Nỗ lực học để được tham gia hoạt động Đoàn
Thái Hà hiện là sinh viên lớp CLC Khoa Vật lí - Trường ĐHSP Hà Nội, Phó Chủ tịch Hội sinh viên Trường.
Ngay từ khi bước chân vào giảng đường ĐH, cô sinh viên xinh xắn đã gây ấn tượng đặc biệt với lớp bởi bảng dài thành tích: Giải Nhì học sinh giỏi môn Vật lí cấp tỉnh năm lớp 12; là đại biểu tham gia chương trình giao lưu thanh thiếu nhiên Nhật Bản - ASEAN (Jenesys 2010); đạt học bổng Thắp sáng ước mơ của chương trình Khi tôi 18 - Trung ương Đoàn năm 2011.
Hà cũng từng là Phó bí thư Đoàn trường THPT chuyên Lê Hồng Phong (Nam Định); nhận bằng khen của Thành Đoàn Nam Định cho các cán bộ Đoàn xuất sắc.
Từ bước đệm của thành tích phổ thông, trên giảng đường ĐH, cô sinh viên sư phạm nhiều năm liền đạt danh hiệu Sinh viên 5 tốt, Sinh viên Thủ đô thời đại mới. Được nhận giấy khen thành tích hoạt động xuất sắc của Hội Sinh viên Thành phố Hà Nội; giấy khen thành tích xuất sắc trong Chiến dịch tình nguyện mùa hè năm 2014 của Đoàn Thanh niên trường ĐHSP HN.
Gần đây nhất, Hà “ẵm” thêm danh hiệu Hoa tháng Giêng của hội sinh viên Trường ĐHSP Hà Nội cho các cán bộ Hội xuất sắc năm 2014.
Câu chuyện hoạt động Đoàn được Hà kể với tất cả niềm say mê: Hồi tiểu học, mình từng tham gia đội văn nghệ của nhà trường, chuẩn bị các tiết mục văn nghệ cho các ngày lễ lớn. Lúc đầu bố mẹ cũng không đồng ý vì lo ảnh hưởng nhiều đến học tập.
Mình đã giấu bố mẹ tham gia, nhưng cũng đồng thời cố gắng hết sức học tốt hơn. Nhờ vậy, dần dần bố mẹ cũng thoải mái hơn. Thậm chí sau đó còn động viên mình tham gia hoạt động vì nhận ra hoạt động chúng giúp mình nhanh nhẹn và năng động hơn rất nhiều.
Thật lạ là, kỉ niệm nhớ nhất trong suốt quãng thời gian hoạt động Đoàn hội, với Hà đó là những lần đi ăn sau khi chương trình thành công.
Hà tâm sự, với nhiều bạn, đó là lúc người ta đi ăn đêm, thảnh thơi thư giãn sau một ngày vất vả thì với chúng em đó mới bắt đầu bữa tối. Khi làm ai cũng cố gắng hết sức, suy nghĩ và lo lắng nên không cảm thấy mệt nhưng khi kết thúc mới thấy rã rời.
Tuy vậy, niềm vui lấp lánh trong mắt mỗi thành viên, cùng kể lại những điểm ấn tượng nhất trong chương trình và cảm xúc của mình. Đó là những câu chuyện vô cùng thú vị, và dường như có sợi dây liên kết nhau trong tâm tưởng, tinh thần, để đến chương trình sau lại tìm đến cùng nắm tay nhau như người trong gia đình.
“Những kinh nghiệm từ hoạt động Đoàn, Hội chính là những bài học về kĩ năng sống chân thực, gần gũi và dễ hiểu nhất, từ đó mình có thể vận dụng vào trong cuộc sống hàng ngày, nhất là cho nghề nghiệp của mình sau này - những thầy cô giáo tương lai” - Hà bày tỏ.
Đam mê mới thành công
Chia sẻ kinh nghiệm trong hoạt động Đoàn, Hà cho biết không thể thiếu nhiệt huyết, đam mê:
Các cán bộ Đoàn Hội chủ chốt trước hết phải là những người có sự đam mê và nhiệt huyết. Nếu không có đam mê, tự tin sẽ không thể hoạt động trách nhiệm và có thể truyền lửa sang cho các bạn sinh viên khác.
Hơn nữa cũng cần đảm bảo việc học tập không được bị ảnh hưởng quá nhiều. Vì với sinh viên, việc học là quan trọng nhất. Nếu học không ổn rất khó có thể khiến các bạn khác tham gia hoạt động của mình.
Hà cũng chia sẻ, các hoạt động, chương trình cần có kế hoạch chi tiết và phải được xây dựng dựa trên nhu cầu và mong muốn của chính các bạn sinh viên, đồng thời có tính thiết thực, hiệu quả cao.
Ngay từ đầu năm nên xây dựng ngay kế hoạch hoạt động trong năm học để các liên chi có sự chuẩn bị kĩ lưỡng, thu hút được sự quan tâm nhiều bạn sinh viên.
Cũng nên tận dụng, phát huy các thế mạnh Đoàn Thanh niên và Hội sinh viên để có các nguồn tài trợ cho hoạt động Đoàn - Hội phát triển mạnh. Có chế độ khen thưởng và khiển trách rõ ràng, nghiêm túc, động viên tinh thần các đoàn viên hoạt động tốt trong năm học; phê bình những cá nhân chưa có trách nhiệm trong công việc được giao.
Năng động, tự tin trên cơ sở giá trị truyền thống
Nói về phẩm chất cần có của nữ sinh thời nay, Hà cho rằng, phụ nữ Việt Nam thế kỉ 21 cần trau dồi cho mình sự năng động, tự tin nhưng đồng thời không đánh mất đi giá trị văn hóa truyền thống. Cũng rất cần bản lĩnh và quyết đoán để có thể vượt qua các cám dỗ và đạt thành công sự nghiệp và cuộc sống gia đình.
“Trước kia, vẻ đẹp người phụ nữ thường được đánh giá qua bốn chữ Công – Dung – Ngôn - Hạnh. Ngày nay, những nét đẹp ấy vẫn đúng nhưng chưa đủ, cần hài hòa giữa vẻ đẹp trí tuệ, nhan sắc và tâm hồn.
Đặc biệt với nữ sinh sư phạm, để trở thành cô giáo giỏi, ngay từ trên giảng đường cần trau dồi kiến thức chuyên môn vững chắc, cách truyền tải kiến thức phong phú đa dạng phù hợp với tâm lí và thu hút học sinh.
Quan trọng nhất, giáo viên không chỉ là người thầy mà cần trở thành người bạn, lắng nghe và thấu hiểu các suy nghĩ và hướng học sinh đến suy nghĩ đúng đắn, tích cực, có lối sống trong sáng và lành mạnh, phù hợp lứa tuổi các em học sinh, tránh rơi vào những hệ lụy đáng tiếc” - Hà chia sẻ.