Sáng 13/12, tại Trung tâm Văn hóa Xứ Đông (TP Hải Dương), Hội đồng Khoa học các cơ quan Đảng Trung ương phối hợp với Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật và Tỉnh ủy Hải Dương tổ chức hội thảo khoa học “Phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới”.
Chủ trì hội thảo có TS. Vũ Thanh Mai, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Khoa học các cơ quan Đảng Trung ương; Lê Văn Hiệu, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh và PGS. TS. Vũ Trọng Lâm, Giám đốc - Tổng Biên tập Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật chủ trì hội thảo.
Nguồn nhân lực chất lượng cao cấu thành sức mạnh quốc gia
Nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao là lực lượng quan trọng cấu thành sức mạnh của quốc gia, là nhân tố quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước. Trong bối cảnh mới hiện nay, khi đất nước ta đang đẩy mạnh hội nhập quốc tế sâu rộng, nguồn nhân lực chất lượng cao càng có vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng, là điều kiện tiên quyết bảo đảm thành công cho quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa; rút ngắn khoảng cách tụt hậu, đồng thời duy trì tăng trưởng nhanh, bền vững. Đây cũng là yếu tố quyết định đẩy mạnh nghiên cứu, triển khai ứng dụng khoa học - công nghệ, cơ cấu lại nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng; là động lực chủ yếu tiếp cận và phát triển nền kinh tế tri thức; là điều kiện quan trọng trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế.
Trước yêu cầu nhiệm vụ xây dựng và phát triển đất nước trong bối cảnh hiện nay, Đại hội XIII của Đảng xác định: “Phát triển nhanh nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao; ưu tiên phát triển nguồn nhân lực cho công tác lãnh đạo, quản lý và các lĩnh vực then hốt trên cơ sở nâng cao, tạo bước chuyển biến mạnh mẽ, toàn diện, cơ bản về chất lượng giáo dục, đào tạo gắn với cơ chế tuyển dụng, sử dụng, đãi ngộ nhân tài...”.
Đại hội cũng đặt ra yêu cầu phải “Đào tạo con người theo hướng có đạo đức, kỷ luật, kỷ cương, ý thức trách nhiệm công dân, xã hội; có kỹ năng sống, kỹ năng làm việc, ngoại ngữ, công nghệ thông tin, công nghệ số, tư duy sáng tạo và hội nhập quốc tế (công dân toàn cầu)”. Đây là chủ trương hết sức đúng đắn, thể hiện tư duy, tầm nhìn mới của Đảng ta về phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh và bền vững đất nước trong thời kỳ mới.
Nhận thức rõ vai trò, tầm quan trọng của nguồn nhân lực, trong thời gian qua, hệ thống văn bản pháp luật về phát triển nguồn nhân lực đã được ban hành khá đầy đủ và ngày càng được hoàn thiện; bộ máy quản lý nhà nước về phát triển nguồn nhân lực từng bước được kiện toàn, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động, đáp ứng yêu cầu của thời kỳ phát triển mới…
Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao còn nhiều vướng mắc
Tại hội thảo, các nhà khoa học, nhà nghiên cứu, nhà quản lý, nhà đào tạo, nhà hoạch định chính sách và địa phương chỉ ra rằng, bên cạnh mặt tích cực, phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao ở nước ta vẫn còn một số mặt hạn chế: Chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao chưa đáp ứng yêu cầu phát triển của xã hội, của đất nước; Hoạt động đào tạo ở nhiều nơi còn nặng về lý thuyết, nhẹ về thực hành, chưa qan tâm đúng mức đến kỹ năng xã hội, kỹ năng sống và khả năng tự học, kỹ năng sáng tạo; Tỷ lệ lao động chưa qua đào tạo vẫn còn lớn, chất lượng đào tạo chưa cao, cơ cấu ngành, nghề chưa hợp lý.
Hiện nay chúng ta vẫn đang thiếu lao động trình độ cao đáp ứng nhu cầu phát triển của các ngành kinh tế mũi nhọn, công nghệ cao, phục vụ phát triển số, đồng thời dư thừa lao động thủ công; thiếu cán bộ lãnh đạo, quản lý, quản trị doanh nghiệp giỏi và đội ngũ chuyên gia trong các ngành kinh tế, thiếu kỹ thuật, công nhân lành nghề…
Hải Dương là địa phương có nhiều tiềm năng, lợi thế về lao động và đang thu hút nhiều doanh nghiệp trong nước và nước ngoài tới đầu tư sản xuất, kinh doanh. Số lao động từ các địa phương khác đổ về làm việc tại các nhà máy lên đến hơn 60.000 người nhưng trong số đó phần nhiều lại là lao động phổ thông. Đặc biệt, theo tỉnh này thông tin, có tới 13.000 con em Hải Dương có tay nghề, trình độ không làm việc tại quê nhà mà chuyển tới các tỉnh, thành phố lớn trong cả nước làm việc, sinh sống.
Giải thích về việc thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng cao, theo Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Hải Dương Lê Văn Hiệu và Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Minh Hùng là do Hải Dương còn một số hạn chế như: chế độ chính sách hỗ trợ đào tào tạo, bồi dưỡng chưa được bổ sung kịp thời; việc thu hút cán bộ tài năng, cán bộ trẻ, các chuyên gia giỏi trên các lĩnh vực về công tác tại tỉnh chưa thực sự hiệu quả; chưa tạo được môi trường làm việc tốt để giữ chân cán bộ trẻ, chuyên môn giỏi ở lại làm việc; liên kết giữa các cơ sở đào tạo nhân lực với các doanh nghiệp, cơ quan, đơn vị nhằm gắn đào tạo với thị trường lao động còn hạn chế...
