Vậy, từ khi nào, người Việt có tục lệ tổ chức Tết Thượng nguyên?
Sử sách nước ta thời xưa không ghi chép cụ thể về vấn đề này. Chỉ có một số tài liệu cho biết, vào thời Lê sơ, Rằm tháng Giêng hay Nguyên tiêu là dịp để các văn nhân, tài tử, các học sĩ trong cung đình cùng nhau xem hoa thưởng nguyệt, làm thơ xướng họa, ứng đáp câu đối, hay nghe đàn xem hát, diễn trò… Rất nhiều bài thơ về dịp Nguyên tiêu đã ra đời từ thời này.
Còn việc lễ cúng trong dịp Tết Thượng nguyên được cho là bắt nguồn từ các nghi lễ liên quan đến nông nghiệp của nhân dân ta, với nghi thức thờ ba yếu tố gắn bó mật thiết với sản xuất nông nghiệp gồm thờ trời vào Rằm tháng Giêng (Tết Thượng nguyên), thờ đất vào Rằm tháng Bảy (Tết Trung nguyên) và thờ thần nước vào Rằm tháng Mười (Tết Hạ nguyên – ba lễ này gọi chung là Tam nguyên). Ba vị thần này cũng đi vào tín ngưỡng thờ Mẫu của dân tộc ta, hóa thân thành Mẫu Thượng Thiên, Mẫu Địa Phủ và Mẫu Thoải. Các nhà nghiên cứu văn hóa xác định, tín ngưỡng thờ Mẫu ở nước ta được hình thành vào thời Lê trung hưng (thế kỷ 16 - 17).
Theo quan niệm dân gian, vào Rằm tháng Giêng, Rằm đầu tiên của năm mới, nhân dân tổ chức cúng lễ để cầu trời phù hộ cho một năm có nhiều điều may mắn, người làm nông nghiệp mong mưa thuận gió hòa, trồng trọt, buôn bán cả năm đều thuận lợi. Các lễ cúng vào dịp lễ Tam nguyên có lẽ cũng đã được nhân dân tiến hành từ thời đó hoặc trước nữa.
Qua đến thời Nguyễn, thì ngày Rằm tháng Giêng đã được xác định là ngày lễ lớn của triều đình. Điều này được quy định từ thời vua Minh Mạng. Theo bộ chính sử của triều Nguyễn, “Đại Nam thực lục”, thì năm Minh Mạng thứ 16 (1835), mùa thu, tháng 9, triều đình bắt đầu định thêm thể lệ các tiết lễ hằng năm.
Bộ này sử viết, nhà vua dụ nội các rằng: “Nhà nước xét theo phép xưa, làm sáng điển lễ. Hằng năm có 5 kỳ tế hưởng ở nhà tôn miếu, cho đến các Tết như Nguyên đán, Thanh minh, Đoan dương, Trừ tịch đều có lễ tiến cúng để tỏ thành kính. Lễ nghi và ý nghĩa đã là chu đáo. Lại nghĩ: Những ngày tuần tiết như: Thượng nguyên, Hạ nguyên, Trung nguyên, Thất tịch (7/7), Trung thu (Rằm tháng Tám), Trùng dương (9/9), Đông chí (ngày 22 hoặc 23 tháng 12 dương lịch), người xưa cũng có cúng lễ, mà tục nước ta thật thà chất phác chưa cử hành được hết. Vậy sai bộ Lễ tham bác xưa nay, châm chước kiến nghị, tâu lên trẫm nghe”.
