Sự pha trộn tín ngưỡng dân gian
Về cội nguồn của Tết Nguyên Tiêu, dân gian có nhiều giải thích nhưng theo TS Đinh Đức Tiến (khoa Lịch sử, trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn), Tết Nguyên Tiêu có sự ảnh hưởng từ các tích truyện của Trung Quốc. Chỉ có điều, khi về đến Việt Nam, qua sự tiếp biến văn hóa, các phong tục, ngày lễ này đều có sự thay đổi ít nhiều.
TS Đinh Đức Tiến cho biết: "Theo truyền thống Phật giáo, Rằm tháng Giêng là ngày trọng đại và vô cùng đặc sắc, mang ý nghĩa rất lớn. Vào ngày này, dân chúng lên chùa cúng dâng sao giải hạn với mong muốn giải trừ tai ách, cầu nguyện an lành. Chính vì vậy mà vào Rằm tháng Giêng, nhiều chùa lập đàn, tụng niệm và hồi hướng công đức đầu năm, mong cầu phát sinh an lành, hạnh phúc”.
Từ nghi thức Phật giáo này kết hợp thêm với tục thờ cúng tổ tiên của người Việt, từ đó, không gian thờ cúng của ngày Rằm tháng Giêng càng mang nhiều ý nghĩa hơn.
Cúng quanh năm không bằng ngày Rằm tháng Giêng
Tết Nguyên Tiêu có nghĩa là đêm rằm đầu tiên của năm mới. (“Nguyên” là thứ nhất, “tiêu” là đêm). Tết Nguyên Tiêu là dịp lễ tết quan trọng nên ông bà ta có câu: “Cúng quanh năm không bằng rằm tháng Giêng” hay “Lễ Phật quanh năm không bằng ngày rằm tháng Giêng”.
Trong ngày lễ này, tùy vào điều kiện kinh tế và phong tục tập quán, mâm cỗ cúng rằm tháng Giêng của mỗi gia đình, vùng miền có thể khác nhau nhưng đều để thể hiện tấm lòng thành kính và biết ơn của con cháu đối với Phật, thánh, ông bà, tổ tiên, cầu mong một năm an lành, may mắn và nhiều tài lộc.
Nếu điều kiện kinh tế hạn hẹp, chúng ta chỉ cần pha một ấm trà, vài chén rượu nhạt, hoa quả tự trồng được, mấy nén nhang với lòng thành kính.
Nên cúng vào ngày chính rằm
Theo các chuyên gia phong thủy, cúng rằm tháng Giêng không nên cúng quá sớm hay quá muộn. Nên cúng vào chính rằm tức là ngày 15 tháng Giêng và cúng vào giờ Ngọ để đúng với phong tục từ xa xưa của ông cha.
Tuy nhiên, có gia đình không thu xếp được công việc để cúng đúng chính rằm. Theo TS Nguyễn Viết Chức - chuyên gia văn hoá, không nhất thiết phải cúng Rằm tháng Giêng vào đúng ngày 15 tháng Giêng mà có thể cúng từ ngày 14. Điều quan trọng nhất vẫn là thành tâm.
Nên làm hai mâm lễ cúng ngày rằm tháng Giêng
Khác với các ngày rằm khác trong năm, ngày Rằm tháng Giêng được nhiều người Việt coi trọng. Theo đó, Thông thường người Việt sẽ sắm hai lễ chính, một là lễ cúng Phật và mâm lễ cúng gia tiên.
Mâm lễ cúng Phật thường có hương hoa, trầu cau, rượu trắng và quả. Ngày nay, mâm lễ cúng Phật của nhiều gia đình thường có thêm món bánh trôi nước với ý nghĩa cầu mong cả năm mọi việc đều hanh thông, trôi chảy, hạnh phúc tròn đầy.
Mâm lễ cúng gia tiên cúng gia tiên ngày Rằm tháng Giêng là mâm cỗ mặn thường có 4 bát, 6 đĩa. Trong đó, 4 bát gồm bát canh ninh măng, bát canh bóng, bát canh miến và bát canh mọc. Còn 6 đĩa gồm đĩa bánh chưng hay bánh tét hay đĩa xôi, đĩa thịt gà, đĩa giò, đĩa nem rán, đĩa xào, đĩa rau củ luộc hay đĩa dưa hành. Ngoài ra, thêm đĩa gia vị và bát nước chấm.
Di sản văn hoá phi vật thể quốc gia
Bộ Văn hoá – Thể thao và Du lịch vừa ban hành Quyết định về việc đưa Tết Nguyên Tiêu của người Hoa ở Quận 5, TP.HCM vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Đây là một trong những lễ hội thường niên của thành phố mỗi dịp Rằm tháng Giêng, thu hút sự tham gia của hàng ngàn người.