Giải pháp nào để phát triển nguồn nhân lực?
Cũng theo Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Hải Dương Lê Văn Hiệu thời gian tới, cùng với việc sắp xếp bộ máy theo chỉ đạo của Trung ương, Tỉnh ủy Hải Dương tiếp tục quan tâm đào tạo, bồi dưỡng kiến thức mới để xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức các cấp đáp ứng yêu cầu, đòi hỏi của giai đoạn cách mạng mới. Tiếp tục nghiên cứu xây dựng cơ chế thu hút giáo viên dạy nghề, cơ chế hỗ trợ người học nghề có hoàn cảnh khó khăn. Đẩy mạnh sắp xếp các trường nghề, đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học và mở các mã ngành đào tạo nghề mới theo yêu cầu của thị trường lao động nhằm đáp ứng mục tiêu phát triển công nghiệp theo hướng hiện đại...
PGS.TS. Vũ Trọng Lâm, Giám đốc - Tổng Biên tập Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật cho rằng, để đạt được các mục tiêu trên, yếu tố quyết định là xây dựng và phát huy nguồn lực con người Việt Nam, trong đó trước nhất là phải nhận thức một cách đúng đắn, rõ ràng hơn nội hàm, vai trò, tầm quan trọng để có những nội dung, chính sách, giải pháp tích cực, thiết thực, hiệu quả nhằm phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao.
Trong khi đó, GS.Phùng Hữu Phú, Nguyên Uỷ viên Trung ương Đảng, Nguyên Phó trưởng ban Thường trực Ban tuyên giáo Trung ương, Nguyên Chủ tịch Hội đồng khoa học các cơ quan Đảng, Chuyên gia tư vấn hội đồng khoa học các cơ quan Đảng, cho rằng cuộc cách mạng số, kỷ nguyên số đang phát triển mạnh. Nó vừa tạo ra thời cơ chưa từng có, đồng thời nẩy sinh những thách thức rất khắc nghiệt. Theo dự báo, công nghệ số tạo ra 2 triệu công việc làm mới thì đồng nghĩa nó làm mất đi 7 triệu các công việc truyền thống.
Giáo sư Phú nêu lên thực trạng và trở ngại về vấn đề nguồn nhân lực chất lượng cao trong bối cảnh Việt Nam hiện nay đang trong tình trạng già hoá dân số. Ông đưa ra một loạt quan điểm: Thay đổi cơ cấu lao động sẽ làm thay đổi gì và nguồn nhân lực này chúng ta giải quyết thế nào/ Đào tạo nguồn nhân lực trong điều kiện dân số trẻ và dân số già như thế nào/ Không thể biến nguồn lực dân số già thành đối tượng thụ động, gánh nặng cho quốc gia/ Đào tạo nguồn nhân lực trong bối cảnh nguồn lực trong nước, khu vực và toàn cầu ?
Giáo sư cho rằng, để trả lời những câu hỏi thực tiễn đang đặt ra nêu trên thì các chuyên gia, các nhà khoa học và quản lý cần phải đưa ra giải pháp, bởi nguồn nhân lực cao vận động theo giá trị. Nơi nào có giá trị cao thì người lao động có chất lượng cao đến, nơi nào giá trị thấp thì nhân lực tất yếu dời đi.
Vị giáo sư cho rằng, con số 13.000 người Hải Dương rời đi nơi khác làm ăn theo báo cáo hoàn toàn là chuyện bình thường. “Vậy bài toán này giải quyết thế nào?”, Giáo sư Phú hỏi và cho hay, phải chăng Hải Dương cần có phải những dự án công nghiệp dịch vụ trình độ lao động cao, giá trị lao động cao…thì lao động chất lượng cao sẽ đổ về. Để làm được điều đó, ngoài cơ chế chính sách của Trung ương, tỉnh Hải Dương cần phải có cơ chế, chính sách thông thoáng, hấp dẫn riêng chính mình trong việc thu hút nhà đầu tư, thu hút và trọng dụng nhân lực, nhân tài.
Cũng theo Giáo sư Phú, thực tiễn đang diễn ra như vậy, các cơ quan chức năng, các địa phương cần phải bám sát vào thực tiễn, trả lời câu hỏi của thực tiễn; đặc biệt phải giải quyết các điểm nghẽn, tránh để điểm nghẽn càng để lâu càng nghẽn, càng khó tháo gỡ.
Kết luận hội thảo, Tiến sĩ Vũ Thanh Mai, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Khoa học các cơ quan Đảng Trung ương ghi nhận, đánh giá cao các ý kiến tham luận, trao đổi tại hội thảo. Đồng thời khẳng định, ý kiến của các nhà khoa học và các đại biểu sẽ cung cấp thêm những luận cứ khoa học, góp phần định hướng cho công cuộc phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu kỷ nguyên vươn mình của dân tộc ở Việt Nam trong thời gian tới. Nhiều mô hình hay, bài học kinh nghiệm sâu sắc, các đề xuất, giải pháp có giá trị cao đưa ra trong hội thảo sẽ là cơ sở để các bộ, ban, ngành, địa phương tiếp tục nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.