Việc phe đối lập nhanh chóng lật đổ chính quyền của Tổng thống Bashar al-Assad ở Syria được xem là cơ hội tốt nhất có thể xảy ra với các nhà cải cách Iran - những người gần đây đã giành được một số quyền lực tại Tehran.
Về cơ bản, đất nước Iran đang ở thời điểm có thể thay đổi cách tiếp cận đối với cả ngoại giao hạt nhân và liên minh khu vực, tạp chí Statecraft đã đưa ra nhận xét nói trên.
Các nhà lãnh đạo Iran từng lo ngại việc Tổng thống al Assad sẽ bị thay thế bởi những thế lực đối lập. Theo nghĩa này, nhận thức của Iran về mối đe dọa tiềm tàng do lực lượng đối lập ở Syria gây ra cũng giống với quan điểm của các nhà hoạch định chính sách Hoa Kỳ.
Mối lo ngại chung ở Washington và Tehran là chiến thắng của một loại “chủ nghĩa thánh chiến Sunni”, có thể gây ra sự chia cắt và nội chiến hơn nữa ở Syria.
Các nhà cải cách của Iran chia sẻ nỗi lo ngại này. Đồng thời, sự sụp đổ của chính quyền al Assad đã làm xáo trộn bộ máy chính trị ở Cộng hòa Hồi giáo. Những gì được nhiều người coi là sự hợp nhất, không thể lay chuyển được của một thế hệ những người theo đường lối cứng rắn mới giờ đây trông đã khác xưa.
Thay đổi ở Syria không chỉ làm mất uy tín của những người theo đường lối cứng rắn tại Tehran mà còn tạo ra một cơ sở thuyết phục cho việc đổi mới chính sách ngoại giao với Hoa Kỳ, một lập trường được những người theo chủ nghĩa cải cách ủng hộ từ lâu.
Giới quan sát nhận xét, rất có thể họ sẽ tận dụng cơ hội này để cố gắng vực dậy những nỗ lực như vậy, cả trong và ngoài nước, từ đó thoát ra khỏi nhiều năm hứng chịu cảnh cô lập và cấm vận.
Khó khăn mà Tehran trải qua khi các chiến binh Hồi giáo giành quyền lực ở Syria có thể sẽ mở ra cơ hội, dẫn đến một diện mạo mới của Iran trên trường quốc tế. Việc tận dụng tình hình một cách khéo léo và thông minh sẽ định hình lại thái độ đối với Cộng hòa Hồi giáo cả trong và ngoài Trung Đông.