Những ý tưởng xây dựng lớp học hạnh phúc

GD&TĐ - Trở về từ chương trình “Thầy cô chúng ta đã thay đổi”, các cô giáo nhận ra rằng: Khi bản thân giáo viên thay đổi, học sinh sẽ thay đổi, bởi khi giáo viên hạnh phúc học sinh mới hạnh phúc và trường học trở thành trường học hạnh phúc. Các cô đã nhận ra những điểm còn tồn tại của mình, nhìn vào những góc khuất của riêng mình.

Cô Hà Thu Hiền - giáo viên Trường THPT Ngô Thì Nhậm (Hà Nội). Ảnh: NVCC
Cô Hà Thu Hiền - giáo viên Trường THPT Ngô Thì Nhậm (Hà Nội). Ảnh: NVCC

Hạnh phúc từ những điều bình dị

Là một trong 8 giáo viên có mặt tại chương trình “Thầy cô chúng ta đã thay đổi”, cô Hà Thu Hiền - giáo viên Trường THPT Ngô Thì Nhậm (huyện Thanh Trì, Hà Nội) chia sẻ: Một trong những vấn đề lớn nhất của cô là áp lực do khối lượng chương trình cho mỗi tiết học, thành tích từ nhà trường, phụ huynh, khiến cô cảm thấy “rất khó để đổi mới”.

Trong lớp học, cô Hiền rất tận tụy và quan tâm đến HS, đặc biệt là những em có học lực yếu. Cô có thói quen đi từng bàn kiểm tra vở của các em. Nhưng những lời khen ngợi, khuyến khích trong lớp học của cô rất hiếm hoi. Cô chỉ ra những lỗi sai của các em từ cách làm bài, chữ viết, giữ gìn sách vở một cách khá nghiêm khắc và căng thẳng. Những lúc ấy, HS thậm chí không dám nhìn thẳng vào cô.

Nhưng rồi sau đó cô Hiền nhận ra, trong khi cô cho rằng việc đi lại kiểm tra bài của HS trong lớp là bình thường, không thấy học sinh phản ứng gì, thì chính các em lại cho rằng, mỗi lần cô kiểm tra bài, các em thấy sợ thót tim, hồi hộp, bối rối. Cô Hiền cũng nhận ra bản thân mình thiếu sự hài hước trong lớp học, ít khi cười. Đặc biệt, khi cô được giao dạy lớp chọn, áp lực từ phía nhà trường và phụ huynh rất lớn. Điều đó khiến cô phải gấp gáp, căng thẳng, không có thời gian giúp các em thư giãn và cảm thấy thoải mái.

Sau nhiều tháng kiên trì và tìm ra giải pháp cho vấn đề ở lớp học của mình, cô Hiền dần thay đổi được không khí lớp học. Học sinh của cô sôi nổi hơn, cô hay cười hơn, khích lệ các em nhiều hơn và sự tương tác giữa giáo viên và HS cũng tốt hơn. Điều quan trọng nhất sau sự thay đổi của cô Hiền là HS của cô đã nói, nhờ cô thay đổi mà chúng em hiểu bài hơn.

Tôi đã học cách chấp nhận có những lỗi sai của học trò và sẽ kiên nhẫn, tận tình hướng dẫn các em cách sửa sai thay vì cáu giận như trước kia. Tôi cũng đã học cách lắng nghe vì nhờ đó tôi mới hiểu các học trò của mình, mới có thể giúp các em một cách hiệu quả. Và quan trọng hơn cả, tôi đang học cách sống hạnh phúc trong từng khoảnh khắc, học cách cảm nhận hạnh phúc từ những điều bình dị nhất như ánh mắt học trò sáng lên mỗi khi hiểu bài, hay một câu nói hồn nhiên, một biểu cảm yêu thương từ các em - cô Hiền chia sẻ.

Sau rất nhiều trải nghiệm trong nghề, cô Hiền đã thật sự nhận ra hạnh phúc đến từ những điều rất nhỏ bé và bình dị chứ không phải là điều gì đó to tát, xa vời. Cô cũng xác định được ngoài việc tạo dựng mối quan hệ yêu thương hiểu biết lẫn nhau giữa cô và trò thì giáo viên cũng phải không ngừng tự tìm tòi, tự bồi dưỡng chuyên môn để ngày càng có nhiều tiết học tốt, thu hút được học trò.

