnh, học sinh lớp 8A1 cho biết, em rất hứng thú với những giờ học Địa lý và rất mong đợi đến giờ học môn này. Các bài giảng của cô giáo rất hấp dẫn, thú vị và rất gần gũi với cuộc sống. Qua các bài giảng, em hiểu hơn nhiều về cuộc sống xung quanh, hiểu được các sự vật hiện tượng mà em chưa biết như tại sao lại có thủy triều, mưa lũ.. Em thấy các kiến thức của môn học hết sức thú vị.

Trong thời đại 4.0, việc tăng cường sử dụng công nghệ thông tin là rất cần thiết. Do vậy, cô Dung đã tích cực học hỏi và ứng dụng công nghệ thông tin trong mọi nhiệm vụ giáo dục. Tất cả các các giờ học đều được cô thực hiện bằng giáo án điện tử, hướng dẫn cho học sinh biết làm bài trình chiếu Powerpoint, ứng dụng công nghệ vào các hoạt động của CLB STEM.

Chú trọng cách học Địa lý thông qua “Hiểu bản chất”, cô giáo hướng dẫn học sinh học qua khai thác biểu đồ, bảng số liệu, đọc bản đồ, lược đồ tranh ảnh, kết hợp với kênh chữ và những hiểu biết và kiến thức đã học để rút ra bài học và kiến thức mới, không chú trọng kiểu "học thuộc lòng”.

Bằng các kĩ năng được rèn luyện và những dàn ý cơ bản về các đặc điểm tự nhiên, dân cư, kinh tế xã hội đã được cô hướng dẫn qua các tiết học đặc biệt là các tiết trải nghiệm, thực hành giúp học sinh lĩnh hội kiến thức Địa lí một cách nhẹ nhàng tự nhiên và hiệu quả.

Cô Dung cho rằng giáo dục phải làm cho người học thích học, đánh giá phải là một động lực giúp người học phấn đấu và thích vươn lên, đánh giá được dùng như một phương tiện để hỗ trợ học tập, hướng đến sự tiến bộ của người học.

Chính vì vậy ngoài tổ chức các hoạt động học tập trải nghiệm vui, cô luôn kết hợp đánh giá theo sát sự tiến bộ của học sinh. Trong đánh giá thường xuyên, cô cho điểm học sinh qua các sản phẩm dự án, mô hình, thiết kế video. Nhờ đó, học sinh hào hứng thích được kiểm tra nhiều hơn cách kiểm tra truyền thống, cuối mỗi tiết học, học sinh đều rất háo hức được giao nhiệm vụ mới.

Cô Dung trong một giờ dạy học trực tuyến
Cô Dung trong một giờ dạy học trực tuyến

Áp dụng những phương pháp giáo dục mới

Trong mỗi bài giảng của mình, cô Dung áp dụng triệt để các phương pháp giáo dục mới nhằm phát huy năng lực học sinh như giao cho các em nhiệm vụ chuẩn bị bài ở nhà, hướng dẫn lựa chọn các hình thức như tiểu phẩm, đóng vai, trò chơi để “khởi động” đầu giờ học, hoặc lựa chọn các hiện tượng thực tế có liên quan tới bài học để tạo hứng thú, kích thích sự tò mò cho học sinh tìm câu trả lời.

Việc ứng dụng các kĩ thuật dạy học mới giúp học sinh hứng thú, nhớ lâu, nhớ sâu bài học, phát triển năng lực phẩm chất cho học sinh. Rất nhiều những tình huống thực tế, những hiện tượng tự nhiên gần gũi trong cuộc sống có thể đặt vấn đề để học sinh quan sát, phân tích, tính toán, giải thích và rút ra những kiến thức mới bổ ích gắn liền và áp dụng vào cuộc sống.