Đến khi lời bàn của quần thần dâng lên thì vua chuẩn định: “Từ nay, phàm những tiết Đông chí, Thượng nguyên, Trung nguyên và Hạ nguyên đều làm cỗ bàn dâng cúng các miếu và điện Phụng Tiên (thờ vua Gia Long và hoàng hậu), lễ nghi như lễ tiết Đoan dương (riêng tiết Thượng nguyên, gặp ngày đản ở điện Phụng Tiên thì những lễ phẩm cứ chiếu theo lệ, bày đặt như cũ, không phải làm thêm cỗ bàn). Còn những tiết Thất tịch, Trung thu và Trùng dương đều dùng hoa quả nước trà và của ngon vật lạ (ngày Đông chí, làm lễ 3 tuần rượu; các tiết khác làm lễ một tuần rượu). Vào những tiết Thượng nguyên và Trung thu, thì treo đèn suốt đêm để nêu bật ngày Tết nhằm thời tiết đẹp”.
Đến năm sau là năm Minh Mạng thứ 17 (1836), triều đình nhà Nguyễn quy định rõ việc chuẩn bị lễ vật, để dâng cúng trong các dịp lễ tiết này. Triều thần bàn rằng, đất nước lấy nông nghiệp làm đầu, việc cúng tế cốt cầu mong cho mưa thuận gió hòa, giảm bớt thiên tai, nên hằng năm, về Tết Trung nguyên ở các miếu và điện Phụng Tiên đều theo lệ Tết Nguyên đán, bày mũ đai, xiêm, áo bằng đồ mã, vàng giấy, bạc giấy, mâm giấy, hòm giấy, kho giấy; khi lễ xong, đốt mã đi và theo lệ như hai tiết Thượng nguyên, Trung thu, thắp đèn suốt đêm.
Theo lệ thường, các vua triều Nguyễn thiết đại triều vào các ngày mùng Một và Rằm hằng tháng. Đến mùa thu năm Minh Mạng thứ 20 (1839), nhà vua mới chuẩn định từ năm này, phàm các ngày Tết Tam nguyên (Rằm tháng Giêng, tháng Bảy, tháng Mười âm lịch) và Tết Trung thu, các quan trong triều đều được miễn triều yết, cho phép được ở dinh thự tắm gội nghỉ ngơi ăn Tết. Duy các quan văn từ tứ phẩm, võ từ tam phẩm trở xuống, vẫn phải túc trực như thường.
Về nghi thức cúng tế khi có nhà vua trực tiếp hành lễ tế dịp Tết Thượng nguyên, châu bản triều Nguyễn ghi chép bản phúc trình của Bộ Lễ năm Tự Đức thứ 23 (1870) rằng: “Bộ thần đã bàn bạc lại, nghĩ xin từ nay về sau, hàng năm phàm có các lễ tiết ở Thái miếu, Thế miếu, trừ hai lễ Trừ tịch và Chính đán ra, còn các lễ tiết: Mùng 2, mùng 3, Thượng nguyên, Đoan dương, Thất tịch, Trung nguyên, Trung thu, Trùng dương, Đông chí, Hạ nguyên và các ngày sóc vọng (Rằm, mùng Một) hàng tháng cùng lễ ngũ hưởng và thường ngày, nếu như có Hoàng thượng đến làm lễ đều xin sắc thị trước.
Bộ thần sẽ hội đồng với các viên Thị vệ sứ, Từ tế Chánh Phó sứ, đến chái phía Đông của miếu sở thiết đặt lễ phẩm chuẩn bị. Đến giờ Hoàng thượng khăn áo đầy đủ từ điện Cần Chính lên xe đến khu đất bên ngoài miếu, theo cửa bên trái vào tiểu thứ nghỉ chân. Các nhân viên của Ty Từ tế áo mũ đầy đủ, theo các án thờ phụng đốt đèn, nến và mở trướng khám cho chỉnh tề. Một viên Trung sứ vào tấu mời Hoàng thượng ra nơi lập vị. Lễ xong Hoàng thượng xuống thềm trở về cung”.
Châu bản triều Nguyễn cũng cho biết, thời gian nhà vua thực hiện lễ cúng Tết Thượng nguyên là sau canh 5 đêm ngày 14 tháng Giêng: “Ngày làm lễ khắc 7 canh 5 ngày 14 tháng Giêng. Cho mở cửa Chương Đức để các sở ty đem lễ phẩm vào và lưu lại cho đến hết canh”.