Hành trình thấu hiểu học trò

Cô Nguyễn Thị Hiền Lương, giáo viên Trường THCS Thăng Long (Hà Nội). Ảnh: NVCC
Cô Nguyễn Thị Hiền Lương, giáo viên Trường THCS Thăng Long (Hà Nội). Ảnh: NVCC 

Cũng là nhân vật trong chương trình “Thầy cô chúng ta đã thay đổi”, cô Nguyễn Thị Hiền Lương, giáo viên Trường THCS Thăng Long (quận Ba Đình, Hà Nội) tự đánh giá mình là người có nhiều cảm xúc và tự nhận điểm yếu của mình là khó kiểm soát cảm xúc của bản thân. Quan sát lớp học của cô Lương có thể nhận thấy đó là một lớp học vui vẻ, cô giáo vui tính, tự tin, tỉ mỉ, tâm lý với học sinh.

Nhưng bên cạnh những giờ học vui vẻ, lớp học của cô còn có những màn “đấu tố” những lỗi sai, những lời phê bình, trách mắng. Với một học sinh không mặc áo đồng phục khi xếp hàng dưới sân trường, cô lớn tiếng phê bình em trước cả lớp. Trong trường hợp này, vô tình cô đã gieo vào đầu các em suy nghĩ đối phó với việc kiểm tra của nhà trường.

Đỉnh điểm, một HS đã bật khóc trước lớp khi ấm ức cho rằng bạn mình cũng nói chuyện riêng mà không bị phạt. Tuy nhiên, cô không hề chú ý tới cảm xúc của em học sinh đó. Cô Lương quan niệm rằng, bên cạnh việc khen ngợi, nêu gương những tấm gương tốt thì giáo viên cần phải chỉ ra và phê bình khi các em làm chưa tốt để các con rút kinh nghiệm.

Tuy nhiên, theo phân tích của các chuyên gia, học sinh cấp 2 đang trong độ tuổi dậy thì; các em có lòng tự trọng rất cao và rất coi trọng hình ảnh bản thân trong mắt các bạn. Việc cô trách mắng to tiếng với các em sẽ khiến các em xấu hổ và khó kiểm soát cảm xúc. Cô Lương nhận ra những hình ảnh tiêu cực của bản thân và muốn thay đổi.

Sau đó, tại các giờ học, cô Lương đã cười với HS nhiều hơn và không phê bình các em. Những thay đổi của cô đã được học sinh nhìn thấy và hưởng ứng tích cực. Cô đứng trước lớp thừa nhận những sai lầm của mình và hứa với các em sẽ ghi nhớ và sửa đổi. Cô đã đặt một mục tiêu gần hơn là thấu hiểu, quan tâm đến cảm xúc của học trò nhiều hơn.

“Phần lớn nhờ học trò mà tôi cảm thấy mình phải thay đổi. Học trò là người dạy lại mình. Tôi học được ở các em bài học vô cùng quý giá, đó là lòng bao dung. Mặc dù hôm nay chúng ta có quát mắng chúng, ngày mai cáu giận chúng đi chăng nữa, thì chúng vẫn dành cho mình tình yêu thương. Dù ở hiện tại hay trong tương lai, khi mình tốt với trò, trước sau gì chúng sẽ cảm nhận được tình yêu thương đó”.

Cô Lương nhận ra mình phải có nhiều câu nói tích cực hơn để khuyến khích HS, dần biết chấp nhận sự khác biệt của học trò. “Tôi không còn bắt con cá phải leo cành cây. Tôi chấp nhận con tôi không giỏi Toán vì cháu ước mơ làm đầu bếp. Tôi không bắt lũ trẻ phải học giỏi toàn diện vì tôi biết nhân vô thập toàn. Tôi giúp chúng tìm và phát huy thế mạnh của mình”.

“Chúng tôi đã và đang trên con đường tìm hạnh phúc, hạnh phúc cho mình, cho lứa học sinh của mình và cho tất cả mọi người. Con đường đó không hề đơn giản. Nhưng với khát khao thay đổi tự thân của mỗi giáo viên thì tất cả chúng ta sẽ làm được. Nền giáo dục của chúng ta sẽ là nền giáo dục hạnh phúc, đào tạo ra những con người hạnh phúc” - cô Lương chia sẻ.

Tôi đã học cách chấp nhận có những lỗi sai của học trò và sẽ kiên nhẫn, tận tình hướng dẫn các em cách sửa sai thay vì cáu giận như trước kia. Tôi cũng đã học cách lắng nghe vì nhờ đó tôi mới hiểu các học trò của mình, mới có thể giúp các em một cách hiệu quả. Và quan trọng hơn cả, tôi đang học cách sống hạnh phúc trong từng khoảnh khắc, học cách cảm nhận hạnh phúc từ những điều bình dị nhất như ánh mắt học trò sáng lên mỗi khi hiểu bài, hay một câu nói hồn nhiên, một biểu cảm yêu thương từ các em - cô Hiền chia sẻ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