Trong các tiết ôn tập, cô giao cho học sinh chuẩn bị các trò chơi theo bộ câu hỏi, các em sẽ chuẩn bị phương án và triển khai trên lớp dưới dạng các trò chơi. Các hoạt động của học sinh luôn rõ ràng về nhiệm vụ, được cô hướng dẫn chi tiết và có thang đánh giá cụ thể nên học sinh luôn chủ động và háo hức thực hiện, chủ động tổ chức và thể hiện bản thân.

Trong thời gian dạy học trực tuyến, cô giáo đã khai thác triệt để tính năng phòng học Zoom, phối hợp chọn lọc các phần mềm như Padlet, Lino để tổ chức dạy học linh hoạt và áp dụng các kĩ thuật dạy học mới trong dạy học trực tuyến. Cô đã sưu tầm các hình ảnh 3D sống động, các bài tập tương tác trực tiếp trên phần mềm giúp học sinh dễ tư duy, nắm chắc được kiến thức trong bài học.

Đặc biệt, cô Dung đã áp dụng thành công mô hình “Lớp học đảo ngược” trong dạy học trực tuyến, xây dựng thư viện bài giảng e-learning, gửi link bài giảng để học sinh chuẩn bị bài học ở nhà. Việc hoàn thiện phiếu học tập trên Padlet với kĩ thuật KLW đã giúp cô nắm được học sinh đã học được gì, còn điều gì chưa hiểu để tổ chức các hoạt động học trên lớp phù hợp.

"Sau một thời gian áp dụng các biện pháp, tôi đã nhận thấy hiệu quả của giờ học tăng lên rõ rệt. Học sinh đã tích cực, chủ động tham gia vào các hoạt động học tập. Giờ học sôi nổi hơn rất nhiều, các em cảm thấy hứng thú hơn, tự tin hơn trong các hoạt động học tập. Đặc biệt là năng lực sáng tạo và năng lực nghiên cứu khoa học của học sinh luôn được phát huy”- cô Dung chia sẻ.

Nhận xét về đồng nghiệp, cô Nguyễn Thị Thuý- Hiệu trưởng Trường THCS Lương Thế Vinh chia sẻ: Đảm nhận giảng dạy bộ môn Địa Lý, môn học được xem là khó và ít hứng thú đối với nhiều học sinh. Vì vậy, cô Dung đã tìm tòi những phương pháp, các phần mềm hỗ trợ để giờ dạy sinh động, linh hoạt trong từng bài giảng. Các phương pháp của cô đã khơi gợi sự sáng tạo của học sinh, giúp các em say mê môn học này.
Gần 14 năm đứng trên bục giảng, cô Dung không ngừng tự học hỏi nâng cao trình độ chuyên môn trong công tác giảng dạy. Nhiều năm liền cô luôn đạt thành tích là giáo viên dạy giỏi cấp thành phố, cấp huyện; chiến sĩ thi đua cấp cơ sở. Vừa qua, cô Dung đã vinh dự được trao tặng danh hiệu Nhà giáo Hà Nội tâm huyết sáng tạo năm 2021.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Rosemarie Dehesa thường đăng video về việc cô ăn nhiều loại thực phẩm. Ảnh: Rosemarie Martin Dehesa/CNN

Lo ngại trước xu hướng mukbang

GD&TĐ - Từ 'mukbang' bắt nguồn từ sự kết hợp của các từ tiếng Hàn 'meokda', có nghĩa là ăn, và 'bangsong', có nghĩa là phát sóng.

Giới trẻ Trung Quốc bình thường hóa ly hôn như hẹn hò. Ảnh: Edition.cnn.com

Bùng nổ chụp ảnh... ly hôn

GD&TĐ - Nếu tỷ lệ kết hôn ở Trung Quốc đang ngày càng giảm mạnh thì tỷ lệ ly hôn lại gia tăng nhanh.

Minh họa/INT

Sốt mò

GD&TĐ - Sốt mò là bệnh truyền nhiễm cấp tính thuộc nhóm C trong Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm.